Lưu lượng xe máy trên đường ở các đô thị hiện nay, trong đó có Đà Nẵng là rất lớn, điều đó có thể thấy rất rõ mỗi khi ra đường, nhất là vào những giờ cao điểm.
Một vấn đề quan trọng nữa của xe máy và cả xe hơi, cũng dễ gây ra tai nạn là chuyện không quan tâm đến việc sử dụng chế độ chiếu sáng của đèn xe. Không ai phủ nhận hệ thống đèn chiếu sáng mang rất nhiều lợi ích cho người đi đường khi đi vào buổi tối. Tuy nhiên, khi dùng không đúng cách, đèn chiếu sáng có thể là nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông. Một trong các tình huống hay gặp là do người điều khiển xe sử dụng đèn chiếu xa sai quy định, khiến người đi xe ngược chiều bị lóa mắt, dẫn tới lạc tay lái, bị đổ xe hoặc đâm vào các đối tượng tham gia giao thông khác. Luật Giao thông đường bộ có quy định nghiêm cấm sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định. Tuy nhiên, không khó nhận thấy tình trạng xe máy và cả xe hơi lưu thông buổi tối trên các con đường Đà Nẵng còn bật chế độ chiếu xa (bật đèn pha, thay vì bật đèn cốt) gây khó chịu cho người đối diện, rất dễ dẫn đến tai nạn.
Đối với xe hơi, còn một tình trạng sai luật liên quan đến việc sử dụng đèn xe nữa là việc bật chế độ đèn khẩn cấp khi qua giao lộ. Do không am hiểu luật, hoặc cố tình vi phạm mà một số lái xe lạm dụng bật đèn khẩn cấp để đi qua ngã tư, hay vượt xe khác để ra vẻ ta đây cần được chú ý, ưu tiên. Nên biết rằng, đèn khẩn cấp, đúng như tên gọi của nó, chỉ sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp. Tuy vậy, nhiều người không hiểu hết ý nghĩa mà luôn lạm dụng, đi qua ngã ba ngã tư bật để đi thẳng.
Thông thường, đến ngã tư, ngã năm, lái xe nếu muốn rẽ trái thì ta bật xi-nhan trái, muốn rẽ phải thì bật xi-nhan phải, còn nếu không bật đèn nào thì nghĩa là mình đi thẳng, có ai đi đến ngã tư ngã năm để đứng ì tại đó đâu mà phải bật đèn khẩn cấp để nói rằng "tôi muốn đi thẳng". Những người bật đèn khẩn cấp qua khi qua giao lộ không hiểu điều này, họ cứ nghĩ bật như thế là oai, là gây sự chú ý. Các sách hướng dẫn sử dụng ô-tô đều ghi rất rõ chức năng của loại đèn khẩn cấp, hy vọng những người thích lạm dụng cái đèn này cần nghiên cứu kỹ hơn trước khi chạy xe trên đường.
Ngoài ra, không thể không đề cập đến những chiếc “xe mù” thường bắt gặp lúc chập choạng tối hoặc vào buổi sáng tinh mơ khi đèn đường chưa sáng hoặc đã tắt. Gọi là “mù” vì những chiếc xe này không có đèn hoặc đèn đã hư hỏng từ lâu. Nguy hiểm nhất là khi những chiếc xe này phóng bạt mạng, nhất là tại các con đường dẫn đến các chợ đầu mối thời điểm từ nửa đêm đến lúc mờ sáng. Vừa qua, lực lượng chức năng TP Đà Nẵng đã mở chuyên đề dẹp nạn “xe mù” ngang nhiên chạy trên địa bàn. Số lượng “xe mù” bị thu giữ, xử lý nhiều, nhưng, trên đường phố vẫn còn khá phổ biến các loại xe này hoạt động, trộn lẫn vào các dòng phương tiện để chuyên chở hàng hóa.
Xung quanh việc sử dụng hệ thông đèn trên các phương tiện giao thông khi lưu thông trong đô thị, có những chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng lại liên quan đến văn hóa giao thông, đến an toàn tính mạng của công dân khi lưu thông trên đường, nhất là là ở đô thị lớn như Đà Nẵng. Nên chăng bên cạnh việc tuyên truyền người sử dụng xe máy lưu ý đến việc phát huy tính năng các loại đèn trên chiếc xe của mình thì lực lượng chức năng cũng cần đẩy mạnh hơn việc xử phạt nặng chủ nhân của những chiếc xe để xe mình không có đèn xi-nhan hoặc đèn chiếu sáng cũng như sử dụng sai mục đích của các loại đèn. Cũng không thể vin vào lý do mưu sinh, khó khăn túng thiếu mà không trang bị những thiết bị tối thiểu cần có của một chiếc xe máy, điều mà thiếu nó sẽ nguy hiểm đến tính mạng của mọi người và cả cho chính bản thân chủ nhân của chiếc xe đó.
Sử dụng hết tính năng của các loại đèn trên xe mỗi khi lưu thông trên đường, thiết nghĩ cũng là một cách giảm thiểu tai nạn giao thông một cách thiết thực, đồng thời cũng là thể hiện ý thức của người dân thành phố khi tham gia giao thông và trên hết là thể hiện cụ thể của văn hóa giao thông.
Theo CAĐN