Cùng tranh luận về việc để lại thừa kế cho con, chị Nguyễn Thị Loan (35 tuổi), hiện đang làm việc tại ga Đông Anh, Huyện Đông Anh, Hà Nội cho rằng, các bậc cha mẹ nên đầu tư cho con học hành, bổ sung kỹ năng sống và tình cảm cho con thay vì chăm chăm làm lụng, thắt chặt chi tiêu để tiền lại cho con cái sau này.
 
 
Theo chị Loan, là một người mẹ, hẳn ai cũng mong muốn con mình được sung sướng, đủ đầy. Nhưng đối với chị Loan, việc cung cấp, và đáp ứng tât cả những mong muốn của con trẻ sẽ không tốt cho tư duy, và sự trưởng thành của trẻ sau này.
 
 
Chị Loan cho biết: “Tôi luôn đặt ra tiêu chí với con mình là: mẹ có thể lo được cho con nhưng con phải tự mình làm những việc con có thể làm được. Tôi không bao giờ đáp ứng toàn bộ mong muốn của con, bởi nếu thế con sẽ nghĩ con là Chúa Trời, muốn gì được nấy. Con sẽ không biết quý trọng tình cảm gia đình, sống ích kỷ, hẹp hòi.
 
Ví dụ đơn giản nhất: Trong bữa cơm ăn xong tôi có thể dọn dẹp, nhưng lúc nào tôi cũng để lại nồi cơm và nhờ cháu cất giúp, coi đó là phần việc nhỏ con có thể làm để giúp mẹ.
 
Hoặc tôi có thể đưa đón cháu đi học hàng ngày, nhưng chặng đường gần 1km ngoại thành nơi tôi ở, tôi vẫn rèn cho cháu đi bộ, đi qua đường ra sao để những lúc tôi bận rộn đi làm, cháu có thể tự mình đến trường.
 
Còn về vấn đề tiền bạc, tôi sẽ luôn dạy cho con hiểu về đồng tiền rằng, bản thân đồng tiền không xấu, đồng tiền xấu hay đẹp là do người làm ra đồng tiền, người sử dụng đồng tiền như thế nào? Một nắm tiền lẻ nhầu nhĩ, hôi hám từ tay người thu lượm đồng nát, từ một chị nhà quê lam lũ mò cua bắt ốc hẳn là đồng tiền mồ hôi nước mắt, đồng tiền chắt chiu lo sách vở, tấm áo mới cho con đến trường. Vậy thì nắm tiền lẻ ấy rất đáng trân trọng. Nhưng một xấp tiền mệnh giá cao, một ví tiền căng phồng USD trong tay một kẻ buôn lậu, một kẻ cho vay nặng lãi, một kẻ cướp đường thì đồng tiền ấy thật đáng ghê tởm”.
 
“Đó chính là cách tôi dạy con hướng đến những đồng tiền chân chính”- chị Loan nhấn mạnh.
 
“Còn khi các con lớn, con có những dự định về kinh tế, về làm ăn, tôi có thể hậu thuẫn cho cháu về tiền bạc. Tôi sẽ giao cho cháu nhiều nhất là một nửa tài sản tôi có để cháu làm vốn liếng (tất nhiên số tiền này là số tiền bí mật mà cháu không thể đoán trước – nv). Phần còn lại, tôi cũng vẫn để dành cho cháu, nhưng cũng là của để dành phòng bất trắc bởi các cụ vẫn nói" khôn không đến trẻ, khỏe không đến già". Tuổi trẻ xông pha đó, mà hiếu thắng, xốc nổi, tỉ lệ thành công và thất bại khi các cháu vào đời là 50/50.
 
Do đó, các cháu cần rèn luyện bản lĩnh khi trưởng thành. Và mình chỉ giúp sức các cháu khi cần thiết. Có như thế, các cháu mới có thể đứng vững, và tự tin bước đi trên con đường dài của mình” – chị Loan nói thêm
 
Theo Vietnamnet
.