(BVPL) - Vài năm gần đây, tỷ lệ các cặp vợ chồng bị vô sinh ở nước ta không chỉ gia tăng nhanh chóng mà còn có xu hướng trẻ hóa. Nếu trước kia, vô sinh chủ yếu xảy ra ở những vợ chồng lớn tuổi thì hiện nay, khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh có độ tuổi dưới 30.
7-10% cặp vợ chồng bị vô sinh
Thông tin trên được đưa ra tại lễ công bố kết quả khảo sát nhận thức về vấn đề hiếm muộn với trên 1.000 phụ nữ Châu Á, do Hội sản phụ khoa Việt Nam phối hợp với hãng Merck tổ chức chiều 17-11, ở Hà Nội. Với Việt Nam, đây được coi là cuộc khảo sát lớn nhất từ trước đến nay về nhận thức của phụ nữ về vấn đề vô sinh, hiếm muộn. PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, nghiên cứu mang tầm quy mô cả nước được thực hiện tại 8 vùng sinh thái cho thấy, có 7%-10% các cặp vợ chồng bị hiếm muộn, không sinh được con nếu không có sự can thiệp của y tế.
Đáng chú ý, ở các thành thị, tỷ lệ vô sinh có xu hướng tăng cao hơn. Theo một thống kê chưa đầy đủ, tại Hà Nội, có 13% số cặp vợ chồng vô sinh. Riêng tại BV Phụ sản Trung ương, mỗi năm điều trị từ 2.500 - 3.000 lượt vô sinh, đứng đầu các trung tâm điều trị hiếm muộn cả nước. Theo ông Tiến, trong số các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn thì tỉ lệ vô sinh ở nam giới chiếm 40%, nữ giới chiếm 40% và 20% còn lại do cả hai. Điều hết sức đáng lo ngại là tình trạng vô sinh ở những người trẻ tuổi (dưới 30 tuổi) có xu hướng gia tăng và chiếm khoảng 50% các trường hợp vô sinh, hiếm muộn.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân tình trạng vô sinh ở các cặp vợ chồng trẻ gia tăng rất đa dạng. Với nữ giới, vô sinh có thể do dị dạng về đường sinh dục, viêm nhiễm, tắc ống dẫn trứng, suy buồng trứng, buồng trứng đa nang, rối loạn phóng noãn... Ở nam giới, nguyên nhân thường do chất lượng tinh trùng yếu hoặc không có tinh trùng, tắc ống dẫn tinh, xuất tinh ngược dòng, viêm tinh hoàn... Bên cạnh đó, sự thay đổi lối sống, sinh hoạt với thói quen sử dụng rượu, thuốc lá, cocaine, thường xuyên tiếp xúc với nhiệt độ cao sẽ làm giảm chất lượng tinh trùng, tăng nguy cơ vô sinh ở nam giới.
Nhận thức chưa đầy đủ
Nghiên cứu nói trên cũng chỉ ra lỗ hổng kiến thức về khả năng sinh sản của phụ nữ nước ta. Có từ 50%- 75% phụ nữ không biết rằng ở tuổi 40, phụ nữ có ít cơ hội mang thai hơn ở tuổi 30, hay béo phì có thể làm giảm khả năng sinh sản và đàn ông có thể vô sinh kể cả khi anh ta có thể sản xuất tinh trùng, đạt được sự cương dương. Hơn 50% phụ nữ trong khảo sát không biết rằng các cặp vợ chồng được xem là vô sinh nếu họ không có thai sau 1 năm. Thậm chí, 30% phụ nữ dù đã cố gắng có thai hơn 6 tháng không được mà khi được hỏi vẫn không biết trung tâm sức khỏe sinh sản gần nhất với nơi ở của mình nằm ở đâu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đánh giá, chính nhận thức kém về vấn đề sinh sản và nguyên nhân hiếm muộn đã làm giảm cơ hội để người phụ nữ được làm mẹ. Hiện tại, cả nước có trên 10 cơ sở y tế được phép điều trị hiếm muộn, trong đó lớn nhất là BV Phụ sản Trung ương và BV Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh). Theo ông Tiến, chi phí điều trị vô sinh, hỗ trợ sinh sản ở nước ta từ 25 - 60 triệu đồng/ca, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhưng kết quả điều trị thành công không hề thua kém. Nếu như trên thế giới, tỷ lệ điều trị thành công vô sinh trung bình từ 35% - 40% thì ở nước ta, một số BV như Phụ sản Trung ương, Từ Dũ tỷ lệ này nhiều khi lên tới 50%.
Cũng theo ông Tiến, ngoài các biện pháp điều trị, nhiều người dân khi bị hiếm muộn, vô sinh thường tìm đến các thầy lang, sử dụng thuốc đông y, gần đây là sử dụng thêm các loại thực phẩm chức năng để hỗ trợ, tăng khả năng có con. Không thể phủ nhận các loại thuốc trên, đặc biệt các sản phẩm thực phẩm chức năng ít nhiều có tác dụng nhưng chỉ dừng ở mức độ hỗ trợ, cộng hưởng chứ không có tác dụng điều trị, lại hoàn toàn không có tác dụng chữa được hiếm muộn.
Theo ANTĐ