Thêm nhiều người “sập bẫy” 

Trước đó, ở các bài báo “Đà Nẵng: Giám đốc thu tiền dịch vụ du học… rồi “mất tích” đăng trên báo BVPL số 20, ra ngày 9/3/2018 và “Công ty TNHH Kiều Khuyên - Đà Nẵng: Có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản” báo BVPL điện tử đăng ngày 10/03/2018, chúng tôi đã phản ánh những khuất tất trong hoạt động của Công ty TNHH Kiều Khuyên, mà người chịu trách nhiệm pháp lý là Giám đốc Hồ Thị Kim Khánh.

Theo nội dung tố cáo, bà Khánh là chủ khách sạn Venus, nằm ở số K90/6, Đống Đa, TP. Đà Nẵng, nơi treo biển tên trụ sở Công ty TNHH Kiều Khuyên. Bằng các mối quan hệ và những lời hứa “mật ngọt”, bà Khánh đã dụ dỗ được nhiều người có nhu cầu đi du lịch, du học nước ngoài ký kết các hợp đồng dịch vụ, hợp đồng trách nhiệm du học với Công ty Kiều Khuyên. Từ đó, bà Khánh thu của mỗi người hàng trăm triệu đồng hoặc hàng chục ngàn USD để lo các chi phí, thủ tục xin visa, xuất cảnh; thi chứng chỉ, đăng ký trường học, nhập học… (đối với trường hợp đăng ký đi du học); tiền khách sạn, bảo hiểm, ăn uống… (đối với trường hợp đăng ký đi du lịch). 

leftcenterrightdel
Đã có 06 người làm đơn tố cáo Công ty TNHH Kiều Khuyên (Đà Nẵng) lừa đảo chiếm đoạt tài sản.. 

Sau khi nhận tiền, bà Khánh không thực hiện đầy đủ, thậm chí không hề thực hiện các trách nhiệm, vi phạm các điều khoản ghi rõ trong hợp đồng. Dẫn đến việc sau hơn 1 năm chờ đợi mòn mỏi mà không thể xuất cảnh, các ông, bà: Lê Văn Tuyến (Hà Tĩnh), Lữ Hàng Song, Mai Thị Phượng (Đà Nẵng) muốn thanh lý hợp đồng như đã cam kết thì bà Khánh trốn tránh không gặp mặt, không nghe điện thoại trong thời gian dài, có dấu hiệu “quỵt tiền”.

Tháng 8/2017, ông Tuyến, bà Song, bà Phượng gửi đơn tố cáo bà Hồ Thị Kim Khánh lên cơ quan CSĐT - Công an TP. Đà Nẵng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Công an quận Hải Châu và Công an TP. Đà Nẵng đã ra thông  báo trả lời rằng “đây là quan hệ dân sự, không có dấu hiệu tội phạm”. Không đồng ý với kết quả này của cơ quan Công an, người dân tiếp tục gửi đơn cầu cứu đến cơ quan chức năng.

Sự việc chưa ngã ngũ thì mới đây, báo BVPL tiếp tục nhận được 03 đơn thư của ông Nguyễn Hải Lộng (SN 1964), anh Ngô Trung Hiếu (SN 1985), cùng trú tại xã Xuân Liên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh và ông Trần Lưu Trường (SN 1974, trú tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP. Hồ Chí Minh) cùng có nội dung tố cáo bà Khánh lừa đảo chiếm đoạt tài sản với hình thức như trên. Theo các đơn tố cáo mới này, thì “vòi bạch tuộc” của Công ty TNHH Kiều Khuyên đã vượt ra khỏi Đà Nẵng để vươn tới vùng quê nghèo Hà Tĩnh và thị trường lao động lớn nhất cả nước – TP. Hồ Chí Minh.

Những người này cho biết, đã nộp 10.000 USD (tương đương khoảng 220 triệu đồng - nâng tổng số tiền bà Khánh bị tố lừa đảo lên hơn 1 tỷ đồng). Anh Hiếu còn tiết lộ, ở xã Xuân Liên còn có hàng chục người khác cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự nhưng chưa dám tố cáo bởi những người này vẫn mong manh hy vọng bà Khánh sẽ tự nguyện trả lại tiền cho họ.

“Đội lốt” du lịch đưa người đi lao động “chui”?

