(BVPL) - Quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội khẳng định sẽ tiếp tục xây dựng công trình Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm, mặc dù theo dư luận và báo chí phản ánh là ảnh hưởng đến quy hoạch xung quanh Hồ Gươm. Mới đây, khi thông tin với báo chí, quận Hoàn Kiếm cho rằng, đã đảm bảo đúng các quy định của pháp luật.
 
“Hồ Gươm là trái tim của Việt Nam”. Đó chính là lý do mà Dự án công trình Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm số 2 Lê Thái Tổ khi triển khai xây dựng đã gặp sự phản đối từ nhiều phía: người dân, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam... cùng nhiều tổ chức có tâm huyết với Hà Nội, Hồ Gươm. Trước đó, báo BVPL và một số cơ quan báo chí khác có đăng bài phản ánh những ý kiến của các nhà chuyên môn, nhà sử học, người dân không đồng tình, đề nghị lấy ý kiến người dân trước khi triển khai. Đó là những ý kiến tâm huyết của người dân và hơn hết họ mong muốn có một không gian cho cộng đồng, một vườn hoa gắn kết với công trình kiến trúc lịch sử tôn vinh Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, lịch sử Hồ Gươm. Vậy, cái lý “công trình đã đúng luật” của quận Hoàn Kiếm tại sao không hợp với lòng dân?
 
Khu vực thực hiện Dự án Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm.
Khu vực thực hiện Dự án Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm.
 
Lâu nay, người dân cả nước đã quá buồn với những công trình bê tông hóa biến Hồ Gươm thành một “cái ao làng”. Và giờ đây, mảnh đất cuối cùng còn sót lại ở địa danh thiêng liêng, hào hùng của dân tộc lại đang bị bê tông hóa. Cuộc chiến giành giật lại mảnh đất này cho cộng đồng không phải là của bất cứ cá nhân người dân nào. Đó là cơ hội lịch sử để mỗi chúng ta thể hiện tình yêu, sự tôn kính với Hồ Gươm, để rồi từ đó mở rộng không gian lịch sử cho nơi này.
 
“Cái lý” của quận Hoàn Kiếm đưa ra là phải xây tòa nhà để khu vực này trở nên đẹp đẽ, nhưng giới kiến trúc, lịch sử, người dân lại đặt vấn đề, nơi đây phải là vườn hoa và công trình kiến trúc lịch sử. Cái đẹp của lòng dân và của lãnh đạo TP. Hà Nội luôn có một sự khác biệt. Khối bê tông với điều hòa máy lạnh, hẳn nhiên hiện đại hơn vườn hoa với công trình tôn vinh lịch sử dân tộc. Nhưng nhân dân và lịch sử có cần không sự hiện đại với kiến trúc uy nghi bề thế, nếu nó không phù hợp? Cái họ cần là nơi sinh hoạt cộng đồng, giá trị lịch sử được tôn vinh. Thật buồn, cho đến lúc này, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục có ý nghĩa lịch sử lớn lao, là niềm tự hào của dân tộc, đã đi vào sử sách lại chưa có một tấm bia vinh danh, chưa được xếp hạng di tích. Hà Nội nợ lịch sử, nợ cha ông đã hy sinh để tạo nên Đông Kinh Nghĩa Thục có vị trí trọng đại trong lịch sử dân tộc.
 
Công trình Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm khi xây dựng xong sẽ có tới 2/3 diện tích để cho gần 100 cán bộ, nhân viên Ban Quản lý khu vực Hồ Gươm làm việc. Và như vậy, diện tích trưng bày Thông tin văn hóa Hồ Gươm chỉ còn một góc rất nhỏ. Cái góc nhỏ đó chứa đựng cái gì, có ý nghĩa lịch sử, văn hóa ra sao thì UBND quận Hoàn Kiếm chưa thể công bố. Chỉ thông tin này thôi cũng đủ thấy, đây là trụ sở làm việc chứ không phải là một công trình phục vụ người dân. Nhớ lại năm 2010, trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Ban Quản lý này chỉ có khoảng chưa tới 10 người, thế nhưng, sau 4 năm, con số này đã lên đến 100 người. Phải chăng, bộ máy “phình” ra gấp 10 lần này đang đi đi ngược lại chủ trương tinh giản biên chế của Chính phủ, và công việc của gần 100 con người này có thể sẽ là bảo vệ, quản lý Hồ Gươm hay là nhân viên bàn giấy...?
 
Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội không thể chỉ vì “cái lý” của riêng mình mà bỏ qua làn sóng phản đối dữ dội, vì trách nhiệm với lịch sử, vì cái đẹp chung của xã hội. Không thể vì cái lý của riêng mình, mà tạo nên món nợ với lịch sử và những nếp nhăn trong suy nghĩ, trong lòng tin của người dân.
 
Đức Thắng
.