Phải đối mặt, hóa giải những buồn giận va vấp trong đời sống vợ chồng đã đủ khiến người ta bao phen muốn “đứt hơi”, “tắt thở”. Vậy mà, giữa thế kỷ XXI này, vẫn lắm người còn khốn đốn, khổ sở vì những “tai họa” nhân danh niềm tin tâm linh, giáng xuống hôn nhân theo đường… bói toán.
“Chia tay hay là… chết?”
Đó là lời phán truyền kinh điển, khiến bao cặp đôi nơm nớp khiếp sợ mỗi khi ngồi trước quẻ bói tình duyên. Thực tế, với không ít gia đình người Việt, quyền định đoạt chuyện cưới xin đều nằm trong tay… thầy bói. Bao nhiêu chàng trai cô gái nên duyên vợ chồng chỉ vì thầy phán hạp tuổi, đường con cái, tài lộc hanh thông. Nhưng, nhỡ đâu, lời thầy phán có chút gì u ám, cuộc hôn nhân nhiều nguy cơ phải bị trì hoãn, “tính lại”, rồi dần dà rơi vào bế tắc. Nếu thuộc mẫu người hiện đại, kiên quyết, “người trong cuộc” thường chọn cách phớt lờ lời thầy bói, đồng thời chấp nhận “phản ứng phụ” kèm theo của các bậc phụ huynh; nhẹ thì lạnh nhạt, trách mắng; nặng thì từ mặt. Phổ biến hơn, vì lời thầy bói, nhiều cô gái phải chịu một đám cưới qua loa lấy lệ để được về làm vợ người mình yêu, nhằm tránh "hậu họa".
Chị Phạm Thị Chính (29 tuổi, thợ may, Q.Tân Bình) vẫn chưa quên buổi rước dâu kỳ quặc của mình sáu năm trước. Nhà chị ở TP.HCM, anh quê ở Long An. Khi đám rước vừa về tới trước nhà, cô em chồng quáng quàng chạy vô đóng sầm hai cánh cửa chính lại, mọi người đang chuẩn bị tiệc cũng nháo nhào nhìn trước ngó sau. Thấy lạ, nhưng chị Chính vẫn im lặng sánh bước bên chồng, nối gót đoàn người, tiến vô nhà qua lối… cửa phụ. Buổi lễ thành hôn diễn ra gượng gạo khi các bậc cao niên trong họ đàng trai cứ ra dấu, trao đổi với nhau một cách bí ẩn; rồi ngay cả các động tác thắp đèn, thắp hương cũng ngập ngừng. “Chịu đựng” cả ngày, vừa xong tiệc cưới, chị Chính đem chuyện hỏi chồng. Anh Phan Thanh ấp úng mãi mới thật thà kể lại buổi “lên đồng” kỳ lạ của thầy bói, khi anh theo mẹ đến xin ngày lành để làm lễ thành hôn. Trong buổi “lên đồng” ấy, thầy phán “hai tuổi” này… tuyệt mệnh, cưới xin chỉ tổ rước họa, một trong hai người phải chết, hoặc nhẹ hơn, cuộc hôn phối sẽ làm... khuynh đảo dòng tộc. Rồi, nhìn vẻ âu sầu của hai mẹ con, thầy thương tình mách nước: “Đành phải cưới chui, không được rước dâu cửa chính, lễ cưới cũng không được hương đèn... họa may mới giảm trừ xui rủi”. Biết mình vừa được nhà chồng “miễn cưỡng” cưới xin, chị Chính tủi phận, suốt mấy năm trời cứ ấm ức lôi chuyện ra dằn vặt chồng.
|
|
Cùng cảnh ngộ, không hiếm những cuộc thành hôn chỉ làm lễ ở nhà gái, rồi cô dâu chú rể lặng lẽ “rút về” nhà trai, bỏ qua bước làm lễ trước gia tiên, nhập gia cho cô dâu mới. Phần nhiều, hễ nghe ra mấy chữ “khắc”, “kỵ”, các cụ đã quáng quàng dẹp bỏ chuyện cưới xin, quay sang can ngăn, cấm cản đôi trẻ.
Gửi mail đến hộp thư tư vấn của Báo Phụ Nữ, bày tỏ những buồn giận, ngang trái trong cuộc tình vừa đổ vỡ, chị ghi tiêu đề “Đứt gánh giữa đường vì tin lời thầy bói”. Cùng là dân tỉnh lẻ lập nghiệp ở Sài Gòn; tuy chưa làm lễ cưới, nhưng anh chị đã xem nhau như vợ chồng, cùng bên nhau trong những năm tháng vất vả mưu sinh. Khi cơ ngơi đã tạm ổn, hai người tính chuyện cưới xin thì anh lại bị gia đình gọi về quê, ra lệnh… chia tay vì khắc tuổi. Chị sốc đến suy sụp, còn anh cứ loay hoay, khốn khổ vì những cuộc gọi từ gia đình. Trong những ngày căng thẳng, nhạy cảm ấy, một lần đối diện nhau, anh buột miệng hỏi: “Giờ em tính sao?”. Khi ấy, bao nhiêu tin tưởng, kỳ vọng trong chị sụp đổ hết. Chị tuyệt vọng nhận ra hình ảnh nhu nhược trong câu hỏi đầy bất lực ấy của anh. Chị dứt khoát chia tay.
