Sáng 14/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ ý kiến của Thủ tướng tại cuộc kiểm tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL).
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã chuyển ý kiến của Thủ tướng Chính Phủ tới Bộ VHTTDL yêu cầu khắc phục 5 vấn đề. Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, các hoạt động, quản lý lễ hội đầu năm đến nay vẫn đang là vấn đề “nóng”. Một số hoạt động lễ hội vừa qua, có những việc người dân không đồng tình. Lễ hội bị biến tướng, lợi dụng cơ chế thị trường và trục lợi cá nhân trái quy định.
Một số lễ hội tổ chức quy mô lớn, thời gian kéo dài nhưng lại manh mún, thiếu sự điều hành, thống nhất của địa phương. Ngay cả việc người dân xô nhau cướp lộc ở lễ hội Gióng đền Sóc… rất phản cảm. Ngay cả chuyện nhà sư đứng trên bục ném lộc cũng là ứng xử văn hoá rất có vấn đề.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đối với vấn đề sử dụng xe công, thời gian hành chính đi lễ hội, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là ra quân và làm việc ngay từ đầu. Tuyệt đối cấm các đơn vị nhà nước sử dụng xe công, sử dụng thời gian hành chính để đi lễ hội. Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTTDL phải thường xuyên có các đoàn thanh kiểm tra công tác quản lý lễ hội để có những chấn chỉnh, đặc biệt công tác quản lý nhà nước về lễ hội.
Trả lời về điều này, bà Trịnh Thị Thuỷ - Cục trưởng cục Văn hoá cơ sở - Bộ VHTTDL cho biết, Cục đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo để chấn chỉnh các lễ hội. Từ tháng 1/2016, Cục đã gửi văn bản cho các sở địa phương để tăng cường công tác tổ chức, quản lý lễ hội.
Không thể thống kê được tình trạng sử dụng xe công đi lễ hội
Theo bà Thuỷ, mùa lễ hội 2017, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, phối hợp với các cơ quan tổ chức các đoàn kiểm tra, theo dõi những lễ hội có quy mô lớn. Tập trung giám sát và điều chỉnh các hình thức tổ chức lễ hội mà trước đó có biểu hiện phản cảm, bạo lực… Cục Văn hoá cơ sở cũng đã tổ chức triển khai kiểm tra khắp cả nước. Những biểu hiện phản cảm, bạo lực… trong lễ hội năm nay cơ bản đã được điều chỉnh như: Lễ chém lợn ở Ném Thượng (Bắc Ninh), cướp phết ở Vĩnh Phúc, đập đầu trâu ở Phú Thọ, lễ hội đền Đông Cuông ở Yên Bái… Tuy nhiên, bà Thuỷ thừa nhận là vẫn còn có nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo, vẫn còn hiện tượng phản cảm trong lễ hội.
|
Hình ảnh trai làng tranh dành, cướp phết ở lễ hội cướp phết cũng cần phải có sự chấn chỉnh. Ảnh cắt từ clip. |
Ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ VHTTDL khẳng định, mặt được của mùa lễ hội năm nay thể hiện ở 3 vấn đề: chính quyền đã vào cuộc quyết liệt, Ban tổ chức quản lý lễ hội ngày càng chuyên nghiệp và nhân dân không đồng thuận giữ các thủ tục phản cảm. Theo ông Thành, việc quản lý lễ hội đã vô cùng khó, việc gắn lễ hội với du lịch và kinh tế lại càng khó hơn. Ông Thành đưa ra dẫn chứng, vừa rồi đoàn Thanh tra của Bộ xuống thanh kiểm tra công tác tổ chức lễ hội ở đền Cửa Ông (Quảng Ninh) thì nơi này đã thu được 6 tỷ.
Ông Thành cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem lại việc giao cho Bộ VHTTDL giám sát chuyện sử dụng xe công, giờ hành chính đi lễ hội đầu năm… của các cơ quan bộ ngành.
“Bộ VHTTDL đưa ra cảnh báo, khuyến cáo thì được, những việc gì mang tính chất truyền thông thôi còn sử dụng xe công đi lễ mà cấm thì đề nghị xem lại vì nằm ngoài quyền hạn”, ông Thành nói.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái cũng bày tỏ, công tác tổ chức mùa lễ hội năm nay là tốt, dẹp được các lễ hội phản cảm, trật tự an ninh các địa phương làm khá tốt, lễ hội phản cảm bị thanh tra liên tục. “Có xô xát nhưng vài phút là trở lại ổn định, đặc biệt là Lễ khai ấn đền Trần ở Nam Định. Những lễ hội phản cảm thì Bộ chủ trương không tổ chức hoặc cắt bỏ. Địa phương phản ứng nhưng Bộ cũng cử cán bộ xuống làm việc. Rồi mời Viện Văn hoá nghiên cứu lại lễ hội. Bảo tồn phát huy những lễ hội có giá trị, chỗ nào phản cảm cắt bỏ. Chọi trâu, đá gà… ngày xưa là trò chơi dân gian, pháp luật không cấm nhưng ngày nay có trường hợp lợi dụng chọi trâu, đá gà để ăn bạc thì chúng ta cấm”, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nói.
Về chuyện sử dụng xe công đi lễ hội, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng, Bộ VHTTDL không thể thống kê được, vấn đề này phải do chính quyền địa phương mới thực hiện được. Có một số địa phương xử lý rất kiên quyết trước sự việc này.
Trước những phần trả lời của đại diện Bộ VHTDL, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, vừa qua có một số lễ hội liên quan đến trục lợi, phản cảm, thương mại hoá… có một số Bí thư Tỉnh, TP lên tiếng nhưng Bộ VHTTDL lại không thực hiện hành động đó.
“Lên tiếng đồng ý hay không đồng ý, tốt hay không tốt để còn tiếp tục. Phải tổ chức họp báo để thông tin, còn việc hướng dẫn, văn bản thường xuyên thì có hết rồi. Liên quan đến xe công, chức năng thanh tra - kiểm tra không thuộc Bộ VHTTDL nhưng trước những chỉ đạo của Thủ tướng thì có văn bản báo cáo nào không. Điều này ai nắm được hơn ngành văn hoá? Khi Thủ tướng chỉ thị như thế thì cơ quan quản lí văn hoá có báo cáo và có sự lên tiếng ở tầm vĩ mô chứ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh thêm.
Theo Hà Tùng Long/Dân trí