(BVPL) - Kỳ vọng người khuyết tật ở  tất cả các lứa tuổi ở Việt Nam sẽ được tiếp cận với giáo dục, việc làm và các dịch vụ bảo vệ tốt hơn kể từ năm 2015, một sáng kiến do Liên hợp quốc kết hợp với Bộ LĐ-TB&XH cùng các tổ chức của người khuyết tật đã được khởi động với mục tiêu giúp người khuyết tật tham gia vào tất cả các bước trong quá trình ra quyết định, để thực hiện quyền của mình.
 


Tuy nhiên, một cán bộ của Trung tâm Hành động vì Sự phát triển cộng đồng chia sẻ: Hiện nay, còn nhiều rào cản đối với NKT trong việc hòa nhập cộng đồng, ngay cả trong việc Trợ giúp pháp lý, để người khuyết tật được trợ giúp, thì họ còn phải chứng minh họ là người có hoàn cảnh khó khăn mới được trợ giúp miễn phí. Chính điều này cũng là một trở ngại để tiếp cận pháp luật của NKT.

Một sáng kiến với tổng vốn đầu tư khoảng 350.000 USD do Quỹ đối tác Liên hợp quốc (LHQ) về thúc đẩy quyền của người khuyết tật hỗ trợ sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức của người khuyết tật (DPO) tham gia tích cực và cộng tác với chính phủ trong việc thực hiện hiệu quả Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT. Sáng kiến chung của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) và Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) sẽ giúp đưa NKT tham gia vào tất cả các bước trong quá trình ra quyết định thông qua tăng cường năng lực và vai trò cho các tổ chức DPO trong hoạt động truyền thông vận động, xây dựng, thực hiện giám sát pháp luật và chính sách. Thông qua đó, Việt Nam sẽ được hỗ trợ thêm về kỹ thuật, và nguồn lực để giúp cho các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội của NKT và vì NKT nâng cao năng lực thực hiện các nhiệm vụ của mình trong việc tham mưu, xây dựng chính sách, tổ chức thực hiện các chương trình, đề án trợ giúp NKT hiệu quả như mục tiêu đã đề ra, góp phần đưa Luật NKT vào cuộc sống.
 

Hà Nhân

.