Nhân kỳ Đại hội Nhà văn TP.HCM sẽ diễn ra vào giữa tháng 6/2015, Báo Người tiêu dùng chọn đăng chuyên đề “làm thế nào để phát triển văn học TP.HCM” với nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà văn. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

 


Trong tâm thế của tư duy được giải phóng, những chủ thể sáng tạo của thành phố, bao gồm nhiều nguồn nhà văn với các thế hệ khác nhau: những nhà văn trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Pháp, những nhà văn thế hệ chống Mỹ, những nhà văn giải phóng, những nhà văn từ các đô thị miền Nam, những nhà văn trẻ thế hệ thứ tư trưởng thành sau 30/4... đã sát cánh bên nhau trong tinh thần hòa hợp dân tộc, tạo ra một đội quân hợp thành, phô trương sức mạnh của một nền văn học mới yêu nước và tiến bộ. Với một hệ thống bà đỡ mát tay: Nhà xuất bản Văn nghệ TP.HCM, nhà xuất bản Trẻ, nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, nhà xuất bản Măng Non; Và các cơ quan thông tin đại chúng đứng đầu cả nước như Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao động, Phụ nữ TP.HCM...Văn học TP.HCM, với nhiều nhà văn tên tuổi trên văn đàn, đã để lại hàng loạt tác phẩm có giá trị nhân sinh và nghệ thuật, mang đặc trưng tiêu biểu cho văn học vùng đất Bến Nghé-Đồng Nai, làm nên những dấu ấn độc đáo trong dòng chảy văn học cả nước.

Nhưng những năm gần đây, tiếc thay, TP.HCM, đã để mất vai trò của một trung tâm văn học của toàn vùng. Rất nhiều năm chúng ta thiếu những tác phẩm có tầm cỡ, có sức tác động cao đến bạn đọc như những năm đầu giải phóng hay thời kỳ đổi mới. Nhiều cây bút chủ lực tuổi cao sức yếu nhưng cũng có nhiều cây bút lực vẫn cao song đã vơi cảm hứng sáng tạo. Do mất vị trí trung tâm, văn học TP.HCM mất luôn vai trò tập hợp các nhà văn khu vực và cả nước. Và vì thế không thể giữ vai trò góp phần định hướng cho sự phát triển văn học vùng đất phía Nam, mặc dù vẫn còn đó ưu thế riêng của một đô thị lớn có tiềm lực kinh tế và một đội ngũ nhà văn đông đảo, có nhân cách, giàu tâm huyết và tài năng.

Thử tìm nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình trên. Trước hết, những năm sau giải phóng, những năm đầu đổi mới, môi trường sáng tác có vẻ đã mất đi chất men say lãng mạn của sáng tạo. Vì sao vậy? Đơn giản là vì không khí xã hội đã thay đổi. Tiến trình đổi mới và dân chủ hóa xã hội mở ra những kỳ vọng lớn đang chậm lại và có lúc, có nơi, thậm chí bị đảo ngược. Những chính sách về nghệ thuật tỏ ra bất cập không theo kịp sự phát triển của kinh tế thị trường. Những khiếm khuyết trong cơ chế quản lý xã hội chậm được sửa đổi. Một bộ phận cán bộ quản lý năng lực không ngang tầm trách nhiệm, đã thể hiện sự bất lực trong việc cho ra đời các chính sách kinh tế xã hội, hoặc cho ra đời những chính sách không gắn với thực tiễn và không hợp lòng dân. Một bộ phận không nhỏ đảng viên suy thoái về đạo đức và lý tưởng như nghị quyết trung ương 4 đã xác định. Nạn tham những, quan liêu, tiêu cực diễn ra vượt ngoài tầm kiểm soát trong khi cơ chế chống tham nhũng lại thiếu hiệu quả. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng ra làm gia tăng bất công xã hội. Đời sống một bộ phận nhân dân, nhất là những người lao động hết sức khó khăn. Bức tranh tổng thể xã hội với nhiều gam màu xám đã làm giảm lòng tin của nhân dân vào chế độ, và đến lượt mình nó đã tác động trở lại các chủ thể thẩm mỹ, bộ phận nhạy cảm nhất trong cơ thể xã hội, làm giảm cảm hứng sáng tạo của người sáng tác.

