Tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến tại Hội thảo góp ý cho Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp tổ chức vào ngày 15/8, tại Đà Nẵng, nhiều đại biểu đã nêu quan điểm và cho rằng người lao động không muốn tăng tuổi nghỉ hưu như trong đề xuất trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương với 221 điều. Về nội dung điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, Chính phủ đã quy định nội dung này trong dự thảo theo 2 phương án trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Phương án 1: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

leftcenterrightdel
 Bộ LĐ - TB và XH đã dự thảo và đang lấy ý kiến về  Bộ luật Lao động sửa đổi về nội dung tăng độ tuổi nghỉ hưu của người lao động. (ảnh: VCCI cung cấp)

Phương án 2: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Nêu ý kiến dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), các đại biểu không đồng ý với phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Theo các đại biểu, chỉ một số ngành nghề có nhu cầu được kéo dài thời gian lao động, còn phần đa người lao động vẫn là mong muốn được nghỉ ngơi từ sớm.

Người lao động không muốn tăng tuổi nghỉ hưu là do quan ngại không đủ sức khỏe để có thể đáp ứng được yêu cầu công việc và cũng lo sợ chủ doanh nghiệp cũng sẽ không nhận lao động lớn tuổi. Đối với những trường hợp sau khi đến tuổi nghỉ hưu thấy còn đủ khả năng làm việc, có đam mê có thể lựa chọn làm thêm công việc gì đó theo ý muốn của bản thân.

“Thực tế tuổi người lao động càng già đi thì năng suất lao động càng giảm sút, người lao động cũng không mấy mặn mà với việc làm việc ở giai đoạn về cuối thời gian lao động. Nếu kéo dài thời gian lao động cũng sẽ tạo nên gánh nặng cho doanh nghiệp, người lớn tuổi giảm khả năng lao động nhưng vẫn ở lại làm việc sẽ cản trở cơ hội đến với người trẻ. Cho nên riêng quan điểm cá nhân, tôi thấy vấn đề tăng độ tuổi nghỉ hưu phải xem xét lại.”, đại diện từ Công ty bia Heiniken chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội thảo

Về tiền lương tăng ca tính theo bậc thang lũy tiến, đa số đại biểu đều không đồng ý vì cho rằng điều này không cần thiết, làm phát sinh thêm chi phí doanh nghiệp. Vì luật đã cho phép chủ sử dụng và người lao động đàm phán, thống nhất. Nếu theo góc nhìn của người lao động, tiền lương làm thêm giờ tăng lũy tiến người lao động sẽ có lợi. Tuy nhiên vì trong điều kiện của nước ta hiện nay, năng suất làm việc thấp, việc tăng giờ làm thêm, tăng lương, tăng ngày nghỉ sẽ gây áp lực lớn đến doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo, Ông Ngô Hoàng, Vụ Pháp chế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ luật Lao động với nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của người lao động và doanh nghiệp nên rất được dự luật xã hội và các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Bộ luật Lao động sau nhiều năm cũng đã bộc lộ nhiều bất cập như chưa đáp ứng được sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của thị trường lao động, yêu cầu về nâng cao năng suất lao động, yêu cầu về cải tiến quản trị doanh nghiệp, nhất là tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Do đó, luật có những vấn đề cần phải  tiếp tục điều chỉnh. Việc lấy ý kiến, thảo luận của các đại biểu dự hội thảo cũng là cơ sở để ngành thu thập và sớm tổng hợp trình lên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo.

“Hội thảo lần này, những vấn đề bất cập cần tập trung thảo luận  như vấn đề tiền lương, điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu, hợp đồng lao động, người nước ngoài làm việc có thời hạn tại Việt Nam...

Đối với những phát sinh trong quá trình thực hiện Bộ luật Lao động hiện nay như: Thời giờ làm việc, thỏa ước lao động tập thể, đình công cũng cần được mổ xẻ để đưa ra những giải pháp với từng địa phương sao cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội hiện nay. Thậm chí tiếp thu cả những ý kiến mà ban soạn thảo chưa nghĩ ra hoặc chưa đưa vào dự thảo.”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Ông Hoàng Quang Phòng – Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu ý kiến, với lần sửa đổi, bổ sung lần thứ 5 này cho thấy vấn đề lao động, việc làm có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội cũng như phát triển kinh tế của đất nước. Vấn đề sửa đổi bộ luật này tiếp tục được đặt ra, lấy ý kiến rộng rãi của người lao động và người sử dụng lao động như vậy mới phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội hiện nay.

Lê Tâm