“Thầy phán rằng…”
Tuy không đến mức quyết định sống còn, nhưng với những cô vợ/anh chồng cả tin, lời thầy phán đôi khi hiện hữu trong cuộc hôn nhân như một thứ quyền lực vô hình, chi phối mọi sinh hoạt, khiến bạn đời cũng vật vã, lao đao.
Với anh Hữu Sự (Dĩ An, Bình Dương), mấy chữ “thầy phán rằng” đã thành nỗi ám ảnh. Tự nhận mình là người “duy tâm”, nhất cử nhất động của mọi thành viên trong gia đình, chị Thanh Hương - vợ anh đều đi xem bói. Cuộc sống gia đình anh bao phen xáo trộn. Anh Sự thú thực, cũng có lúc thầy bói cứu anh khỏi những cơn nghi ngờ chết người của vợ, vì hễ thầy phán anh “chung thủy”, thì lập tức, chị sẽ tin ngay. Nhưng, mười mấy năm nay, không biết bao lần anh phải đeo cái án ngoại tình, chỉ vì trong một quẻ bói nào đó, chị Hương được thầy mách “phải cẩn thận, sắp có một… nữ chen vào hôn nhân của con”. Sau lời tiên đoán ấy, chị lại sục sôi nghi ngờ; hết làm mình làm mẩy, gặng hỏi chồng; lại ngồi trầm ngâm, tự lục tung mọi mối quan hệ của chồng lên xem “nữ” nào là khả nghi nhất. “Lục” đến đâu, chị Hương lại thấy nghi ngờ đến đó, rồi lại làm tình làm tội, hỏi tới hỏi lui đủ điều. “Nặng” nhất là cái lần cách đây hai năm, chị Hương đi đâu cả buổi chiều, để mặc chồng một mình lo nấu nướng, tắm rửa cho con. Đến gần tối, khi mấy cha con đang ngồi bên mâm cơm thì chị về, vừa chạy ào vô nhà, vừa gào khóc. Anh chưa hiểu chuyện gì đã thấy vợ nhào tới, vừa đấm ngực, vừa khóc than: “Con nào? Con nào da trắng tóc dài, nói giọng Bắc, anh nói đi! Bao năm anh trắng tay tôi cùng anh ngậm đắng nuốt cay, giờ có chút dư dả, anh lại đi yêu con nào?”. Con cái từ chỗ há hốc, đến hoảng sợ, òa khóc. Anh Sự đứng như trời trồng, chưa kịp trở tay thì chị Hương bật dậy, lau nước mắt, nhìn thẳng vào mắt chồng, lấy giọng dỗ dành, khuyên anh “thành thật để cùng nhau giải quyết”.
Thì ra, trong quẻ bói “định kỳ” lúc chiều, thầy phán “gia chủ tâm không tịnh, bởi vướng víu tình trong tình ngoài”. Bấm đốt tay nhẩm tính, thầy “khuyến mãi” thêm: “Nữ kia da trắng tóc dài, nói giọng Bắc; họ thường gặp nhau lúc quá ngọ trong ngày”. Y như rằng, mỗi buổi trưa sau khi dùng bữa với vợ, anh Sự thường không nghỉ trưa mà vội vã chạy ra ngoài. Trùng khớp thế, nên chị Hương bàng hoàng với nỗi đau “bị chồng phản bội”. Thực chất, anh... chạy ra quán cóc gần nhà đánh cờ tướng với mấy ông bạn. Chuyện này chị Hương rõ mười mươi, chỉ thiếu đường ra ngồi cùng chồng trong mỗi ván cờ, vậy mà chỉ cần nghe thầy phán bừa, đã vội nghi ngờ, buộc tội. Vài lời đối chứng, anh Sự đã có thể phủ định “câu chuyện lúc quá ngọ mỗi ngày”. Nhưng nhìn dáng vẻ đăm chiêu, vừa như vỡ lẽ, vừa như vẫn còn nghi ngờ của vợ, anh nổi trận lôi đình, không tiếc lời chì chiết thói mê tín dị đoan, thẳng thừng đề nghị “dẹp bỏ cái trò điên rồ ấy đi”. Ngán ngẩm sự ngớ ngẩn, mù quáng của bạn đời, anh tâm sự, thời gian gần đây vợ chồng anh không còn cùng nhau chuyện trò, bàn bạc; anh cũng né tránh việc phải ngồi cùng vợ, vì quá khiếp sợ mấy chữ “thầy phán rằng” đang dần thay thế những suy nghĩ thực tâm của chính vợ mình.
Việc gửi gắm gia sự vào tay thầy bói thể hiện sự mù mờ, bất lực của bản thân trước hiện thực hôn nhân của mình. Trong khi thất bại hay thành công của cuộc chung sống phụ thuộc vào mức độ hòa hợp tính cách và nỗ lực dựng xây của hai người, thì việc một bên rời bỏ vị trí, tìm đến một sự hỗ trợ sức mạnh từ bên ngoài - dù là từ thầy bói hay từ bất cứ điều gì - cuộc tương tác cũng đã lỗi nhịp.
Theo PNO