Không thể chối cãi được rằng, nền kinh tế thị trường đã thổi một làn gió mới vào đời sống đất nước trong đó có sáng tác nghệ thuật. Tư duy nghệ thuật đã thực sự thoát khỏi những công thức gò bó, giáo điều, những định hướng máy móc thô sơ. Nền nghệ thuật, trong đó có văn học trở nên sinh động, đa chiều, đa diện, đa thanh hơn. Phương pháp sáng tạo văn học cũng đa dạng, phong phú hơn, không phụ thuộc vào những mô thức nghệ thuật định sẵn. Nhưng quy luật thị trường với mục đích lợi nhuận tối đa và khuynh hướng tôn sùng giá trị kinh tế là trên hết đã tác động mạnh mẽ lên hoạt động văn hóa, nhất là hoạt động xuất bản, nơi phổ biến tác phẩm của các nhà văn. Hội nhập và mở cửa, bên cạnh việc tiếp nhận tinh hoa của văn hóa nhân loại cũng tiếp nhận ồ ạt những sản phẩm văn hóa tiêu dùng, đầy màu sắc và hấp dẫn người đọc, nhất là bạn đọc trẻ.

Có thể nói không ngoa rằng, hoạt động xuất bản bị bỏ rơi, mất phương hướng, chậm thay đổi đã bị thị trường ăn tươi nuốt sống. Tồn tại lay lắt, các nhà xuất bản buộc phải cắt bỏ lương duyên với các chủ thể sáng tạo và tìm những sản phẩm khác để có thể tồn tại cầm hơi và nuôi sống mình. Các phương tiện thông tin đại chúng, đất diễn còn lại của sáng tạo nghệ thuật, vì nhiều lý do, cũng thờ ơ với việc phổ biến, giới thiệu tác phẩm văn học. Mất động lực sáng tạo, tác phẩm sáng tác ra không có đất phổ biến, đây cũng là một lý do khiến vụ mùa văn học, trong đó có văn học TP.HCM thất bát ngay trên sân nhà.

Không chỉ không có đất diễn, văn học còn phải đối mặt với một bài toán khó về công chúng. Công chúng nghệ thuật thời thị trường, có nhiều nhu cầu hơn và cũng nhiều sự lựa chọn hơn. Với sự phát triển như vũ bão của các phương tiện nghe nhìn, nhu cầu giải trí tức thời đã làm lu mờ các nhu cầu khác, trong đó có nhu cầu đọc sách văn học. Trong điều kiện kinh tế thị trường, thu nhập có hạn, người ta quan tâm đến việc trau dồi tri thức, nghề nghiệp, làm ăn hơn là nhu cầu thưởng thức văn học.

Thời hoàng kim của xuất bản, với những cơn sốt như  “đứng trước biển”, “ Cù Lao Tràm”, “ Ngọc trong đá”... không bao giờ trở lại. Với một bộ phận công chúng yêu văn học, thị hiếu cũng khác trước. Nhu cầu mới trong thưởng thức và cả những sai lầm thả nổi định hướng thẩm mỹ vĩ mô khiến thị hiếu một bộ phận công chúng thay đổi. Người ta quan tâm đến xu hướng giải trí đơn thuần hơn là tìm đến những chức năng khác của nghệ thuật. Tác phẩm văn học, không đi theo hướng này, sẽ khó được đón nhận. Không có công chúng, nghĩa là sách không bán được, nhà văn không có động lực kinh tế để sống và sáng tác. Không có sự cổ vũ của công chúng, bầu dưỡng khí thiết yếu để nuôi sống cảm hứng sáng tạo -   động lực tinh thần cuối cùng của kẻ sáng tạo cũng bị dập tắt.

