Dự kiến từ cuối năm nay, các bệnh viện tuyến trung ương và 14 địa phương (bao gồm cả Hà Nội) sẽ chính thức áp dụng giá viện phí mới. Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Y tế cho biết, người dân không nên quá lo lắng vì tăng viện phí chỉ tác động mạnh đến 30% dân số chưa có bảo hiểm y tế (BHYT).

 


Tăng dần theo lộ trình đến 2018

Trao đổi với các cơ quan báo chí thông tin liên quan đến chính sách tài chính y tế và giá dịch vụ y tế chiều 23-7, ông Nguyễn Nam Liên cho biết, từ đầu năm đến nay, đã có 14 địa phương trình UBND, HĐND điều chỉnh giá dịch vụ y tế, trong đó có Hà Nội. Trong số này có một số tỉnh điều chỉnh theo lộ trình, một số tỉnh điều chỉnh do sau quá trình thực hiện phát hiện thấy giá nhiều dịch vụ y tế quá bất cập, thấp hơn 60% khung giá đã được phê duyệt. Còn các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, cuối năm nay sẽ áp dụng theo giá viện phí mới, trong đó tính thêm 2 yếu tố là phụ cấp trực và phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật.

Ông Nguyễn Nam Liên chia sẻ, theo lộ trình, giai đoạn 2015-2016, viện phí sẽ tính thêm 30% quỹ tiền lương cơ bản đối với các bệnh viện tuyến tỉnh ở khu vực miền núi và các bệnh viện quận thuộc Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, 50% quỹ tiền lương cơ bản đối với các bệnh viện tuyến trung ương. Đến giai đoạn 2017-2018, giá viện phí sẽ tính đủ 100% quỹ tiền lương cơ bản đối với các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương. Sau năm 2018, giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ toàn bộ các chi phí để thực hiện dịch vụ. Khi giá dịch vụ được tính đúng, tính đủ thì các bệnh viện sẽ không được ngân sách cấp kinh phí hoạt động như hiện nay mà nguồn kinh phí để hoạt động sẽ được BHYT thanh toán đối với người có thẻ BHYT và người bệnh không có thẻ BHYT.

Nói về việc hầu hết các bệnh viện, địa phương vừa mới được điều chỉnh giá viện phí cách đây chưa lâu (điều chỉnh theo khung giá mới quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2012) nhưng nay lại tiếp tục điều chỉnh tăng giá, ông Nguyễn Nam Liên phân tích, đợt tăng viện phí cuối năm 2012 là lần đầu tiên các cơ sở khám chữa bệnh phải xây dựng giá theo quy định của pháp luật về giá nên việc thực hiện ban đầu gặp khó khăn. Mặt khác, mức giá tối đa của Thông tư 04 mới tính 3/7 yếu tố cấu thành giá viện phí nhưng nhiều tỉnh mới quyết định ở 60-70% khung tối đa, chưa đủ các chi phí trực tiếp nên việc nâng cao chất lượng dịch vụ là rất khó khăn, trong khi quyền lợi của người có thẻ BHYT có tăng nhưng chưa được đảm bảo.

Muốn giảm gánh nặng phải mua BHYT

Trước lo ngại của người dân về việc giá viện phí liên tục tăng khiến gánh nặng về chi phí khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sẽ tăng cao, gây khó khăn chồng chất cho người bệnh, ông Nguyễn Nam Liên cho rằng, với 70% dân số hiện đã có thẻ BHYT thì mức tác động từ điều chỉnh viện phí lần này là không lớn. Cụ thể, nhóm người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi (khoảng 9 triệu người) đã được Nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT, khi khám chữa bệnh lại được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí nên không bị ảnh hưởng.

Với nhóm cán bộ hưu trí, người thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế xã hội khó khăn cũng đã được Nhà nước đảm bảo kinh phí để mua thẻ BHYT, được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh tại trạm y tế xã, trường hợp chuyển tuyến còn được thanh toán tiền vận chuyển từ tuyến huyện lên tuyến trên và được thanh toán 95% chi phí khám chữa bệnh nên chỉ phải đóng thêm 5% của số tăng thêm. Đặc biệt từ 1-1-2015 tới đây, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực, khi đó người nghèo được thanh toán tới 100% chi phí khám chữa bệnh, người cận nghèo được thanh toán 95%, chỉ phải đồng chi trả 5% nên viện phí tăng không ảnh hưởng nhiều. Các đối tượng có thẻ BHYT khác phải đồng chi trả 20% nên cũng chỉ phải đóng thêm 20% của số tăng thêm…

Như vậy, viện phí tăng chỉ thực sự tác động mạnh đến nhóm người chưa có thẻ BHYT, hiện chiếm khoảng 30% dân số cả nước (khoảng 27 triệu người). Ông Nguyễn Nam Liên cho biết, đây chủ yếu là các đối tượng có mức thu nhập trung bình trở lên, trong đó nhiều người có khả năng chi trả chi phí khám chữa bệnh. Cũng có nhiều trường hợp thuộc 30% dân số này mắc bệnh nặng, chi phí điều trị lớn sẽ khó có thể chi trả. Tuy vậy, những người này muốn giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh thì không còn cách nào khác là phải tham gia BHYT. Ngoài ra, để hạn chế ảnh hưởng của điều chỉnh giá viện phí đối với các đối tượng này, trong Luật BHYT bổ sung, sửa đổi sắp có hiệu lực thực hiện đã có quy định bắt buộc mọi người dân phải tham gia BHYT cũng như quy định tham gia BHYT theo hộ gia đình (giảm mức đóng nếu tham gia theo hộ) để khuyến khích người dân tham gia BHYT.
 

Theo ANTĐ

.