Chia sẻ các vấn đề về tiêu cực, bạo hành

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Thời gian qua, các vấn đề tiêu cực, nhất là bạo hành trẻ trong các cơ sở mầm non, đều khiến chúng ta hết sức bức xúc. Có rất nhiều nguyên nhân, như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nói, trong đó có nguyên nhân liên quan đến chất lượng đào tạo giáo viên mầm non. Trách nhiệm kiểm tra, từ việc xét cho mở trường đến mở các nhóm lớp độc lập của chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương ở đây đương nhiên bao gồm cả trách nhiệm của các cán bộ theo dõi về giáo dục của ngành Giáo dục. Điều quan trọng nhất, theo tôi, như nhiều đại biểu nói, đó là độ bao phủ của mầm non, nhất là bậc nhà trẻ hiện nay còn rất thấp, chỉ đạt có  27,7%.

leftcenterrightdel
 

Như một đại biểu đặt câu hỏi, tại sao một số trường không nhận trẻ từ đủ 3 tháng tuổi, dù luật đã có quy định? Thực ra, có nhiều lý do, một trong những lý do là, nếu độ bao phủ đó không phải là 27,7% mà là 90% thì đương nhiên sẽ có nhiều trường nhận đủ các cháu, từ mức khó như Bộ trưởng nói là 3 tháng tuổi. Còn mới 10 người có  nhu cầu đi học, trong khi lớp chỉ đủ cho 3 người thì đương nhiên cơ sở giáo dục đó có xu hướng chọn đối tượng dễ hơn. Vì thế, điều khẩn thiết bây giờ là  phải phát triển nhanh cơ sở các trường, nếu chưa có trường thì các lập các cụm lớp độc lập nhưng phải đảm bảo đủ các điều kiện cho phép.

Tại các khu công nghiệp, đời sống của công nhân có thu nhập thấp. Học phí trung bình của trường công mầm non là 900.000 đến 1.100.000 đồng. Nếu ở các trường tư, phần lớn do những người từng gắn bó với ngành Giáo dục lập ra, lấy chính nhà mình làm trường học, họ làm bằng tấm lòng yêu trẻ là chính cũng thu học phí khoảng đó. Nếu trường tư phải đầu tư từ ban đầu thì buộc họ phải thu học phí cao hơn, gây khó khăn cho công nhân. Vì vậy,  ngoài việc lập trường công, chúng ta rất cần mô hình giáo dục khác phù hợp.

Nêu quan điểm về vấn đề xử lý bạo hành xảy ra tại một số trường học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Đối với các giáo viên, không chỉ ở mầm non mà ở các bậc học khác, nếu xảy ra bạo hành với trẻ em, cương quyết đề nghị trong mọi trường hợp cần phải đưa ra khỏi ngành Giáo dục. Không thể vì một số cá nhân đó ảnh hưởng chung đến toàn ngành.

Làm rõ nguyên nhân thất nghiệp

Về câu chuyện 200 nghìn người có trình độ đại học thất nghiệp. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, để khắc phục tình trạng này, có nhiều việc phải làm. Đầu tiên phải thực hiện việc hướng nghiệp, chúng ta đừng quá lo như một đại biểu nói rằng, nếu học trung học cơ sở xong mà sang học nghề thì sẽ không đủ kiến thức. Bởi vì cả thế giới người ta làm như vậy, học trung học cơ sở xong thì một luồng rẽ ra học nghề, một luồng rẽ ra học tiếp lên trung học phổ thông. Học trung học phổ thông xong một luồng tiếp tục học nghề, một luồng tiếp tục học lên đại học để theo hướng hàn lâm nghiên cứu, vì học xong trung học cơ sở mà đi học nghề, không có nghĩa là trong quá trình dạy nghề, chúng ta không dạy tiếp kiến thức văn hóa, chỉ có điều dạy theo cách của người làm nghề…vì vậy, chúng ta  cần ủng hộ phương án này.

Chính phủ chỉ đạo và Bộ Giáo dục đã tiến hành khảo sát, học sinh ra trường trong vòng 12 tháng, kể từ năm 2016 đến  năm 2017, tỷ lệ có việc làm đạt xấp xỉ 90%. Đương nhiên, những việc làm này không có nghĩa là tất cả đã phù hợp, đúng với  trình độ đại học, vì khảo sát cũng cho thấy, 19% số lượng các cháu học đại học ra trường nhưng làm những công việc không  tương xứng với cấp đại học. Tôi rất thẳng thắn báo cáo với nhân dân là, trong số các nhóm ngành được đào tạo thì nhóm ngành đào tạo khoa học, giáo dục và giáo viên có tỷ lệ ra trường không tìm được việc cao nhất, đạt 19%.

Nhóm liên quan đến các dịch vụ xã hội, mặc dù chúng ta nói phải quan tâm đến nghề xã hội nhưng xã hội chưa quen tuyển dụng cái này cho nên nhóm các cháu sinh viên học các nhóm về dịch vụ xã hội ra trường tỷ lệ không kiếm được việc làm qua khảo sát cũng là 19%.  Mặc dù chúng ta rất bức xúc về môi trường và các trường đại học bắt đầu đào tạo các ngành liên quan đến môi trường nhưng doanh nghiệp và xã hội cũng chưa mở nhiều ngành này ra cho nên tỷ lệ không kiếm được việc làm là 17%...

Mong muốn các giải pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ

Nói về những vấn đề tiêu cực trong các mùa thi, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: Tôi rất quan tâm vấn đề này. Tôi còn nhớ, tại kỳ họp cuối năm 2016, các đại biểu Quốc hội rất băn khoăn khi chúng ta quyết định đưa ra phương án thi trắc nghiệm.

Thế nhưng, thực tế kết quả qua 3 năm (2015 -  2017) thực hiện đổi mới công tác thi cử, đến nay, tuy vẫn còn một số điểm cần tiếp tục  điều chỉnh nhưng cơ bản đã đạt hiệu ứng tốt.

 Phát biểu kết thúc phần chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Bên cạnh những thành quả đạt được còn không ít những tồn tại, hạn chế, bất cập, trong gia đình, ngoài xã hội vẫn còn chưa thực sự yên tâm với chất lượng chung của hệ thống giáo dục quốc dân, vẫn còn nhiều trăn trở, lo lắng cho con em trong việc học hành, thi cử, băn khoăn về những khó khăn của giáo dục mầm non, bức xúc trước tình trạng vi phạm đạo đức của một số giáo viên, học sinh, phụ huynh.

Xuất phát từ mối quan tâm của xã hội, của cử tri và nhân dân, nhiều đại biểu đã chất vấn, tranh luận để làm rõ các nội dung nêu trên với mong muốn Bộ trưởng có các giải pháp thiết thực, hiệu quả để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ ngành liên quan tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục có hiệu quả những tồn tại, hạn chế.

                                                                                                                                                                                                                               Xuân Hưng