Và phúc bất trùng lai... các nhà văn thành phố còn có một khó khăn riêng: bị cắt đứt cây cầu nối với đời sống đương đại. Ngoại trừ những nhà văn hoạt động trong lĩnh vực báo chí, đa số các nhà văn còn lại, hoặc tuổi cao đã rời công việc, hoặc đang hành nghề nhưng sống biệt lập trong các nghề nghiệp chuyên sâu; có vẻ như bị tách ra khỏi dòng chảy công cuộc làm ăn đầy sôi động của thành phố. Đường hướng phát triển thành phố trong tương lai, những chủ trương, chính sách lớn của thành phố về phát triển kinh tế xã hội gần như không đến được với đông đảo các nhà văn. Đa số chủ thể sáng tạo bị cắt mối liên hệ với những hoạt động lao động sản xuất, những phát kiến mới trong xây dựng và phát triển, những cuộc cách mạng trong đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và cả khí thế lao động hào hứng của nhân dân.

Vai trò của Hội nghề nghiệp chậm đổi mới, bị đóng khuôn trong những hoạt động có tính hành chánh đã không làm được chiếc cầu nối quan trọng giữa nhà văn và hiện thực thẩm mỹ mới, với những hoạt động xã hội đầy màu sắc ở TP.HCM. Các nhà văn thiếu sự hỗ trợ của cơ chế kết nối với các nhà xuất bản, với các phương tiện thông tin đại chúng, trong khi hội lại không có một ấn phẩm để mở một đầu ra cho các tác phẩm văn học. Sự liên kết lỏng lẻo giữa hội và các hội viên, không tập hợp được sức mạnh của đông đảo nhà văn, tận dụng khả năng kinh tế và chất xám của đội ngũ... cũng là một trong những nguyên nhân khiến văn học thành phố không có những đột phá mới trong văn học đỉnh cao.

Tập trung cho phát triển kinh tế, có vẻ như chúng ta đã quên đi vai trò động lực của văn hóa đối với sự phát triển. Tư duy phát triển văn hóa nghệ thuật không theo kịp sự phát triển của thực tiễn, đặc biệt là tư duy đầu tư. Một nền văn học phát triển không nhất thiết phụ thuộc vào điều đó, nhưng trong điều kiện kinh tế thị trường, nhìn ra các nước xung quanh, không có đầu tư, văn học sẽ khó có thể bứt phá. Muốn kinh tế phát triển phải có đầu tư, phát triển văn hóa cũng không ra ngoài quỹ đạo đó. Nói một cách công bằng, so với các địa phương trong cả nước, TP.HCM chi ngân sách cho văn hóa vào loại cao nhất nước. Nhưng đầu tư cho văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là văn học không cân đối với đầu tư kinh tế và chưa tương xứng với một trung tâm văn học vào loại lớn nhất nước.

Phương thức vẫn là cách chia đều thời bao cấp theo kiểu trợ cấp xã hội, thiếu hẳn một chiến lược dài hạn, những đột phá uy lực. Không có những chính sách để kích thích tài năng, những cuộc vận động sáng tạo lớn để hâm nóng cảm hứng cho các chủ thể thẩm mỹ. Là một đô thị nhạy bén, đi đầu trong đổi mới nhưng chúng ta lại thiếu những chính sách kiểu mở cửa, xé rào trong văn hóa, để tạo cú hích cho văn học nghệ thuật kiểu như tận dụng nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động sáng tạo. Chưa quan tâm tìm hiểu, chọn lọc, kế thừa những bài học của các nước trong việc phát triển song hành kinh tế cùng văn hóa, lấy văn hóa thúc đẩy kinh tế và ngược lại lấy kinh tế thúc đẩy văn hóa, lấy đầu tư văn hóa đi trước một bước trong phát triển kinh tế xã hội.

Vậy phải làm gì để phục hưng văn học TP.HCM. Câu hỏi không dễ nhưng buộc phải trả lời và là công việc đòi hỏi nỗ lực từ nhiều phía.

 

Theo Người tiêu dùng

.