Giờ bán liên tục bị thay đổi, mỗi bệnh nhân chỉ được mua 3/4 liều/lần khiến nhiều người bức xúc: Vì sao thuốc không bán rộng rãi cho dân trị bệnh mà lại “nhỏ giọt” như thế?
 
Mua thuốc như mua… thịt thời bao cấp!
 
Gần đây, trên một số diễn đàn mạng, người ta thấy lan truyền những lời tán tụng về một loại thuốc đặc trị bệnh dạ dày có tên là  Bình Vị Nam (BIVINA) do Cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền Khoa Dược, Bệnh viện 354 (Tổng cục Hậu cần) sản xuất. 
 
Nghe lời giới thiệu công dụng của thuốc này là đặc trị chứng “viêm loét dạ dày, dự phòng chảy máu và loét dạ dày tái phát” rất hiệu nghiệm nên nhiều người kháo nhau ùn ùn kéo tới nhà thuốc Bệnh viện 354 tìm mua, với mong muốn thoát cảnh bị chứng đau bao tử hành hạ.
 
Sau một đợt điều trị, nhiều người khen thuốc hay, số khác lại nói uống vào chỉ thấy “êm êm”… Nhưng nhìn chung, BIVINA được khá nhiều người tin dùng, vì thế nó được bán rất chạy. Gần như ngày nào cũng có hàng đoàn người rồng rắn xếp hàng trước cổng bệnh viện chờ mua thuốc, hệt cảnh xếp hàng mua thịt, mua chất đốt thời bao cấp. 
 
Thuốc BIVINA một đợt điều trị tối đa hơn 250 viên, nhưng bệnh viện chỉ bán 2 gói (200 viên)/bệnh nhân/lần
Thuốc BIVINA một đợt điều trị tối đa hơn 250 viên, nhưng bệnh viện chỉ bán 2 gói (200 viên)/bệnh nhân/lần
 
Dù tới nay chưa có một thống kê cụ thể nào về tỷ lệ chữa khỏi bệnh của BIVINA được thông báo rộng rãi nhưng phải thừa nhận nhu cầu trong dân là khá lớn, bệnh viện đáng ra phải tìm cách đáp ứng nguyện vọng chính đáng về điều trị, chăm sóc sức khỏe của người dân, nhưng trên thực tế không biết vì thuốc sản xuất không kịp hay có sự “găm hàng” mà BIVINA trở nên rất khan hiếm? Thuốc khan đến mức có người ở Hà Nội lẫn tỉnh lẻ hai, ba ngày lặn lội tới đây tìm mua nhưng cuối cùng vẫn phải ra về tay không vì bệnh viện luôn thay đổi lịch bán. 
 
Cụ thể, trước đây thuốc bán không ấn định về mặt thời gian, nhưng sau lại chuyển sang bán buổi sáng và mới đây thì lại bất ngờ thông báo chỉ bán từ thứ hai đến thứ sáu, từ 13h30; nhiều người 15h đến mua thì nhận được thông báo từ nhân viên bệnh viện: “Hết thuốc. 13h30 ngày mai quay lại”.
 
Vì “lưu hành nội bộ”?
 
“Ngày mai quay lại” có nghĩa là hàng không quá khan, nhưng tại sao Bệnh viện 354 không bán liên tục mà lại phân phối “nhỏ giọt” theo từng khung giờ giới hạn khiến nhiều người phải đặt dấu hỏi như vậy? Phải chăng vì loại thuốc này chỉ được phép “lưu hành nội bộ” (ghi rõ trên bao bì) nên bệnh viện không dám bán nhiều và rộng rãi ra ngoài như các loại tân dược khác đang bày bán công khai tại nhà thuốc của Quân y viện này?
 
Điều đáng nói là trên vỏ bao bì BIVINA ghi rõ “Liều dùng: 3viên/lần - 3 lần/ngày. Đợt điều trị 3 - 4 tuần”. Có nghĩa một đợt điều trị tối đa kéo dài 28 ngày, người bệnh phải dùng tới 252 viên, nhưng bệnh viện chỉ bán cho mỗi người bệnh 2 gói/một lần mua (100 viên/gói)?  Chị Lương Anh (ở Cầu Giấy, Hà Nội) ngạc nhiên: “Cách đây hơn 1 năm, tôi đến mua người ta bán một lần đủ liều 3 gói và không có quy định giờ giấc gì cả. Nay, chỉ bán 2 gói/lần không đủ liều điều trị thì làm sao hy vọng trị dứt được bệnh?”. 
 
Thực tế này khiến không ít người bức xúc vì chỉ thiếu hơn 50 viên nữa là đủ liều điều trị, nhưng sau nhiều lần đến mua bổ sung, chỉ vì chậm vài chục phút là không còn thuốc, việc điều trị vì thế bị gián đoạn. Trong khi nguyên tắc hàng đầu của việc dùng thuốc là phải liên tục, đúng liều theo khuyến báo của bác sỹ hay nhà sản xuất bào chế thì mới có hiệu quả.
 
Báo PLVN đề nghị Tổng cục Hậu cần và Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) kiểm tra việc bán thuốc “lưu hành nội bộ” của bệnh viện này là đúng hay sai. Trong trường hợp nếu thuốc này được phép bán thì tại sao lại phân phối “nhỏ giọt” như vậy?
 
Khan hiếm thật hay “găm” hàng?
 
Trước đây, mỗi người được mua 3 gói BIVINA/lần vào bất kỳ giờ nào trong ngày. Nhưng gần đây, giờ bán liên tục bị thay đổi, từ 8h00 rồi lên 13h30 các ngày từ thứ hai đến thứ sáu; mỗi người một lần chỉ được mua 2 gói. Phương thức bán, Bệnh viện 354 cũng cho đổi liên tục - từ ghi tên bán theo số thứ tự, rồi mới đây lại bắt xếp hàng kéo dài cả trăm mét, đợi cả tiếng đồng hồ. Thuốc này có tốt như người ta đồn, và có phải nó đang khan hiếm thực sự hay chỉ là giả tạo?

 

Theo Pháp luật VN
.