Nguyên tắc trong mâm cỗ
Ngày lễ ông Công ông Táo là một trong nhưng lễ quan trọng của dịp Tết nguyên đán. Trong ngày này, gia đình nào cũng phải chuẩn bị mâm cỗ, vàng mã tươm tất để tiễn các Táo quân về chầu trời, báo cáo việc hạ giới trong một năm qua. Phổ biến và cần thiết là thế, nhưng không phải gia đình nào cũng nắm chắc những nguyên tắc chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo.
|
|
Cá chép là lễ vật không thể thiếu. |
Theo truyền thống, các gia đình có thể chuẩn bị cỗ chay hoặc cỗ mặn để cúng Táo quân. Thông thường mâm cỗ mặn đầy đủ nhất bao gồm: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, 5 lạng thịt vai luộc, 1 bát canh mọc, 1 đĩa xào thập cẩm, 1 đĩa giò, 1 con cá chép, 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa chè kho, 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà sen, 3 chén rượu, 1 quả bưởi, 1 quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa đào nhỏ, 1 lọ hoa cúc, 1 tập giấy tiền, vàng mã.
Tuy nhiên, với cuộc sống bận rộn hiện này, mâm cỗ cúng Táo quân cũng được đơn giản hóa với các món cơ bản kèm tiền, vàng mã. Lễ vật để tiễn Táo quân về chầu trời theo truyền thống gồm có tiền vàng, 3 chiếc mũ, trong đó 2 chiếc mũ có cánh chuồn cho 2 ông Táo và 1 chiếc không có cánh chuồn cho bà Táo kèm theo một chiếc áo, một đôi hia bằng giấy và hình cá chép bằng giấy (nếu không cúng cá chép sống) để làm phương tiện cho Táo quân về trời.
Theo dân gian, cá chép là phương tiện duy nhất các Táo quân sử dụng để về trời. Vì thế, cá chép là biểu tượng của ngày 23 tháng Chạp. Thông thường, các gia đình sẽ chuẩn bị 1 hoặc 3 con cá chép nhỏ thả vào chậu nước đặt cạnh mâm cỗ cúng. Sau khi hoàn thành việc làm lễ, cá chép sẽ được phóng sinh ở sông, ao hồ với ngụ ý "cá chép hóa rồng", làm phương tiện để các Táo quân cưỡi về chầu trời.
Bên cạnh đó, đối với người Việt, "cá vượt Vũ môn" hay "cá chép hóa rồng" còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công. Hình ảnh "cá chép vượt vũ môn" biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp.
Những điều kiêng kỵ theo dân gian
Nhiều người quan niệm, ông Công là thần thổ công, vị thần cai quản đất đai trong nhà, cần được cúng trên bàn thờ chính trong nhà, còn ông Táo là 23 vị đầu rau trông coi việc bếp núc nên sẽ được cúng ở dưới bếp. Tuy nhiên, theo chuyên gia nghiên cứu tâm linh, việc cúng lễ như vậy là không đúng với phong tục, quy tắc truyền thống lâu đời của dân tộc.
Theo truyền thống, tất cả các vị này đều cần được thờ phụng trên ban thờ chính của gia đình. Hơn nữa, bếp là nơi đun nấu, không phải nơi thể cúng lễ. Mâm cỗ cúng 23 tháng Chạp cần được thực hiện ở nơi sạch sẽ, trang nghiêm nhất trong nhà.
Kỵ khấn xin tài lộc, sung túc: Thực chất, lễ cúng 23 tháng Chạp mang ý nghĩa tiễn ông Công ông Táo về trời để báo cáo việc lớn việc nhỏ trong năm của gia chủ với thiên đình. Vì thế, việc cầu xin tài lộc, sung túc là không nên. Các gia đình chỉ nên khấn xin Táo báo những việc tốt đẹp trong năm.
Cúng lễ sau buổi trưa ngày 23 tháng Chạp: Theo tín ngưỡng dân gian, 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp là thời điểm ông Công ông Táo đã bay về chầu trời. Vì thế, việc cúng lễ cần tiến hành trước giờ này. Thông thường, bắt đầu từ ngày 21 tháng Chạp đến trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp, các gia đình có thể lựa chọn thời gian phù hợp để làm lễ cúng ông Công, ông Táo. Khi hương cháy hết 2/3 là có thể hóa vàng mã, phóng sinh cá chép để tiễn ông Táo về trời.
Trong ngày 23 tháng Chạp, cá chép tương trưng chính cho thần linh. Sau khi cúng lễ và thả cá chép, các gia đình không nên thả cá từ trên cao như đứng trên cầu, bờ xa ném cá xuống nước vì như vậy cá sẽ chết. Bạn nên chọn một địa điểm mép nước ở sông, hồ và thả cá từ từ. Đặc biệt, không nên ném cả túi nilon xuống nước để tránh gây ô nhiễm môi trường
Xuân Hưng (ST)