Ông Nguyễn Hải Lộng cho biết, năm 2016, sau khi xảy ra sự cố Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường biển trên diện rộng, nghề đi biển gặp nhiều khó khăn, gia đình ông đối mặt với tình trạng vô cùng khó khăn về kinh tế. Nghe tin bà Khánh đã đưa thành công 02 người trong làng sang đảo Hawaii (Mỹ) làm thuê kiếm được số tiền lớn gửi về gia đình, ông Lộng, anh Hiếu cùng nhiều người khác đã liên hệ với bà Khánh để tìm cách sang “miền đất hứa” mong đổi đời.

“Ngay từ đầu, chúng tôi đã đặt vấn đề với bà Khánh là sang Mỹ để đi làm chứ không phải đi du lịch. Nhà tôi nghèo khó, gạo còn không đủ ăn thì lấy tiền đâu đi du lịch chơi bời. Bà Khánh nói với điều kiện như của tôi (không biết tiếng Anh, gần quá độ tuổi lao động, không có người bảo lãnh…) thì không thể xin visa sang Mỹ để xuất khẩu lao động được, nên sẽ làm hợp đồng là đi tham quan hội chợ cùng với 1 đoàn, còn sau đó sẽ tìm cách để tôi tách đoàn, trốn ở lại. Mọi thủ tục, giấy tờ như thế nào bà Khánh hứa sẽ làm chu đáo cho tôi sang bên kia (Mỹ - PV), tôi chỉ cần nộp tiền, chờ ngày đi” – ông Lộng nói.

Anh Ngô Trung Hiếu cũng xác nhận bà Khánh đã trao đổi, hứa hẹn với anh như trên. Ngoài ra, bà Khánh còn chuẩn bị sẵn một bản thông tin về 1 công ty “ma”, cho ông Lộng làm giám đốc, anh Hiếu làm phó giám đốc, bịa ra đủ thứ ban bệ, chức danh, thu nhập trong công ty, yêu cầu hai người học thuộc lòng để trả lời khi đi phỏng vấn xin visa để được tin tưởng, chấp thuận hồ sơ.

Thậm chí, vì quá tin lời bà Khánh, anh Hiếu còn bay sang Singapore, Thái Lan, Malaysia để được đóng dấu thị thực vào hộ chiếu cho hồ sơ xin visa du lịch thật “đẹp”, dễ thông qua. Tại TP. Hồ Chí Minh, ông Trần Lưu Trường cũng được “ăn bánh vẽ” như thế.

Hai năm trôi qua, giấc mơ đi Mỹ đã tan vỡ mà tiền cùng bà Khánh thì như “bóng chim tăm cá”. “Vì miếng cơm manh áo nên tôi mới quyết định vay tiền ngân hàng đưa cho bà Khánh, ai ngờ Mỹ đâu chưa thấy đã thấy đống nợ không có khả năng chi trả đè nặng lên vai. Tôi chưa được làm bất kỳ thủ tục nào, đòi tiền thì bà Khánh biệt tăm. Giờ thực sự tôi không biết trông vào đâu” – anh Hiếu bức xúc.

Được biết, khoản tiền ông Lộng, anh Hiếu, ông Trường nộp cho bà Khanh đều là vay mượn ngân hàng hoặc “tín dụng đen”. Khoản tiền này lãi mẹ đẻ lãi con, đến nay số nợ của ông Lộng, anh Hiếu là khoảng 300 triệu đồng. Thời gian gần đây, họ bị “siết nợ” mà không biết lấy tiền đâu ra để trả, khiến cuộc sống gia đình trở nên bế tắc.

 Theo thông tin tra cứu tại Cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp thì Công ty TNHH Kiều Khuyên chỉ được cấp giấy phép “Kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng, rượu bia và thuốc lá điếu sản xuất trong nước; Kinh doanh vận tải hàng, cho thuê mặt bằng; Kinh doanh du lịch lữ hành nội địa” mà không có ngành nghề tư vấn du lịch nước ngoài, du học. 
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Đà Nẵng: “Công ty TNHH Kiều Khuyên hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học không đăng ký với với Sở để được cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh dịch vụ tư vấn du học. Hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH Kiều Khuyên là không đúng với quy định của Chính phủ”.

Anh Thư - Bá Thanh