Trong khuôn khổ chương trình "Bình dân học AI", các giảng viên truyền đạt tới đội ngũ cán bộ nòng cốt những kiến thức tổng quan về trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đại; tầm quan trọng của việc phát triển năng lực số và sử dụng công cụ AI trong thời đại công nghệ 4.0. Đặc biệt là giới thiệu về nội dung, các mục tiêu, hoạt động triển khai chương trình "Bình dân học AI" trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2024 - 2025. Đồng thời, hướng dẫn các đại biểu đăng ký và tham gia học, luyện tập hằng ngày trên hệ thống LuyenAI.vn; cung cấp thông tin về các công cụ học tập, tài liệu hỗ trợ học viên...
    |
 |
Toàn cảnh Chương trình "Bình dân học AI" cho lực lượng nòng cốt tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: Trọng Tài) |
Phát biểu tại Chương trình, đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: Thái Nguyên là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước lan tỏa chương trình “Bình dân học AI” trong toàn tỉnh theo lời kêu gọi của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc toàn dân phổ cập kỹ năng số. Chỉ trong 55 ngày đêm, Thái Nguyên đã phổ cập AI cho hơn 10.000 người trên toàn tỉnh.
    |
 |
Đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại Chương trình. (Ảnh: Trọng Tài) |
Năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu tăng tưởng kinh tế từ 10,5% trở lên. Tuy nhiên, những biến động phức tạp của tình hình thế giới đang tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó chương trình “Bình dân học AI” là một trong những cách nhanh nhất để có thể nâng cao năng suất lao động, qua đó đóng góp tích cực vào tăng trưởng của tỉnh năm 2025.
Vì sự phát triển của Thái Nguyên, đồng chí Nguyễn Huy Dũng mong muốn 311 cán bộ nòng cốt sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, phổ cập và lan tỏa chương trình "Bình dân học AI" trong cộng đồng, đặc biệt là với khoảng 400.000 người trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh trước ngày 30/4.
Được biết, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng và triển khai chương trình “Bình dân học AI” nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ AI trong đời sống người dân, hiện thực hóa mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du và miền núi phía Bắc từ rất sớm.
    |
 |
Các học viên thực hành AI theo hướng dẫn của các giảng viên.(Ảnh: Trọng Tài) |
Từ năm 2020, Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định rõ mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện trong quản lý nhà nước, phát triển kinh tế số, xã hội số, đồng thời nhấn mạnh vai trò trung tâm của người dân trong quá trình chuyển đổi số. Bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thái Nguyên xem AI là một phần cốt lõi trong hành trình này.
Chương trình được triển khai qua 3 giai đoạn cụ thể: Giai đoạn 1 (tháng 11/2024): Hoàn thiện kế hoạch triển khai, thành lập ban chỉ đạo các cấp, chuẩn bị cơ sở vật chất, lựa chọn học viên nòng cốt. Giai đoạn 2 (tháng 12/2024): Đào tạo đội ngũ nòng cốt gồm cán bộ, công chức, giáo viên tích cực và doanh nhân tiêu biểu; nội dung đào tạo chuyên sâu về kỹ năng AI và phương pháp truyền đạt kiến thức. Giai đoạn 3 (từ tháng 2/2025): Triển khai đồng loạt các lớp học tại cơ sở, áp dụng mô hình học tập kết hợp trực tuyến và trực tiếp, sử dụng phương pháp học ngắn hạn hiệu quả (micro-learning).
Thời gian qua, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã tích cực vào cuộc, tổ chức triển khai đồng bộ, có kế hoạch triển khai riêng, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn. Các cơ quan báo chí, truyền thông đã đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình.
Đặc biệt, nhóm học tập trực tuyến “Xứ trà học AI” trên Facebook thu hút hơn 4.600 thành viên, hàng ngày chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và ứng dụng AI trong thực tiễn. Chương trình đã đào tạo 300 học viên nòng cốt cấp tỉnh. Các học viên đã tổ chức mở rộng đào tạo tại các địa phương, lan tỏa kiến thức AI sâu rộng trong cộng đồng. Những kết quả trên thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân trên địa bàn tỉnh và sự đóng góp của các chuyên gia lĩnh vực công nghệ.
Theo đại diện Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Thái Nguyên: Chương trình “Bình dân học AI” giúp người dân, đặc biệt là lực lượng lao động, làm chủ và ứng dụng AI vào công việc và đời sống. Từ đó, không chỉ nâng cao năng suất lao động mà còn tạo ra các cơ hội việc làm mới, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Với sự đồng lòng của chính quyền và Nhân dân, chương trình hứa hẹn sẽ mang lại những kết quả tích cực, tạo đà cho Thái Nguyên vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên số. Chương trình không chỉ trang bị kiến thức mà còn gieo mầm văn hóa sáng tạo, tư duy “AI First” (ưu tiên AI) trong cộng đồng, biến AI trở thành một phần không thể thiếu của đời sống xứ trà.