Trong lịch sử các cuộc thi nhan sắc Việt có không ít người đẹp sau khi đăng quang vướng vào scandal và bị dư luận lên án, đòi tước vương miện. Song đến nay vẫn chưa có chiếc vương miện nào bị tước. Đã thế lại còn có Hoa hậu xin trả lại vương miện nhưng cũng không được chấp thuận vì… chưa có quy định về việc thu hồi vương miện!

 

 Hoa hậu Kỳ Duyên là một trong số những người đẹp sau khi đăng quang bị dư luận đòi tước vương miện
Hoa hậu Kỳ Duyên là một trong số những người đẹp sau khi đăng quang bị dư luận đòi tước vương miện


Khó “đòi” vương miện

Không phải tới thời điểm này, chuyện tước vương miện của một người đẹp nào đó được vinh danh Hoa hậu mới được đem ra mổ xẻ. Có điều bao nhiêu năm qua, dư luận bàn thì cứ bàn, còn chuyện tước hay không và ai chịu trách nhiệm tước vẫn bỏ ngỏ với muôn vàn lý do. Một trong những lý do của sự chần chừ này, như lời nhà thơ Dương Xuân Nam là bởi trong quy chế hiện hành của các cuộc thi sắc đẹp trong nước chưa quy định rõ người đẹp đoạt vương miện Hoa hậu vi phạm gì thì sẽ bị tước vương miện.
 

Vướng vào “scandal”, “Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011” Triệu Thị Hà xin trả lại vương miện nhưng không được chấp thuận
Vướng vào “scandal”, “Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011” Triệu Thị Hà xin trả lại vương miện nhưng không được chấp thuận


Cũng theo ông Dương Xuân Nam thì ở các nước khác, việc tước vương miện thuộc thẩm quyền của Ban tổ chức cuộc thi. Cụ thể là Ban tổ chức sẽ xây dựng quy chế rõ ràng về việc Hoa hậu vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức như thế nào, ở mức độ ra sao thì sẽ bị tước vương miện. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được thực hiện ở các cuộc thi sắc đẹp Việt Nam.

Như ở cuộc thi “Hoa hậu Việt Nam”, các thí sinh lọt vào vòng chung khảo sẽ ký cam kết với Ban tổ chức. Cam kết này gồm 10 điều, trong đó có việc phải làm sao để giữ gìn hình ảnh nếu đăng quang Hoa hậu, còn không sẽ bị xử lý bằng hình thức thích hợp và không ngoại trừ khả năng bị tước vương miện. Mặc dù vậy, đó chỉ là bản cam kết, chứ quy chế với những điều khoản cụ thể rõ ràng thì chưa có. Vì thế bản thân đơn vị tổ chức cũng gặp vướng mắc trong việc xử lý vi phạm của người đẹp sau khi đăng quang.

Có một thực tế là nhiều năm gần đây, bên cạnh những sân chơi Hoa hậu lâu đời và diễn ra đều đặn như “Hoa hậu Việt Nam”, có không ít cuộc thi sắc đẹp mới được khai sinh và tổ chức bập bõm. Sau khi trao giải, Hoa hậu gây ra “scandal” mà người ta ngơ ngác không biết xử trí thế nào và xử lý ra sao bởi đơn vị tổ chức đã tự giải tán sau đêm chung kết(?!). Về điều này, ông Dương Xuân Nam cho rằng đó không thể xem là lý do bởi đơn vị nào đã đứng ra tổ chức thì phải có trách nhiệm đến cùng.

“Sai thì tước,việc gì phải ngại!”

Cũng bởi chưa được quy định rõ ràng trong quy chế nên chuyện tước vương miện Hoa hậu cho đến hiện giờ vẫn chỉ là phản ứng từ phía dư luận theo kiểu người đòi tước, người lại bảo không. Những phản ứng này theo bà Thúy Nga - Giám đốc Công ty đào tạo người mẫu Elite, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi “Hoa khôi Áo dài Việt Nam” là vẫn dựa vào cảm tính, mà đã là cảm tính thì rất khó phân định đúng sai.

Cũng theo bà Thúy Nga thì ngay cả khi vấn đề gây tranh cãi này được đưa vào quy chế cũng chưa chắc đã dễ xử lý. Nói vậy là bởi thông thường, một trong những căn cứ để xác định có tước vương miện của một Hoa hậu hay không là xem xét đến yếu tố vi phạm đạo đức của người đẹp đó, trong khi phạm trù này lại rất mơ hồ.

Đơn cử như chuyện Hoa hậu Kỳ Duyên bị phát tán một số hình ảnh không hay trên mạng xã hội, nhưng những hành vi này, theo đại diện Công ty Elite, rất khó để quy là vi phạm phạm trù đạo đức, minh chứng là ngay trong dư luận cũng có hai luồng ý kiến trái ngược nhau về việc này.

Đại diện Công ty Elite khẳng định ngay khi tổ chức cuộc thi “Hoa khôi Áo dài Việt Nam”, đã xác định rất rõ rằng, sẽ tước vương miện nếu thí sinh vi phạm. Nói như lời bà Thúy Nga thì nếu người đẹp đoạt giải vi phạm thì sẽ phải giải trình với Ban tổ chức, sau đó những người có trách nhiệm tổ chức ra cuộc thi này sẽ họp bàn và thống nhất hình thức xử lý cuối cùng, nếu đa số tán thành việc tước vương miện thì chắc chắn người đẹp sẽ phải trả lại vương miện. Lý do khiến đơn vị này làm mạnh tay, theo bà Thúy Nga là bởi càng minh bạch rõ ràng, cuộc thi do đơn vị mình tổ chức sẽ càng có uy tín.

Dù nói vậy nhưng trên thực tế, việc tước vương miện vẫn là chuyện mà dường như các đơn vị tổ chức rất ngại “động” đến, ngay cả khi Hoa hậu vi phạm pháp luật rành rành như “Hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007” Trương Hồ Phương Nga bị bắt để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lại còn chuyện “Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011” Triệu Thị Hà sau những lùm xùm quyết định viết đơn xin trả lại vương miện nhưng cũng không được chấp thuận. Lý do mà đơn vị tổ chức đưa ra thường là chưa có quy định nào về việc tước vương miện.

Cái dở thì đã rõ, vướng mắc cũng đã được tỏ, nhưng vẫn chưa có cơ chế nào về việc hủy bỏ danh hiệu với người đẹp vi phạm được xây dựng. Vì thế mới có chuyện đã là Hoa hậu thì dù vi phạm thế nào, vẫn cứ đội trên đầu vương miện, đòi cũng khó, mà tự trả cũng không xong!
 

Theo An ninh thủ đô

.