Mặc dù đã vào mùa khô song tình trạng sốt xuất huyết (SXH) vẫn diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu ngừng số ca mắc, đặc biệt là ở người lớn. Tại TP.Vũng Tàu đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do SXH vào cuối tháng 11 vừa qua.

 

 

Đã 2 tuần trôi qua nhưng gia đình em Đ.T.L.H., 17 tuổi, ngụ tại phường 9 (TP.Vũng Tàu) chưa hết bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của em do SXH. Trước đó, em H. bị sốt liên tục trong 3 ngày, gia đình đã đưa em đến khám phòng mạch tư và được chẩn đoán là sốt siêu vi. Đến ngày thứ 4, em H. vẫn sốt, mệt lả và nôn ói nhiều lần nên gia đình đưa vào Bệnh viện Lê Lợi điều trị. Tại đây, các bác sĩ đã chẩn đoán H. bị SXH Dengue N4 có dấu hiệu nặng nên đã cho nhập viện điều trị tại khoa Nội của bệnh viện. Bệnh nhân được xử lý sốc, truyền cao phân tử, truyền dịch tinh thể theo hướng dẫn chẩn đoán, sau đó chuyển hồi sức tích cực. Tại khoa Hồi sức tích cực chống độc, bệnh nhân được duy trì dịch tinh thể, truyền cao phân tử nhiều lần, nhưng bệnh nhân vẫn sốt liên tục, không có nước tiểu, tình trạng thoát dịch nặng, huyết áp có cải thiện nhưng sau đó tụt trở lại, tái sốc nên bệnh viện đã chuyển bệnh nhân lên tuyến trên (Bệnh viện Nhiệt đới). Tuy nhiên, sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân vẫn tái sốc nhiều lần, kéo dài, không đáp ứng điều trị, tiên lượng xấu. Đến trưa 21-11, tình trạng bệnh nhân hấp hối, nên người nhà đã xin xuất viện về nhà, sau đó, bệnh nhân đã tử vong.

 

Trường hợp của H. là 1 ca điển hình của SXH nặng ở người lớn: Bệnh nhân tái sốc nhiều lần, xuất huyết nặng, suy kiệt sức khỏe, suy đa tạng... Ghi nhận tại các bệnh viện, trung tâm y tế, từ đầu năm đến nay, số ca bệnh SXH ở người lớn chiếm tỷ lệ cao hơn so với SXH ở trẻ em (55%) và diễn biến phức tạp. Nhiều ca bệnh nặng phải chuyển lên tuyến trên điều trị. Có những ca tưởng tử vong nhưng lại may mắn được cứu sống, như trường hợp một bệnh nhân nữ 18 tuổi ở huyện Côn Đảo, bị SXH nặng phải chuyển Bệnh viện Nhiệt đới trong tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn, xuất huyết dưới da và xuất huyết nội tạng ồ ạt; tím tái toàn thân, không thể tự thở, dấu hiệu sinh tồn gần như bằng không. Sau 48 giờ, các bác sĩ mới khống chế được tình trạng xuất huyết nội tạng ở bệnh nhân nhưng bệnh nhân vẫn hôn mê, sự sống mong manh… Tuy nhiên, sau đó, bệnh nhân có dấu hiệu hồi phục chức năng gan, thận và hô hấp. Bệnh viện tiến hành lọc máu và đến ngày thứ 7, bệnh nhân tỉnh dần và được tiếp tục điều trị suy gan, suy thận. Sang ngày thứ 14, các chức năng gan thận hồi phục tốt, bệnh nhân qua cơn nguy hiểm.

 

Bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Lê Lợi cho biết, bệnh SXH thường nặng hơn ở trẻ em nhưng ở người lớn lại diễn tiến rất khó tiên lượng, dễ dẫn đến tử vong. Do đó, mọi người không được chủ quan, cần hết sức đề phòng, tránh mắc bệnh bằng các biện pháp phòng tránh SXH đã được cơ quan chức năng tuyên truyền, hướng dẫn. Khi có dấu hiệu của bệnh SXH, bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

 

Theo báo cáo của Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 2.000 ca SXH, trong đó SXH ở nhóm tuổi từ 16 tuổi trở lên chiếm 61,9%. Tỷ lệ các ca SXH phải nhập viện điều trị là 66%, số ca SXH Dengue nặng chiếm tỷ lệ 1,3%. Riêng từ tháng 10 đến nay, số ca SXH có giảm mạnh nhưng vẫn còn diễn tiến phức tạp và chưa có dấu hiệu ngừng số ca mắc.

 

Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

.