(BVPL) - Nhắc tới Văn Thơ người ta nghĩ ngay tới một họa sĩ tài ba - một Picasso Việt Nam. Nhưng Văn Thơ không chỉ là một họa sĩ, ông là người đã vẽ nên “Thành phố sông Hồng” trên một dự án cùng tên. Đây là một dự án được đánh giá cao và có tính khả thi rất lớn. Mà theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vĩnh Phúc: “Cứ tưởng một họa sĩ dù tài danh như Văn Thơ thì sao mà bàn về một vấn đề trị thủy, tức vấn đề khoa học về cường độ, biên độ lũ, lưu lượng dòng chảy sự sói bồi rồi lòng dẫn, kè cứng, kè mềm… Nhưng sau khi được dự mấy cuộc hội thảo về dự án Văn Thơ do Báo khoa học và đời sống tổ chức thì tôi đã bàng hoàng và ngộ ra một điều người xưa đã nói: hữu chí cánh thành… Hai vấn đề trị thủy và di dân thì dự án Văn Thơ trội hơn dự án Seoul”. 
 
 
Theo dự án của ông thì Thành phố sông Hồng sẽ quy hoạch trên diện tích mặt bằng quỹ đất khoảng 8.000 ha nằm trong phạm vi bãi sông từ đê cũ đến đê mới của dự án. Quỹ đất này gấp 4 lần dự án của Hàn Quốc. Trước tiên xây dựng trên những khu đất trống (không phải giải phóng mặt bằng) những chung cư cao tầng để dãn dân trong phạm vi từ đê mới ra phía lòng sông. Với quy mô khá lớn, dự án có chiều dài 65km. Dự án thực hiện trên sông Hồng từ Thượng Cát đến Chanh Khúc (40km) và trên sông Đuống từ ngã ba sông Hồng - sông Đuống đến hết Trung Mầu (25km). 
 
Dự án được tính kỹ lưỡng từ giải pháp kỹ thuật đến việc giải phóng mặt bằng. Về giải pháp kỹ thuật, họa sĩ cho rằng nên mở rộng và nắn lòng dẫn chính (lòng sông mùa cạn và mùa nước trung) của sông Hồng và sông Đuống. Bảo đảm lòng dẫn chính của sông Hồng rộng trên dưới 900m. Sông Đuống rộng trên dưới 300m. Lòng dẫn chính này sẽ bảo đảm tiêu thoát lũ bù cho phần lũ trước đây phải chảy trên các bãi sông. Đối với hai bên bờ sát mép lòng dẫn chính sẽ xây dựng kè bê tông kiêm đại lộ thay cho đê mới. Kè có cao độ như tuyến đê kè hiện nay. Bỏ toàn bộ đê cũ, đại lộ sẽ được cấu trúc theo dạng cầu cạn, dưới gầm đại lộ sẽ biến thành bãi đỗ xe (giao thông tĩnh) của thành phố sông Hồng và của nội đô. Việc này sẽ giải quyết cơ bản mặt bằng đỗ xe đang thiếu nghiêm trọng hiện nay. Về việc giải phóng mặt bằng, theo dự án, Thành phố sông Hồng bước một thực hiện triển khai tới 2020 trong phạm vi từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì. Các năm sau đó sẽ triển khai những phần còn lại. Với tính toán chi tiết để mở rộng, nắn sông và làm kè kiêm đại lộ chỉ giới, số dân trước mắt phải di dời khoảng 15.000 hộ tương ứng với 65.000 người. Như vậy, để giải phóng mặt bằng số hộ và người cần di dời theo dự án của Văn Thơ chỉ bằng 1/3 dự án của Hàn Quốc. Số dân nằm bên trong đê mới giữ nguyên, từng bước và từng phần sẽ do dời theo quy hoạch được định sẵn của thành phố sông Hồng.
 
Nếu dự án được triển khai thành công thì thành phố sông Hồng sẽ là một thành phố vừa hiện đại, vừa đa chức năng, vừa thân thiện với môi trường. Nơi đây sẽ trở thành khu đô thị với những tòa nhà cao ốc, những trung tâm tài chính, thương mại, các văn phòng, khách sạn cao cấp, khu dịch vụ, khu văn hóa, khu thể thao, du lịch và vui chơi giải trí soi bóng xuống mặt nước sông Hồng và sông Đuống. Tỷ lệ đất dành cho giao thông, công viên cây xanh của dự án là rất lớn, cộng với chục ngàn ha mặt nước sông Hồng và hồ Tây. Thành phố sông Hồng sẽ là một thành phố thân thiện với môi trường. Với quỹ đất rất lớn, đa số không phải giải phóng mặt bằng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đặt vấn đề đầu tư với phương thức “đổi đất lấy công trình”, tạo ra tính khả thi cao của dự án.
 
Ngoài ra, nếu nghiên cứu kĩ sẽ thấy dự án đã đưa ra được nhiều phương án đáng quan tâm như: phương án nạo vét lòng dẫn, bồi đắp hai bờ và các đảo tạo thành cảnh quan hợp lý và làm đẹp thủ đô; phương án cải tạo đê hai bên bơ sông Hồng, kiên cố hóa mặt đê, tạo kết cấu đê ổn định, mặt đê kiêm đại lộ chạy dọc Sông Hồng, tạo điều kiện cho giao thương thuận lợi và hiện đại để biến Hà Nội thành thương cảng, cảng du lịch, ổn định quanh năm và lâu dài. Chính vì thế, nếu quy hoạch phát triển khu vực Sông Hồng đoạn qua Hà Nội theo ý tưởng của họa sĩ Văn Thơ, Hà Nội sẽ có một thành phố trung tâm “Thành phố sông Hồng” hiện đại, hoa mỹ, có dòng sông trong thế rồng bay tôn vinh cho thủ đô sánh với nhiều thành phố thủ đô lớn trên thế giới. Văn Thơ đã vẽ nên bức tranh “ Thành phố sông Hồng” trong tương lai thật đẹp, đông đúc, hiện đại, đa màu sắc và quan trọng nhất là tính khả thi của công trình. Biết đâu, nếu được thực hiện, đây sẽ trở thành bức tranh sống động, nổi tiếng, trở thành kiệt tác để đời của họa sĩ Văn Thơ - một bức tranh được hiện hữu giữa đời thực.
 
Huong Ly
Dự án này đã được Cục bản quyền tác giả bộ văn hóa thông tin cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả tháng 11 năm 2005 cho dự án “ Thành phố sông Hồng” và tháng 5 năm 2006 cho dự án “ Điều chỉnh dòng chảy của sông Hồng và sông Đuống đoạn chảy qua thủ đô Hà Nội”. Dự án này đã được nhiều người trong giới chuyên môi đánh giá cao và ủng hộ.

 

.