leftcenterrightdel
Các đơn vị được tặng bằng khen trong hội nghị 

Hội nghị Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc vừa diễn ra với chủ đề “Tự chủ tài chính, an toàn người bệnh, an ninh bệnh viện trong quản lý chất lượng bệnh viện”. Hội nghị này chủ yếu bàn về việc tự chủ trong toàn bộ các khâu của bệnh viện như tổ chức bộ máy, tuyển dụng người lao động và vấn đề tài chính trong hoạt động tự chủ.

Được biết, hiện nay, Bộ Y tế có 39 bệnh viện thì 25 bệnh viện đã tự chủ và mỗi năm giảm khoảng 15.000 tỷ đồng, nếu triển khai rộng khắp ở các bệnh viện tỉnh thì sẽ giảm đáng kể và chất lượng khám chữa bệnh sẽ tăng lên.

TS. Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho biết, hiện đã có 3 bệnh viện hạng đặc biệt là Bạch Mai, Chợ Rẫy và Trung ương Huế đã thực hiện tự chủ hoàn toàn. Việc tự chủ này đã giúp các bệnh viện chủ động về nguồn nhân lực, tài chính để tái đầu tư. Tuy nhiên, khi tự chủ về tài chính các bệnh viện cũng phải đối mặt không ít khó khăn, đặc biệt là các bệnh viện tuyến dưới.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho rằng, tự chủ tài chính là các bệnh viện được quyết định về nhân lực, cân đối thu chi, do đó đòi hỏi các bệnh viện hài hòa giữa quyền lợi các bên, tăng nguồn thu nhưng phải tương xứng với chất lượng khám, điều trị bệnh. Tự chủ tài chính vẫn phải đảm bảo tối đa an toàn người bệnh.

Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm Y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho rằng: tự chủ tài chính sẽ khiến các bệnh viện buộc phải tăng nguồn thu mà nguồn thu chủ yếu từ người bệnh bảo hiểm y tế, điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ tăng chỉ định nội trú, tăng chỉ định xét nghiệm để đảm bảo nguồn thu tự chủ… Như vậy, khi nguồn thu buộc tăng lên thì việc chỉ định điều trị sẽ nhiều lên nên chi phí điều trị người bệnh sẽ phải gánh chịu. Thế nên, đây vẫn là câu chuyện “dài kỳ” của ngành y tế.

PV