Xuôi A Lưới vui Tết Aza Koonh
Khi những nương rẫy bông đã chín vàng, từ mùng 6/11 đến 24/12 âm lịch hằng năm, đồng bào các dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Cô (ở huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế) cũng bắt đầu mùa lễ hội quan trọng nhất trong năm - đó là Tết Aza Koonh, còn gọi là “Lễ mừng lúa mới” - tín ngưỡng dân gian đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Thượng úy Phạm Thái Sơn, đội trưởng đội vận động quần chúng đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, huyện A Lưới cho biết, những ngày này, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị cũng xuống vui lễ với bà con, rồi bà con lại lên đồn đón tết cổ truyền cùng bộ đội nên không khí rất vui vẻ, đoàn kết. Điều quan trọng nhất trong lễ hội Aza Koonh dù ở các gia đình hay các thôn, làng bản, đó là nghi thức cúng cơm mới. Bên mâm cỗ cúng cơm mới, những điệu hát truyền thống vang lên, như sợi dây văn hóa, tâm linh kết nối các thế hệ, cảm ơn các Giàng (thần linh) đã đem lại mùa màng no ấm… Đó cũng là cách mà đồng bào dân tộc tại A Lưới truyền dạy văn hóa truyền thống, tôn trọng bậc bề trên, uống nước nhớ nguồn cho những thế hệ tiếp theo.
Điểm đặc biệt chính là những lễ vật trên mâm cỗ dâng lên Giàng. Lễ vật gồm có chuột rừng, thịt lợn, cá suối, gà trống luộc, cơm nếp được nướng trong ống tre, rượu đoác…, thú vị nhất là bánh truyền thống A Quát, vải dzèng, và "tâng họt"- một loại hoa làm từ tre…
|
|
Các dòng họ người Pa Ko dâng lễ cúng trong ngày tết Aza Koonh. Ảnh: Hữu Phúc |
Ngược Mường Nhé đón Tết hoa
Ở vùng biên huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, đồng bào Cống hàng năm vẫn đều đặn duy trì việc tổ chức Tết hoa mào gà, còn được gọi là “Mền loóng phạt ái” (đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2019).
Anh Lò Văn Thắng - Trưởng bản Nậm Kè 1, xã Pa Thơm (huyện Điện Biên) phấn khởi khoe, năm nay, cả bản ai cũng được mùa, lại được Bộ đội Biên phòng hỗ trợ nhiều nên đón Tết no ấm hơn mọi năm. Những năm qua, cán bộ Biên phòng cùng với chính quyền địa phương đã tích cực xuyên rừng đến các mỏm đồi để khảo sát, giúp đỡ và tuyên truyền, vận động bà con cùng xây dựng mô hình trang trại, chăn nuôi, trồng rau xanh. Đồng bào Cống tại xã Pa Thơm được hỗ trợ cơ sở hạ tầng, tư liệu sản xuất, chăn nuôi. Đến nay, 100% trẻ em trong bản đã được đến trường và hỗ trợ tiền ăn hàng tháng.
Khi vào lễ Tết hoa, già làng kiêm thầy cúng của bản chọn một ngày tốt để phát lệnh cấm bản, người trong bản không ra ngoài và người ngoài bản không được vào trong. Từ sáng sớm, các gia đình cử người lên nương rẫy hái hoa mào gà để mang về trang trí trên cây tre dựng giữa nhà thầy cúng và kết một vòng hoa tròn đầy treo trên cây sào gác ở chính giữa nhà mình.
Lễ vật dâng lên gồm 1 con gà trống và 1 chai rượu, đến góp lễ cúng chung. Trên đầu cây tre, những bông hoa mào gà được buộc chặt mang biểu tượng cây cầu nối âm dương. Thầy cũng đọc bài khấn bằng tiếng Cống, kính cáo các thần linh, tổ tiên về mừng Tết hoa cùng con cháu và thay mặt dân bản báo cáo tình hình mùa màng, chăn nuôi, xin thần linh, tổ tiên tiếp tục phù hộ cho năm mới hanh thông, bình an.
Kết thúc lễ cúng chung, các gia đình về lại gian bếp cúng nhà mình để thực hiện các nghi lễ tâm linh. Với các lễ vật quen thuộc như thịt, cá sấy, hoa mào gà, gà hoặc vịt sống, người già trong nhà chủ trì lễ cúng, cẩn cáo thần linh, tổ tiên rồi cắt tiết gà, dùng lông cánh chấm máu gà lên trán trẻ nhỏ để tổ tiên bảo vệ con cháu mình. Xôi trắng được nắm thành từng nắm nhỏ đặt lên đầu mọi người dự lễ để mời hồn ngự trị trên đầu ăn Tết. Đến phần hội, từ người già đến con trẻ đều tưng bừng trong điệu múa vui, mỗi nhịp múa lại ném ra những hạt thóc giống, ngô giống trùm lên mọi người như những hạt mưa, là lời cầu phúc năm mới vạn vật sẽ sinh sôi nảy nở.
|
|
Bộ đội Biên phòng và Công an thị trấn Phố Bảng (Đồng Văn, Hà Giang) tuyên truyền cho đồng bào Pu Péo về bảo đảm an ninh trật tự trong ngày Tết. |
Lên Đồng Văn “đón giọng gà”
Trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), cộng đồng người Pu Péo hiện chỉ có chưa đầy 800 nhân khẩu. Bà con lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống khá đặc sắc, trong đó có quan niệm về con gà trống và mặt trời là biểu tượng cho âm dương tương hợp, là nguồn gốc của sự tăng trưởng và phồn thịnh của con người cùng vạn vật trong vũ trụ. Có lẽ cũng bởi quan niệm này nên khi làm nhà, các cột đá kê dưới chân cửa thường được khắc hình con gà trống và lúc giao thừa, để cầu mong may mắn, người Pu Péo còn có tục “đón giọng gà” hay “cướp giọng gà”. Vì quan niệm tiếng gà đánh thức ông mặt trời, để vạn vật âm dương giao hòa nên ai át được tiếng gà thì sang năm mới sẽ hát hay, hạnh phúc.
Ngày cuối năm, đàn ông lên rừng lấy cây “suy sáng phù” về treo trước cửa nhà để xua đuổi tà ma. Phụ nữ sẽ làm “mí uột lặng”, nghĩa là bánh chưng đen để ăn vào tối tất niên kết thúc năm cũ.
Đặc biệt, khi sắp sang năm mới, nhà nào nhà nấy phải cắt cử người canh chừng con gà trống của nhà mình. Tới giao thừa, một người khua gậy vào chuồng gà để lũ gà giật mình táo tác gáy và cả bản nhà nọ tiếp nhà kia nối giọng hát vang bài hát mừng năm mới để át tiếng gáy của gà. Qua giao thừa, người già sẽ làm chủ lễ cúng mừng năm mới với lễ vật là “mí uột lìn”, nghĩa là bánh chưng trắng. Sáng mùng 1, những chàng trai cô gái Pu Péo trong những bộ đồ đẹp nhất sẽ cùng nhau ra suối gánh “nước vàng, nước bạc”. Họ đốt hương cầu nguyện trước khi lấy nước, rồi rải một lớp giấy vàng, 1 lớp giấy bạc vào hai thùng để gánh về. Sau đó, các dòng họ quây quần, đến thăm và chúc tết nhau trong không gian ấm áp của bản nhỏ vùng biên đang giữa tiết Xuân phơi phới.