Tại Việt Nam, năm 2016, cả nước ghi nhận hơn 4.000 bệnh nhân có ký sinh trùng sốt rét và ba trường hợp tử vong.

 


Thời gian tới, Viện sẽ tích cực nâng cao năng lực chuyên môn cho các Trung tâm tuyến tỉnh, tuyến huyện để thực hiện công tác giám sát, phát hiện, điều trị kịp thời bệnh sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng. Mặt khác, Viện sẽ huy động xã hội hóa, góp vốn, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật để mở rộng cơ sở, phát triển các dịch vụ, kỹ thuật; triển khai các kỹ thuật ngoài danh mục và nhiệm vụ chuyên môn được giao; tổ chức các hoạt động dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của xã hội, phù hợp với lĩnh vực chuyên môn, khả năng của đơn vị và đúng với quy định của pháp luật

Để thực hiện chiến lược phòng chống và loại trừ sốt rét, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo các quốc gia cần giám sát ca bệnh sốt rét một cách chủ động ở các địa phương. Đây là yêu cầu cần thiết hiện nay để có biện pháp xử trí phù hợp, kịp thời; không để sốt rét quay trở lại trên địa bàn, đặc biệt là từ mầm bệnh ngoại lai bị nhiễm ở ngoài nước, ngoài tỉnh, ngoài huyện mang về và lây lan cho cộng đồng người dân.

Bộ Y tế khuyến cáo hiện nay chưa có vắcxin phòng ngừa sốt rét, chính vì vậy việc phòng chống muỗi truyền bệnh vẫn được xem là biện pháp hữu hiệu nhất. Có nhiều phương pháp khác nhau để phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét (như diệt muỗi bằng hóa chất hoặc ngăn sự tiếp xúc giữa người và muỗi truyền bệnh).

Ở các vùng có bệnh sốt rét lưu hành, người dân cũng cần chú ý thực hiện một số biện pháp nhằm ngăn cản sự tiếp xúc giữa muỗi và người như mặc quần dài, áo tay dài khi đi làm nương, làm rừng, bôi thuốc xua muỗi lên những nơi da hở, đốt hương muỗi, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng...

Người dân cũng có thể làm cửa lưới, mành rèm chống muỗi ở các cửa sổ để giảm tối đa sự xâm nhập của muỗi vào nhà. Điều quan trọng nhất, hữu hiệu nhất để phòng chống sốt rét hiện nay là người dân phải ngủ màn thường xuyên, màn phải được tẩm hóa chất và phun hóa chất diệt muỗi./.
 

Theo Thu Phương/TTXVN/Vietnam+

.