Bất bình đẳng giới đang tạo áp lực cho cả nam giới
Cập nhật lúc 18:04, Thứ hai, 11/07/2016 (GMT+7)
Quan niệm truyền thống bấy lâu nay đặt phụ nữ và nam giới vào một khuôn mẫu: Nam giới chỉ đạo, phụ nữ phục tùng… Những "khuôn mẫu" này không chỉ tước đi nhiều cơ hội phát triển bình đẳng mà cũng tạo thêm nhiều áp lực cho chính nam giới, TS. Khuất Thu Hồng (ảnh), Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) chia sẻ. (bình đẳng giới, khuôn mẫu giới, giới tính, TS. Khuất Thu Hồng, áp lực)
Quan niệm truyền thống bấy lâu nay đặt phụ nữ và nam giới vào một khuôn mẫu: Nam giới chỉ đạo, phụ nữ phục tùng… Những “khuôn mẫu” này không chỉ tước đi nhiều cơ hội phát triển bình đẳng mà cũng tạo thêm nhiều áp lực cho chính nam giới, TS. Khuất Thu Hồng (ảnh), Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) chia sẻ.
Theo TS. Hồng, một nghiên cứu mới đây do ISDS tiến hành cho thấy tình trạng bất bình đẳng giới (BBĐG) vẫn tồn tại khá phổ biến trong xã hội ấy dẫn đến phụ nữ được gắn liền với vai trò chăm sóc gia đình, còn đàn ông lo “việc lớn” ngoài xã hội. Mặc dù chúng ta đã đạt được một số kết quả về xóa bỏ BBĐG nhưng bóng dáng của sự BBĐG vẫn thể hiện ở mọi mặt trong đời sống xã hội. Đến nay phụ nữ bị khuôn chặt trong vai trò “chăm sóc”. Đó là gánh nặng về công việc nội trợ (phụ nữ thực hiện 12/14 việc nhà và hầu hết việc chăm sóc trẻ nhỏ). Nghiên cứu của ISDS năm 2015 cho thấy, đa số cho rằng phụ nữ dễ bị phân tâm bởi công việc gia đình, không có khả năng làm việc dưới áp lực cao, dễ thoả hiệp… Phụ nữ làm nhiều nhưng hưởng ít (thu nhập của phụ nữ chỉ bằng 84% thu nhập của nam giới). Phụ nữ ít được xuất hiện hơn nam giới và thường ở vai phụ.
|
|
Chính vì mặc định phụ nữ gắn liền với việc nhà, chăm sóc con cái nên năng lực lãnh đạo của phụ nữ thường bị hoài nghi. Họ ít được bầu chọn; ít được đề bạt; ít được giữ cương vị cao; bao quanh người nữ lãnh đạo thường có sự nghi ngờ về năng lực, đạo đức, tư cách, trách nhiệm đối với gia đình. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tỉ lệ nam giới tham gia chính quyền địa phương cao gấp 3 lần so với phụ nữ.
BBĐG thể hiện ở việc lựa chọn giới tính cho đứa trẻ ngay từ trong bào thai. Tuy không có số liệu về mức độ phổ biến của hành vi lựa chọn giới tính thai nhi nhưng hầu hết phụ nữ biết giới tính thai nhi qua siêu âm-có đến 83% phụ nữ biết giới tính thai nhi của mình và 99% trong số đó biết qua siêu âm. Điều này dẫn đến tỉ số giới tính khi sinh tăng mạnh; bạo lực gia đình vì không sinh được con trai; phụ nữ không sinh được con trai có nguy cơ bị bỏ rơi hoặc bị ly dị. Còn đàn ông ngoại tình hoặc lấy vợ hai để “kiếm” con trai…
BBĐG không chỉ tước đi cơ hội, quyền của phụ nữ mà cũng tạo nên những áp lực cho nam giới khi phải đổi mặt với những khủng hoảng trong các vấn đề sức khỏe và các hành vi nguy cơ. Nam giới thường được kỳ vọng gắn với vai trò “đại gia”, vai trò trụ cột gia đình, thành đạt trong công việc… Phải phấn đấu để đạt được những yếu tố “hình mẫu” ấy, nam giới Việt Nam có ít tiến bộ trong kiểm soát bệnh tật, thương vong và các yếu tố nguy cơ hơn so với phụ nữ; nam giới chiếm 70% số người nhiễm HIV/AIDS; nam giới gây ra 81% vụ tai nạn giao thông và chiếm hơn 80% số ca tử vong, thương tật do tai nạn giao thông. Đồng thời, nam giới chiếm đại đa số trong nhóm có các hành vi nguy cơ cao như: Hút thuốc lá (47% nam giới hút thuốc lá, 40.000 ca tử vong/năm); sử dụng ma túy (hơn 95% người nghiện ma túy là nam); lạm dụng rượu bia (80% nam tuổi 14-25 sử dụng rượu bia); quan hệ tình dục không an toàn… TS. Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.
Đặc biệt, không chỉ cộng đồng có cái nhìn mang nặng về “khuôn mẫu giới” mà qua lăng kính của truyền thông, vai trò truyền thống của phụ nữ lại được tô đậm hơn. TS. Khuất Thu Hồng dẫn chứng, ví dụ như khi ca ngợi một người phụ nữ bao giờ cũng phải gắn theo mẫu phụ nữ ở vị trí lãnh đạo vẫn chu toàn việc nhà, trong khi viết về đàn ông hoàn toàn không nhắc đến chi tiết này. Hoặc khi viết về phụ nữ bị bạo hành thường nói do họ không làm tròn vai trò làm vợ, làm mẹ; phụ nữ bị buôn bán là do thiếu hiểu biết, muốn làm ít hưởng nhiều; đàn ông đi mua dâm vì phụ nữ không biết cách “chiều” chồng…; phụ nữ lấy chồng nước ngoài là ham giá trị vật chất, không yêu quê hương đất nước.
Khi giải quyết được vấn đề BBĐG sẽ tạo cơ hội, trao quyền cho phụ nữ nhưng đồng thời cũng giảm những áp lực mang tính khuôn mẫu về giới cho nam. TS. Hồng cho rằng, để thay đổi sự những định kiến giới, giảm dần những BBĐG, với vai trò của mình, nhà báo có thể thay đổi xã hội bằng cách đưa tin chuyên nghiệp và nhân văn; tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt đối với trẻ em và nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương; không củng cố các khuôn mẫu. Dẫn lời nữ văn sỹ người Mỹ, Vera Nazarian, TS. Khuất Thu Hồng bày tỏ mong muốn: “Phụ nữ là con người. Phụ nữ không tốt hơn, không thông thái hơn, không khỏe hơn, không uyên bác hơn, không sáng tạo hơn và không có trách nhiệm hơn nam giới. Tương tự, phụ nữ không kém hơn nam giới ở bất kỳ điểm nào nói trên. Bình đẳng là quyền mặc định của mỗi con người”.
Theo PL&XH
.