Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo TP. Long Xuyên Nguyễn Thị Bảo Châu rất sẵn lòng giúp đỡ, “tiếp sức” cả về vật chất lẫn tinh thần cho những hoàn cảnh khó khăn thông qua sự phản ánh, giới thiệu. Nói về cảm nghĩ khi giúp được 1 mảnh đời bất hạnh nào đó, cô Châu cho rằng đó là niềm hạnh phúc. 
 
Bởi, còn gì vui hơn khi mình đã góp nhặt 1 phần công sức để những người khốn khổ có cuộc sống vun vầy hơn. Thế nhưng, trong những năm làm công tác hội, cô chia sẻ bản thân bị mất niềm tin không biết bao nhiêu bận vì phát hiện lòng tốt của mình đặt nhầm chỗ. 
 
“Số tiền dùng để giúp đỡ người không đúng đối tượng không nhiều, chỉ khoảng vài triệu đồng. Chủ yếu do tôi quá tin vào những gì “mắt thấy, tai nghe” mà chưa kịp kiểm chứng. Họ xuất hiện trước mắt tôi trông bộ dạng khắc khổ với hoàn cảnh bi thương, là con người thì mấy ai không khỏi động lòng. Nhưng khi có ý định giúp đỡ lâu dài, tôi tình cờ phát hiện sự lừa dối của họ. Giận thì ít nhưng cảm giác hụt hẫng, buồn lại nhiều khi nhận ra lòng tốt được đáp trả bằng sự lừa dối. Sau này, mỗi khi quyết định giúp đỡ ai, tôi đều xác minh từ chính quyền địa phương và tự mình đến nhà tìm hiểu thêm”- cô Bảo Châu chia sẻ. 
 Lòng tốt đặt đúng người càng làm tăng thêm ý nghĩa
Lòng tốt đặt đúng người càng làm tăng thêm ý nghĩa
 
Trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng người Việt, làm việc thiện không những để lòng người thư thái, nhẹ nhõm mà còn gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong cuộc đời. Theo quan niệm “nhân quả” thì làm việc thiện còn tạo phúc đức cho mình và cho cả con cháu mai sau. 
 
Vì lẽ đó mà người ta thường có lòng trắc ẩn với những người nghèo khó hay ăn xin vô tình bắt gặp trên phố. Nhưng cũng vì thế mà lòng tốt của con người dễ bị lợi dụng hơn bao giờ hết. Ở đây, không nói đến những người rơi vào cảnh khốn cùng, mà trách những ai đang lợi dụng lòng thương của người khác bằng sự lừa gạt tinh vi. 
 
“Một lần qua phà Châu Giang (Châu Đốc đi Tân Châu), tôi gặp 1 người đàn ông trạc ngoài 40 tuổi với bộ dạng khắc khổ, treo trước ngực tấm bảng nhỏ “nghèo nên đi xin”. Cứ ngỡ ông ấy không thể nói chuyện được nên mới treo bảng như thế, nhiều người đã không tiếc gì vài đồng bạc mà cho, bản thân tôi cũng thế! Khi phà gần cập bến, tôi tò mò tìm xem người đàn ông ban nãy đang ở đâu. Bỗng giật mình khi thấy ở phía đuôi phà, ông ta đang nhâm nhi điếu thuốc và trò chuyện cùng vài người bán hàng rong một cách bình thản. Hóa ra ông ta nói chuyện được! Vậy thì mục đích treo tấm bảng lúc đi xin tiền để làm gì? Những người cho tiền ông ta ban nãy mà bắt gặp cảnh này thì sẽ nghĩ gì? Thắc mắc ấy cứ theo tôi suốt chặng đường đi”- chị Nguyễn Thị Phương Linh (25 tuổi, ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) bức xúc chia sẻ. 
 
Câu chuyện về lòng tốt bị lợi dụng chưa dừng lại ở đó. Là “chủ” của “Cửa hàng không đồng” ở xứ núi, chú Phạm Tấn Đức luôn nỗ lực làm hết trách nhiệm để tạo niềm tin từ các nhà hảo tâm. Bởi, tất cả những mặt hàng cho người nghèo ở “cửa hàng” đều là sự ủng hộ, quyên góp từ các tấm lòng nhân ái. 
 
“Số quần áo chúng tôi nhận được đến nay lên đến 30 tấn. Nhờ những bộ đồ này mà bà con nghèo ở miền núi vơi bớt phần nào khó khăn khi tiết kiệm được một phần chi phí. Đó là nhờ sự chung tay đóng góp của rất nhiều người. Vì đồ nhiều quá, chúng tôi còn tổ chức “Cửa hàng không đồng di động” đến các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Tri Tôn cho bà con nghèo có quần áo tươm tất hơn. Trong những lần ấy, có không ít người dù tay và cổ đeo vàng lấp lánh, ăn mặc sang trọng cũng chen chân với người nghèo để lựa đồ. Góp ý cũng ngại nên tôi chỉ nói tránh rằng đây là quần áo cho người nghèo. Thế mà, họ vẫn lựa chọn vô tư, thật đáng buồn”- Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo huyện Tri Tôn Phạm Tấn Đức chia sẻ.
 
Nếu lòng tốt đặt đúng chỗ, đúng người sẽ đạt một hiệu quả rất cao. Ngược lại, nó chỉ làm cho con người dần mất đi lòng tin và niềm thương cảm với những gì đang xảy ra trước mắt mình. Phải chăng đây là “hồi chuông” báo động trước thực trạng lợi dụng lòng tốt trong xã hội ngày nay?
 
Theo Phương Lan (Báo An Giang)