(BVPL) - Xuân về, khí trời tươi mát, hoa nở, cây cối đâm chồi nảy lộc; lòng người rộn ràng, chờ đón những niềm vui.
Để thành công trong hội nhập, để kết nối có hiệu quả với nền kinh tế toàn cầu hóa, vào các chuỗi giá trị toàn cầu, chúng ta phải tạo ra các tiền đề vật chất cho sự lan tỏa các chuỗi giá trị vào Việt Nam một cách thuận lợi và nhanh chóng. Một trong những tiền đề vật chất đó là củng cố Nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật, là hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống pháp luật.
Tôi còn nhớ, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ được ký kết vào tháng 7 năm 2000, sau một quá trình dài đàm phán cam go phức tạp. Đây là Hiệp định đầu tiên Việt Nam chấp nhận “chơi” với thế giới theo luật chơi quốc tế (theo WTO tức là theo luật chơi của nền kinh tế tự do tư bản chủ nghĩa).
Xuân Tân Tỵ năm 2001, Hiệp định có hiệu lực thi hành, Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành tổng rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam, đối chiếu với các cam kết trong Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, đề xuất chương trình xây dựng luật trình Quốc hội.
Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 48/2001/QH10 về “Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo lộ trình của Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ” và đó là cơ sở để lập chương trình xây dựng luật pháp của Quốc hội khóa XI (2002-2007). Theo đó, Việt Nam phải xây dựng mới, bổ sung, sửa đổi 137 dự án luật, pháp lệnh và Nghị quyết trong tất cả các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật, quốc phòng an ninh, hình sự, dân sự, hành chính…
Thực tiễn thực thi luật pháp vừa qua nhắc nhở chúng ta rằng, luật pháp của ta còn nhiều bất cập, năng lực cán bộ thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế.
Trên thương trường quốc tế, ta còn yếu. Sau ngày ký Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ và gia nhập WTO, hàng hóa Việt Nam thỉnh thoảng rơi vào các vụ kiện chống phá giá, đặc biệt là trên thị trường Mỹ. Với những vụ kiện như vậy, người Mỹ luôn xử lý gọn, vì Hoa Kỳ đã có Luật Chống phá giá từ năm 1916, nghĩa là họ đã có cả 100 năm thực thi, có bề dày kiến thức, kinh nghiệm, họ đã có cả một đội ngũ luật sư, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người để tư vấn, điều tra, khởi kiện… trong khi đó, gặp các vụ kiện với nước ngoài như vậy, Việt Nam ta chủ yếu thuê tư vấn nước ngoài; và có lẽ cũng còn lâu lâu nữa ta mới tự xử lý được.
Sắp tới đây, khi tham gia các Hiệp định MDTD thế hệ mới; Việt Nam còn gặp nhiều vấn đề phức tạp hơn, càng phải phấn đấu nhiều hơn.
Ký Hiệp định TPP và cả Hiệp định MDTD Việt Nam - EU, Việt Nam phải chấp nhận tháo gỡ mọi rào cản thương mại, tự do hóa tối đa các hoạt động đầu tư, kinh doanh dịch vụ, chấp nhận yêu cầu cao về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, vệ sinh dịch tễ… Việt Nam phải cam kết xử lý các vấn đề nhạy cảm như: doanh nghiệp Nhà nước phải minh bạch công khai hoạt động kinh doanh, kinh doanh phải theo tiêu chí thị trường, bình đẳng tiếp cận các nguồn lực, quyền lập hội, công khai mua sắm công…
Rõ ràng chúng ta còn phải bổ sung, điều chỉnh rất nhiều quy định trong hệ thống luật pháp của ta để phù hợp với môi trường hội nhập.
Thêm nữa, Việt Nam còn phải vượt qua nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật. Ví dụ, trong TPP, vấn đề giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và Nhà nước nhận đầu tư quy định như sau: Nhà đầu tư có quyền đưa ra trọng tài quốc tế kiện Nhà nước nhận đầu tư mà không cần sự chấp thuận của Nhà nước đó, trong đó có thể có cả “Khiếu kiện tiền dự án”, “Khiếu kiện không vi phạm” khi Nhà nước nhận đầu tư (cả Trung ương và cả địa phương) ban hành một chính sách gây thiệt hại cho nhà đầu tư, thậm chí chỉ tổn hại đến “Kỳ vọng về lợi ích hoặc lợi nhuận”...
Xuân đang về, cũng như những người hoạt động trong ngành tư pháp, cả nước đang mong chờ, chờ một mùa xuân hội nhập thành công.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta sẽ có chương trình hành động, riêng trong lĩnh vực luật pháp, với khí thế mùa xuân, chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng, củng cố một Nhà nước pháp quyền, một quốc gia thượng tôn pháp luật, mà cụ thể có ba việc phải làm:
Thứ nhất: Phải hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống pháp luật.
Hầu hết các quốc gia tham gia các Hiệp định mà Việt Nam sắp ký kết, đều có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và hiện đại. Hệ thống pháp luật của họ đã là hành lang pháp lý vận hành nền kinh tế toàn cầu hóa, đủ mạnh để bảo vệ lợi ích quốc gia và lợi ích công dân của họ ở bất cứ nơi nào, đủ mạnh để cho doanh nghiệp nước họ làm giàu trên đất nước mình và bất cứ nước nào trên thế giới.
Có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và hiện đại, Việt Nam mới hy vọng bảo vệ được lợi ích của mình, tạo được môi trường kinh tế phù hợp, khai thác được những lợi thế của kinh tế toàn cầu hóa đem đến. Nếu không, ta sẽ rơi vào thế bất lợi, Việt Nam sẽ chịu nhiều thua thiệt hoặc chỉ có thua không có thắng.
Thứ hai: Củng cố các tổ chức hỗ trợ tư pháp làm chỗ dựa cho các doanh nghiệp trong hội nhập như: Xây dựng một hệ thống tư pháp mạnh; Xây dựng một hệ thống trọng tài mạnh; Xây dựng một hệ thống các cơ quan hỗ trợ tư pháp mạnh (Hội Luật gia, Công chứng, Giám định); Xây dựng một hệ thống thông tin pháp luật tốt; Đào tạo đội ngũ chuyên gia pháp luật giỏi, hình thành mạng lưới các tổ chức tư vấn pháp luật giỏi.
Thứ ba: Phải xây dựng bằng được “Văn hóa sống và làm việc theo pháp luật”.
Người dân phải hiểu biết luật, sống theo pháp luật, phải biết tôn trọng pháp luật, phải biết sợ khi làm trái luật, có ý thức tránh những việc làm trái luật.
Doanh nghiệp kinh doanh phải theo pháp luật, biết sợ, biết tránh làm trái luật, phải biết loại ra khỏi đầu ý nghĩ, lòng ham muốn lách luật, trốn thuế, tìm kẽ hở pháp luật để trục lợi.
Cơ quan Nhà nước ban hành văn bản pháp luật phải đúng luật.
Công chức Nhà nước phải nắm luật để hướng dẫn thi hành, phải đôn đốc kiểm tra, thường xuyên kiểm tra. Ở đâu sai, người phụ trách việc đó phải xuống tận nơi xử lý (không thể lúc nào cũng lập hết ủy ban này, ủy ban nọ, đoàn kiểm tra lớn, đoàn kiểm tra bé. Thế giới không làm vậy).
Tòa án chiểu theo luật mà xử, xử đúng luật, đúng người, đúng tội...
Sống và làm việc theo pháp luật là thứ văn hóa phổ cập toàn cầu, không có lý do gì ở Việt Nam lại làm khác.
Nguyễn Đình Lương
(Nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ)