Năm 2002, tại Hội thi văn nghệ thể thao người khuyết tật toàn quốc tổ chức tại TP. Huế, chị Ánh giành được 1 Huy chương Vàng môn cầu lông, 1 Huy chương Bạc môn bơi lội. Tại ASEAN Paragame 2 tổ chức tại Việt Nam, chị giành 1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc; Năm 2004 tại Hội thi thể thao người khuyết tật toàn quốc, chị giành 1 Huy chương Vàng; Năm 2005, tại giải Giao lưu toàn quốc, chị đạt 1 Huy chương Vàng; Năm 2007, tại Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc, chị giành tiếp 3 Huy chương Bạc.
Chị ngồi thả lỏng, đôi chân nhỏ, ngắn quặp lại vừa chạm xuống nền nhà và câu chuyện về đôi chân đó bắt đầu. Chị kể, tôi bị “què trệt” từ nhỏ. Gia đình đông anh em, ai cũng phải làm lụng cực khổ kiếm cơm. Nhìn anh chị em đi đi lại lại còn mình cứ bò lết quanh nhà mà tủi thân lắm. Chân của tôi nhỏ teo, mỗi lần đi lại thì phải vắt qua cổ cho khỏi vướng, tay buộc phải thay chân mang dép để kéo cơ thể lết đi. Đêm nào tôi cũng ước, dù cực mấy cũng được miễn ông trời cho tôi đôi chân để có thể đi lại như người bình thường. Ba má đi làm, tôi ở nhà bò lê bò lết nấu cơm, giặt đồ, rửa chén bát... Năm 16 tuổi, tôi lấy một máy may nhỏ của gia đình bỏ nhà đi Sài Gòn lập nghiệp, quyết chứng minh cho ba má biết mình không vô dụng.
Quẹt vội hàng nước mắt chảy dài trên má, chị kể tiếp, trước đây đường sá Đà Nẵng gập gềnh lắm, muốn đến bến xe còn phải qua đò. Tôi bò qua được bến xe thì cũng mất hơn nửa ngày. Thế nhưng khi biết ý định tôi đi Sài Gòn làm thuê, chủ xe nào cũng cười: “Mi què trệt rứa thì đi mô. Ai thuê mi làm mà đi. Người lành lặn như tụi tao còn chết đói rũ xương trong đó. Mi về đi”. Tôi khóc, tôi van xin cuối cùng cũng có một chủ xe cho đi.
Ở đất Sài Gòn, ban ngày tôi làm đủ thứ việc, tối co ro ở ghế đá công viên. Một thời gian sau, tôi may mắn được nhận vào làm ở một xưởng may váy đầm. Bà chủ chỉ cho tôi làm mấy công việc lặt vặt trong xưởng. Cứ đến trưa khi mọi người đã ngủ, tôi lân la lại bàn may ghi chép mẫu, học cách cắt rồi thử ngồi vào bàn may. Nhưng bàn may thường quá cao, bò lên ngồi được trên ghế thì chân không thể với tới bàn đạp. Tình cờ biết được ước vọng của tôi, bà chủ tiệm chế một chiếc bàn vừa tầm, thế nhưng thời gian đầu, cứ ngồi vào bàn, hai chân tôi lại nằm sõng soài trên bàn đạp, kim máy cứ thế chạy. Sau này, tôi nẹp chân vào nạng gỗ, một tay đẩy nạng, một tay cầm vải mới có thể điều khiển kim may theo ý mình. Mỗi lần may, cánh tay mỏi nhừ, chân bị cà vào nạng gỗ đến ứa máu. Cực thế mà ngày đêm tôi vẫn quyết tâm học cắt, đo, may và trở thành một thợ giỏi.
Kiếm được tiền, tôi trở về Đà Nẵng mở tiệm may đầm, vest Ngọc Ánh ở đường Ngô Quyền. Khách, học trò đến học may nườm nượp. Ban ngày may, chiều tối ra biển vật lộn để tập tành đôi chân. Có hôm tập hăng quá, suýt chết vì bị sóng cuốn. Chị cười tươi, lần giở đôi chân khoe: “Giờ thì tôi đã có thể đứng trên hai chân của mình”. Chị đi, đôi chân ngắn cũn, bước gấp khúc, khó nhọc nhưng đó là đôi chân đẹp nhất mà tôi từng thấy.
Đến nay, từ tiệm may nhỏ Ngọc Ánh, chị đã thành lập Công ty TNHH Tâm Thiện với 100% lao động là người khuyết tật. Chị cười: “Danh nghĩa là công ty nhưng đây là một đại gia đình. Bây giờ tôi là bà mẹ có 58 đứa con. Mới đây đã được lên chức bà nội, bà ngoại. Các cháu là người khuyết tật, một số cháu bị bệnh không thể lao động được, một số thì bị ba mẹ bỏ khi còn đỏ hỏn. Trong nhà, người khỏe làm nuôi người yếu, ráng kéo nhau mà sống”. Trụ sở Công ty là những bức vách được che chắn, chắp vá bởi tôn cũ, ván ép, mái nhà thấp lè tè. Mùa mưa dột, mùa nắng nóng hầm hập. Ban ngày, căn nhà làm xưởng, đêm là chỗ ngủ của hàng chục người. Trời tháng 6, mẹ con chị Ánh phải đội mũ cho đỡ nóng khi ngồi trong xưởng may hàng hóa.
Được biết, năm 2010, Công ty Tâm Thiện được UBND TP, Đà Nẵng cấp 508m2 đất để làm nhà xưởng cho những người khuyết tật ở đây sinh sống và làm việc. Ngày 27/3 vừa qua, công ty tổ chức lễ động thổ, nhưng đến nay vẫn chưa thể tiến hành xây dựng do chưa được cấp phép xây dựng. Chị Ánh cho biết, kinh phí để hoàn thành được nhà xưởng vẫn còn hạn hẹp. Tuy nhiên, chị mong muốn nhà xưởng sẽ sớm hoàn thành để giải quyết việc làm cho khoảng 100 - 150 người khuyết tật của thành phố.
Thu Huệ