Hơn thế TP. Đà Nẵng còn đang từng bước kiềm chế tốt tình trạng người nghiện gia tăng thông qua việc triển khai mô hình cai nghiện tại gia đình - cộng đồng trên địa bàn. 

Mô hình cai nghiện tại gia đình - cộng đồng

Ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP.Đà Nẵng cho biết: Từ lúc triển khai đến nay, trong vòng 3 năm (từ năm 2015 đến năm 2017) toàn thành phố đã thực hiện điều trị, cai nghiện cho 3.505 lượt người, trong đó cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng là 516 người. Trong đó, 378 người (73,25%) đã hoàn thành thời gian cai nghiện, hòa nhập cuộc sống, trở thành người có ích cho gia đình, cộng đồng và xã hội; 255 người tham gia cai nghiện tự nguyện; gần 55% đã có việc làm. Song vẫn còn 114 người tái nghiện (22,01%) và 24 người đang tiếp tục cai (4,65%).

leftcenterrightdel
 Đào tạo, dạy nghề cho người cai nghiện

“Mô hình này đã và đang đem lại hiệu quả rõ rệt. Các địa phương triển khai mô hình ngoài việc tổ chức chặt chẽ từng công việc cụ thể: từ khâu lập hồ sơ, điều trị, cắt cơn, giải độc đến quản lý, phân công theo dõi, kèm cặp, kiểm danh, kiểm diện thì đều có những nhận xét, đánh giá định kỳ”, ông Hùng khẳng định.

Hỗ trợ việc làm cho người sau cai nghiện

Đoạn tuyệt với “nàng tiên nâu” được 3 năm, anh N.T.H (36 tuổi, quận Thanh Khê) quyết tâm làm lại cuộc đời nhưng anh cho biết, đi xin việc khó quá. Nhiều cơ sở nhận anh để đào tạo thành nghề nhưng nhìn cái “mác” từng nghiện ngập thì nơi nào cũng lắc đầu. “Mình đi đến đâu xin việc cũng gặp khó khăn vì không có nghề. Khi biết mình từng nghiện ma túy, họ liền cho nghỉ việc”, anh H thổ lộ.  

“Chúng tôi rất cần học nghề và hỗ trợ việc làm để có thể tránh xa ma túy. Nếu không có việc làm, rảnh rỗi lại bị bạn bè rủ rê thì rất dễ nghiện lại”, anh N.Đ.Q (20 tuổi, quận Sơn Trà) cho hay.

Nắm bắt được tầm quan trọng của vấn đề việc làm đối với người sau cai nghiện, năm vừa qua, TP.Đà Nẵng đã triển khai nhiều đề án hỗ trợ, giới thiệu tới các cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tạo cơ hội có việc làm cho người đang hoặc sau điều trị cai nghiện ma túy.

Trong đó, có thể kể đến trường hợp H.V.T (SN 1992, quận Ngũ Hành Sơn). Được đào tạo nghề, được phía trung tâm cai nghiện giới thiệu, sau khi cai nghiện thành công, T đã được cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ Quốc Nông nhận vào làm việc. 

Hay trường hợp của em P.T.H (SN 1993, quận Thanh Khê). Từ một thanh niên chỉ thích ham chơi, tụ tập rồi sa đà vào tệ nạn xã hội, giờ đây nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của Hội Cựu chiến binh phường Tam Thuận, H đã được hỗ trợ học nghề và hiện đang làm việc cho một công ty tư nhân với mức lương khá ổn định.

Ngoài ra, thành phố đã dành một phần ngân sách hỗ trợ 2 triệu đồng cho mỗi người cai nghiện thành công. Hiện nay, Đà Nẵng có 148 người đã được hỗ trợ số tiền này. Nhiều địa phương đã “tự thân vận động” giúp người nghiện vay vốn làm ăn như: các phường Hòa Cường Bắc, Bình Thuận và Phước Ninh (quận Hải Châu) đã hỗ trợ cho 5 người sau cai nghiện vay vốn với tổng số tiền 40 triệu đồng. Riêng phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) còn giới thiệu việc làm cho 1 người sau cai nghiện với thu nhập 2 triệu đồng/tháng. 

“Tính đến thời điểm này, thành phố có khoảng gần 600 đối tượng đang được quản lý sau cai, trong đó khoảng hơn 300 người có việc làm. Tới đây, thành phố sẽ phấn đấu giúp đỡ khoảng 90% người sau cai được hỗ trợ sinh kế và phương tiện làm việc”, ông Lê Minh Hùng nhấn mạnh.

Lê Tâm