Bệnh ung thư tiền liệt tuyến được xem như căn bệnh ung thư phổ biến ở nam giới ngoài 50 tuổi. Bệnh rất khó nắm bắt được triệu chứng nên bệnh nhân thường bị phát hiện muộn.
 


Cắt hết bản lĩnh quý ông

Một thời gian dài thấy cơ thể mệt, gày hơn nhưng ông Nguyễn Văn Đẩu trú tại Nguyễn Chính, Hoàng Mai, Hà Nội không cho rằng mình mắc bệnh gì. Chỉ đến khi xuất hiện các dấu hiệu rối loạn đi tiểu, tiểu nhiều lần, ông Đẩu đi khám nam khoa, bác sĩ nghi ngờ ung thư tiền liệt tuyến.

Các xét nghiệm sinh thiết cho thấy có tế bào ung thư tiền liệt tuyến. Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và phẫu thuật cắt bỏ túi tinh hoàn và bộ phận xung quanh tuyến tiền liệt.

Tuy nhiên, khi nghe đến các khả năng có thể liệt dương và các bản lĩnh quý ông biến mất, ông Đẩu băn khoăn không muốn làm phẫu thuật. Khi được vợ con động viên, ông gật đầu cho xong.

Từ ngày sau phẫu thuật, ông Đẩu không tự tin hợp tác cùng chữa bệnh mà luôn mặc cảm tự ti. Chỗ ấy của ông mất tác dụng hoàn toàn. Nhiều lần, cơn sốt lên bác sĩ yêu cầu vợ ông Đẩu lấy khăn ướt để vào chỗ “của quý” của chồng để hạ sốt, giảm nhiệt độ nhưng ông Đẩu không muốn ai chạm vào khu vực phẫu thuật.

Khi bệnh ung thư chưa phát triển sang giai đoạn di căn nhưng ông Đẩu không chống chọi lại được nó bởi ông luôn cảm thấy tự ti và xấu hổ vì bị cắt hết khu vực đàn ông của mình. Sau phẫu thuật và xạ trị được 1 năm, ông Đẩu qua đời vì bệnh viêm phổi.

Bác sĩ nam khoa Nguyễn Khắc Lợi cho biết các triệu chứng của ung thư tiền liệt tuyến không rõ ràng và khi bị bệnh, các bệnh nhân ông đã gặp, ít người có khao khát sống. Họ rất e ngại khi có người đến hỏi thăm vì mặc cảm tự ti.

Các bác sĩ đã nhận xét rằng họ bị ung thư tiền liệt tuyến nhưng không chết vì bệnh ung thư mà chết vì các nguyên nhân khác. Một phần do người bệnh nhiều tuổi, một phần do tâm lý mặc cảm, tự ti. Họ cho rằng mất bản lĩnh đàn ông thì tâm lý phái mạnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Triệu chứng của ung thư tiền liệt tuyến có thể từ 5-10 năm không biểu hiện triệu chứng lâm sàng, diễn tiến chậm. Đến khi bướu di căn qua những cơ quan khác, nó mới gây triệu chứng.

Bệnh thường xuất hiện ở nam giới sau 50 tuổi. Tỷ lệ ung thư tiền liệt tuyến tăng lên theo tuổi. Từ 60 - 69 tuổi, tỷ lệ ung thư tiền liệt tuyến là 30%. Từ 70-79 tuổi tỷ lệ là 40%. Từ 80-89 tuổi, tỷ lệ là 67%. Ngày nay, bệnh này cũng có thể gặp ở người trẻ.

Các triệu chứng giai đoạn này như rối loạn đi tiểu, chẳng hạn bệnh nhân tiểu khó, tiểu đêm, bí tiểu, với mức độ tiểu khó ngày càng tăng lên.

Ngoài ra, triệu chứng gây chèn ép, chẳng hạn bướu lớn xâm lấn gây chèn ép hai niệu quản, giãn niệu quản, gây ứ nước hai thận. Khi bướu chèn ép hai bên niệu quản thì bệnh nhân có thể bị suy thận hoặc nó có thể gây chèn ép thần kinh, gây đau lưng, đau thần kinh tọa. Khi nó chèn ép vào trực tràng thì có thể gây nên táo bón hoặc đi đại tiện khó.

Để phòng ung thư tiền liệt tuyến bác sĩ Lợi cho biết duy trì chế độ ăn ít chất béo được coi là cách duy nhất để làm giảm ung thư tuyến tiền liệt; tăng cường ăn rau xanh và hoa quả. Test và siêu âm định kỳ để phát hiện sớm bệnh. Tránh tiếp xúc với các chất hóa học. Không dùng các thuốc hooc - mon bừa bãi. Quan hệ tình dục tránh bệnh xã hội và viêm nhiễm vùng sinh dục.

Bệnh nhân khó chấp nhận cắt tinh hoàn

Phương pháp điều trị ung thư tiền liệt tuyến chủ yếu là phẫu thuật. Nhưng biện pháp này chỉ thực hiện được ở những giai đoạn ung thư còn khu trú, các bác sĩ sẽ cắt bỏ u xơ.

Do yêu cầu cắt bỏ rộng nên các biến chứng cũng cao hơn là mổ u xơ tiền liệt tuyến, ví dụ cắt phải dây thần kinh chi phối cổ bàng quang, cắt túi tinh làm hỏng quá trình phóng tinh, dễ liệt dương, rò bàng quang... Nếu cắt bỏ khối u rộng rãi tỷ lệ sống còn sau phẫu thuật tới trên 90%, 30 – 70% bị liệt dương, 30% tiểu tiện không tự chủ.

Xạ trị có 2 phương pháp: Xạ trị từ xa, đặc biệt là xạ trị gia tốc với ống chuẩn trực đa lá, đẩy lui bệnh tương tự như phẫu thuật; phương pháp xạ trị tại chỗ dùng các nguồn phóng xạ cắm vào tuyến tiền liệt cũng tạo ra được sự đáp ứng tương tự xạ trị từ xa. Các biến chứng như tiểu tiện không tự chủ, viêm trực tràng, liệt dương cũng thường gặp.

Ngoài ra, còn có phương pháp điều trị nội tiết hiện nay được ưa dùng. Cắt tinh hoàn, ít tốn kém, làm giảm được 95% nồng độ testosterol trong máu. Ở phương Tây, việc cắt tinh hoàn khó được chấp nhận. Có những phương pháp điều trị nội khoa bằng thuốc nội tiết thay thế cho cắt tinh hoàn như sử dụng estrogen, sử dụng progesterol, sử dụng các chất kháng androgen và sử dụng các thuốc ngăn chặn sản xuất testosterol.
 

Theo infonet

.