Một chút phẫn nộ cùng rất nhiều chua chát khi người ta phải chứng kiến hình ảnh những học trò của Park Hang-seo nhắm mắt, cúi mặt ngượng ngùng trước màn trình diễn bikini quá lố trên phi cơ VJA. Hình ảnh đó đối nghịch hoàn toàn với khoảnh khắc HLV người Hàn Quốc quát các học trò “không được cúi đầu” dù thất bại trong cơn mưa tuyết ở Thường Châu. U23 Việt Nam đã chứng tỏ họ là những chiến binh tuyệt vời dù tuổi còn rất trẻ. Nhưng chiến tích ấy, những vẻ đẹp trong trẻo của những chàng trai ấy đã phần nào bị nhuốm màu bởi "màn PR" - sự khai thác truyền thông rẻ tiền.

Rõ ràng, thật bất ngờ khi với tầm cỡ của mình, VJA lại tạo ra một scandal khó tưởng tượng đến vậy. Trong bối cảnh này, lời xin lỗi từ đại diện Hãng hàng không lại càng như “thêm dầu vào lửa” với cách nhận lỗi thiếu cầu thị. Đổ lỗi hoàn toàn cho bộ phận hậu cần cùng dàn người mẫu bikini, yêu cầu báo chí không mở rộng thông tin - đó là cách làm không chỉ thiếu chuyên nghiệp trong xử lý khủng hoảng truyền thông. Trên hết, phần nào đó còn là cách hành xử thiếu tôn trọng người hâm mộ U23, những người cũng góp một phần công sức vào thành công vang dội của đội tuyển.

Trên hàng loạt các trang mạng thể thao quốc tế, những hình ảnh mà VJA tạo ra với U23 của chúng ta đã gây ra một hiệu ứng khó kiểm soát. Với nhiều người, không chỉ đẩy thầy trò ông Park vào thế khó xử, VJA còn phải chịu trách nhiệm khi để hình ảnh đáng tự hào của người phụ nữ Việt Nam bị xúc phạm bởi sự PR quá lố. 

Người hâm mộ bóng đá Việt Nam vui mừng bao nhiêu, tự hào bao nhiêu bởi lứa cầu thủ xuất sắc nhưng đầy khiêm nhường của ông Park, thì họ lại có quyền thất vọng bấy nhiêu với cách làm truyền thông của VJA. Chúng ta đã có thừa những bi kịch từ cách quản lý, giáo dục không đến nơi đến chốn của người làm bóng đá với các cầu thủ trẻ. Giờ đây, sau sự chung tay góp sức của biết bao con người tâm huyết, các chàng trai của U23 còn phải đối mặt với những “hiểm họa” khác. Đó là sức hút cám dỗ từ con dao 2 lưỡi của truyền thông, là những thú vui tuổi trẻ, là những định hướng lệch lạc từ biết bao bóng ma lẩn khuất trên mạng xã hội. Và nguy hiểm nhất, chính là sự thờ ơ của “người lớn”, những tập đoàn triệu đô luôn giấu trong tay áo những cú áp phe thương hiệu, hay cả những tỷ phú đôla sẵn sàng đánh bóng tên tuổi mình.

Ở khía cạnh nào đó, lời xin lỗi của VJA là không đủ để xóa đi vết hằn họ tạo ra với U23 Việt Nam. Đây không phải lần đầu tiên Hãng hàng không này thể hiện thứ văn hóa truyền thông đầy tranh cãi với “đặc sản bikini”. Nhưng lần này, họ đã đi quá xa và rất có thể sẽ phải nhận cái giá rất đắt khi tự bắn vào thương hiệu của mình. Những thứ văn hóa “khuyết tật”, kỳ dị và gây sốc có thể tạo ảnh hưởng nhất thời, nhưng chắc chắn không một doanh nghiệp nào có thể xây dựng thương hiệu bất chấp thuần phong mỹ tục, bất chấp dư luận.

Lúc này, hơn ai hết, các cầu thủ U23 Việt Nam mới chính là những người không muốn nhắc tới những gì xảy ra trên chuyên cơ trở về Tổ quốc. Hy vọng các em sẽ nhớ tới những vòng tay của người hâm mộ, những lá Quốc kỳ ở mưa tuyết Thường Châu, chứ không phải là cảm giác gượng gạo, khó xử trước màn trình diễn quá lố được tạo ra từ một Hãng hàng không mang tên “GIÁ RẺ”.

Cường Lê