Sau 30 phút nằm “đắp chiếu” dưới đường vì xe tải đâm, đã được cúng bát nhang, tiền lẻ, nạn nhân bất ngờ “sống lại”. Bác sĩ lý giải thực ra nạn nhân chưa chết mà hôn mê vì có chấn thương tụ máu não và đây là khoảng tỉnh của người bệnh.

 


Bác sĩ Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai), cho biết, sự “sống lại” này thực ra là khoảng tỉnh của một bệnh nhân sau tai nạn bị hôn mê. Người dân bình thường không thể có kỹ năng chẩn đoán bệnh nhân đã chết hay hôn mê, thấy nạn nhân nằm đó, máu me be bét, bất tỉnh lâu thì cho rằng đã chết, nhưng thực tế người bệnh còn chức năng sống.

“Khi một bệnh nhân bị tai nạn chấn thương sọ não, gây tụ máu não, đặc biệt tụ máu ngoài màng cứng, bao giờ cũng có “khoảng tỉnh”. Nạn nhân tỉnh rồi lại mê, mê rồi lại tỉnh. Những bệnh nhân này “sống lại” mà không đi chụp chiếu, về nhà thì dần cũng hôn mê, chết. Vì thế, gặp tình huống tương tự cần gọi ngay cấp cứu đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất”, bác sĩ Chính nói.

Bác sĩ Chính nhấn mạnh thêm: “Trước một ca tai nạn, việc quan trọng đầu tiên nhất là hãy gọi nhân viên y tế, người có chuyên môn y tế. Trong trường hợp này, người thường không thể chẩn đoán nạn nhân hôn mê do chấn thương, tụ máu hay đã tử vong nhưng nhân viên y tế, người có chuyên môn y tế sẽ nhận biết được nạn nhân còn chức năng sống hay không, dù nhìn thì bệnh nhân như đã chết. Thậm chí có những trường hợp đã ngừng tim, ép tim kịp thời nạn nhân vẫn sống lại”.

Trong tình huống này, nạn nhân nằm bất tỉnh lâu, mọi người nhìn đều đã cho là chết, không ai dám động vào và hoàn toàn có thể đưa về lo hậu sự nếu bệnh nhân không có khoảng tỉnh này. Vì vậy, bác sĩ Chính một lần nữa nhấn mạnh, hãy gọi ngay nhân viên y tế đưa bệnh nhân đi cấp cứu.

Chia sẻ thêm về cuộc tranh cãi người Việt có “vô cảm” khi thấy người bị tai nạn không cấp cứu? Theo bác sĩ Chính, nếu bất cứ ai bắt gặp một tình huống tai nạn, có nạn nhân cần sự giúp đỡ mà họ lại không có chuyên môn y tế thì sẽ rất ngại đụng vào nạn nhân, vì không biết phải làm như thế nào. Thậm chí, ngay cả người có chuyên môn, đã được đào tạo về sơ cấp cứu... nhưng đứng trước tình huống tai nạn trầm trọng cũng sẽ có tâm lý sợ hãi.

Những lúc như vậy cần bình tĩnh và nhanh chóng gọi xe cứu thương, gọi công an, gọi thêm người giúp đỡ để có thể sơ cứu đúng cách cho nạn nhân ngay tại hiện trường trước khi nạn nhân được chuyển tới bệnh viện. "Như vậy mới là người hiểu biết, có trách nhiệm, có tâm và rất chuyên nghiệp", bác sĩ Chính bày tỏ quan điểm.

Để có thể giúp đỡ người gặp nạn đúng cách, trước hết chúng ta phải tự trang bị cho mình những kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản.

Cùng quan điểm này PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng- Trưởng Khoa khám bệnh cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức cho rằng, người dân e ngại trước khi ra tay cứu giúp ai đó cũng có lý do của họ. Nhiều người không có chuyên môn cấp cứu, không chỉ không biết làm gì khi chứng kiến người chấn thương nặng, họ còn sợ nếu cứu giúp không đúng cách có thể khiến người bệnh bị tổn thương nặng hơn thì khác nào “làm phúc phải tội”.
 

Theo Dân trí

.