Theo một nghiên cứu quốc tế mới công bố, hiện cứ 10 người trên thế giới thì có 1 người béo phì và 2,2 tỉ người, tức 1/3 dân số, bị xem là thừa cân. Thực trạng này đang tạo nên cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, cướp đi hàng triệu sinh mạng mỗi năm.
 
Nghiên cứu trên do các chuyên gia tại Đại học Washington (Mỹ) dẫn đầu và được triển khai trong giai đoạn 1980-2015. Trong suốt 35 năm đó, các nhà khoa học quốc tế đã ghi nhận số liệu sức khỏe dân số ở 195 quốc gia. Hôm 12-6, kết quả được đăng trên Tạp chí Y học New England và trình bày tại một hội nghị ở Thủ đô Stockholm của Thụy Điển.
 
Cụ thể vào thời điểm kết thúc nghiên cứu (năm 2015), các tác giả ước tính có 107,7 triệu trẻ em và 603,7 triệu người lớn bị béo phì trên toàn cầu. Thực tế mà họ mô tả là "một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng toàn cầu đang gia tăng và đáng lo ngại". Bên cạnh đó, tỷ lệ dân số béo phì đã tăng hơn gấp đôi tại 73 nước trong giai đoạn 1980-2015.
 
Tuy tỷ lệ béo phì trẻ em vẫn thấp hơn ở người lớn, nhưng các tác giả nhận thấy nó đang gia tăng nhanh hơn trong suốt thời gian nghiên cứu. Điều này đặc biệt đáng lo ngại bởi nó đồng nghĩa ngày càng nhiều thiếu niên sắp trở thành những người lớn béo phì, và phát triển các vấn đề sức khỏe nguy hiểm như bệnh tiểu đường, bệnh tim và một số bệnh ung thư. "Việc khởi phát sớm chứng béo phì có thể dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh cao về tiểu đường típ 2, cao huyết áp và bệnh thận mãn tính"- nhóm tác giả cảnh báo.
 
Xét trên 20 quốc gia có dân số lớn nhất thế giới, Mỹ có tỷ lệ béo phì trong thanh thiếu niên cao nhất (13%), trong khi Ai Cập có tỷ lệ béo phì người lớn cao nhất (35%). Việt Nam và Bangladesh có tỷ lệ béo phì người lớn thấp nhất - đều cùng 1%. Trong khi đó, Trung Quốc là nước có số lượng trẻ em béo phì đứng đầu thế giới với 15,3 triệu, kế tiếp là Ấn Độ với 14,4 triệu trường hợp.
 
Xét trên toàn cầu, có khoảng 4 triệu ca tử vong vì bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư và một số bệnh lý khác có liên quan đến thừa cân trong năm 2015. Số trường hợp này đều có chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 24,5. BMI được tính bằng cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (mét), trong đó, người có BMI trong khoảng từ 18,5-23 là khỏe mạnh, dưới 18,5 là suy dinh dưỡng và trên 23 là thừa cân.
 
Nhóm nghiên cứu nhận xét, chế độ ăn uống không lành mạnh và lối sống tĩnh tại là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng gia tăng số lượng người thừa cân trên toàn cầu. Xu hướng đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế cũng làm gia tăng tỷ lệ béo phì ở các nước nghèo - nơi người dân từ bỏ chế độ ăn uống giàu rau củ quả truyền thống để chuyển sang dùng các thực phẩm chế biến sẵn nhiều dầu mỡ.
 
Theo Nguyệt Cát (Báo Cần Thơ)
.