Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, kháng sinh ra đời là bước ngoặt trong y học về điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. T uy nhiên, vấn đề kháng thuốc kháng sinh đã và đang ngày càng trở nên trầm trọng do nhiều vi sinh vật thích nghi và trở nên kháng với nhiều loại thuốc.
 
 
90% thuốc kháng sinh được bán không có đơn 
 
Theo ông Cao Hưng Thái- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh- Bộ Y tế, hiện tình trạng lạm dụng kháng sinh đang diễn ra phổ biến ở nhiều vùng trên cả nước, khiến tình trạnh kháng thuốc càng trầm trọng.
 
Kết quả khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc cho thấy nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp đặc biệt ở vùng nông thôn. Cụ thể, trong tổng số 2.953 nhà thuốc được điều tra, phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn của bác sỹ, chiếm 88% (thành thị) và 91% (nông thôn). Ba loại kháng sinh được bán nhiều nhất là ampicillin/amoxicillin (29,1%), cephalexin (12,2%) và azithromycin (7,3%).
Không chỉ nhân viên bán thuốc bán khi không có đơn mà ngay cả người dân khi đến hiệu thuốc cũng thường yêu cầu được bán kháng sinh mà không có đơn, với tỷ lệ khoảng 49,7% (thành thị) và 28,2% (nông thôn).
 
Ông Thái thừa nhận, việc sử dụng quá liều, dưới liều hoặc lạm dụng thuốc kháng khuẩn đều gây ra tình trạng kháng thuốc, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật kháng thuốc xuất hiện, biến đổi và lây lan.
Hiện trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, vấn đề kháng thuốc đã trở nên báo động. Gánh nặng về chi phí điều trị do các bệnh nhiễm khuẩn gây ra khá lớn do việc buộc phải thay thế các kháng sinh cũ bằng các kháng sinh mới, đắt tiền.
 
Hiện tại, Việt Nam chưa có mạng lưới giám sát quốc gia về kháng thuốc. Việc giám sát về kháng thuốc chỉ được thiết lập và triển khai ở một số đơn vị, nhưng chưa thường xuyên. Việc thiếu các cơ sở xét nghiệm có thể xác định chính xác vi sinh vật đề kháng dẫn đến khó khăn trong việc phát hiện các vi sinh vật đề kháng mới nổi, do vậy không có những hành động nhanh chóng để khống chế tình trạng kháng thuốc này.
 
Mặt khác, thói quen tự chữa trị và dùng đơn thuốc của người khác để chữa bệnh dẫn đến tình trạng sử dụng kháng sinh tùy tiện, góp phần làm gia tăng sự kháng thuốc. Bên cạnh đó, trình độ cán bộ y tế, trang thiết bị của một số cơ sở y tế, đặc biệt ở các tuyến dưới, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, chưa có điều kiện, khả năng làm kháng sinh đồ nên người bệnh không được sử dụng kháng sinh hợp lý.
 
Để hạn chế tình trạng kháng thuốc nguy hiểm đang tồn tại, theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, mục tiêu mà Bộ Y tế đưa ra là "Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa" với các hành động cụ thể như nâng cao nhận thức của cộng đồng và cán bộ y tế về kháng thuốc.
 
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, tăng cường hoàn thiện hệ thống giám sát quốc gia về sử dụng kháng sinh và kháng thuốc. Bên cạnh đó, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan bảo đảm cung ứng đầy đủ các thuốc có chất lượng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy truyền để người dân và cán bộ y tế nâng cao nhận thức về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.
 
Theo VnMedia
.