“Xã hội ngày càng phát triển nhưng 15 năm nhìn lại, văn hóa lại ngày càng đi lùi”, GS.TS Hoàng Chí Bảo nói.
|
Thủ Tướng phát biểu tại hội nghị. |
Ngày 08/8, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, các tham luận của các đại biểu đã tập trung đánh giá, phân tích những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra, trong đó nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên trong 10 nhiệm vụ triển khai Nghị quyết TW5 là xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng đây cũng là hạn chế, thách thức lớn nhất hiện nay.
Đó là sự suy thoái về tư tưởng, xuống cấp về đạo đức, tha hóa về lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã và đang gây ra bức xúc trong xã hội… Bài toán bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa đang đứng trước nhiều thách thức, chưa giải quyết tốt giữa bảo tồn và phát triển.
Thất bại trong xây dựng con người
|
Hình ảnh phản cảm tại chùa Bái Đính. |
Ngoài những thành tựu đã đạt được, nhiều tham luận đã chỉ ra những mặt tồn tại cần giải quyết. Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Triết học Hoàng Chí Bảo cho rằng, xã hội phát triển nhưng văn hóa lại ngày càng đi lùi. Văn hóa không phải ở bên ngoài hay bên trên của văn hóa dân tộc mà nó phải trở thành cái tinh túy nhất của văn hóa dân tộc trong điều kiện hiện đại.
Sau 15 năm nhìn lại, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng xây dựng con người là lĩnh vực không thành công nhất trong những lĩnh vực không thành công của nghị quyết TW5. Tinh thần tự cường dân tộc đã đi đâu khi mà ngày nay phần đông người Việt Nam đều sính hàng nước ngoài, từ báo chí, biển hiệu quảng cáo, tiêu dùng….
“Chưa bao giờ, tinh thần đoàn kết lại rệu rã như hiện nay, chưa bao giờ nhóm lợi ích riêng ngang nhiên thách thức lợi chung như lúc này”, ông Thuyết nói.
Hưởng thụ văn hóa tăng, sáng tạo văn hóa giảm
|
GS Hoàng Chí Bảo. |
Ông Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa Lào Cai cho rằng, nhiều năm qua, đầu tư văn hóa cho miền núi không mang tính đặc thù, không phù hợp với vùng cao, miền núi.
Người dân có 2 nhu cầu về văn hóa đó là nhu cầu sáng tạo văn hóa và hưởng thụ văn hóa. Trong 15 năm qua, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân bước đầu được cải thiện và nâng cao, còn nhu cầu sáng tạo văn hóa lại bị mai một.
Ông Sơn lấy ví dụ, người dân tộc thiểu số sinh ra và lớn lên đều được tắm mình trong dòng suối dân ca, khi cất tiếng khóc chào đời, đứa trẻ được nghe người mẹ, người bà ru ngủ bằng các làn điệu dân ca, bằng các lời ru khác nhau. Lớn lên trẻ em được vui chơi với các trò chơi và các làn điệu đồng dao. Khi trưởng thành các chàng trai, cô gái cũng mượn lời ca tiếng hát tỏ tình giao duyên…Như vậy nhu cầu về sáng tạo dân ca là một nhu cầu thường trực trong đời sống của người dân. Nhưng rất tiếc từ khi đổi mới đến nay, với phương tiện thông tin phát triển và với những hình thức dàn dựng, “cải biên, cải tiến”, sự sáng tạo của người dân bị suy giảm.
Thứ nữa, các chương trình dành cho người dân tộc, nhất là chương trình truyền hình chưa phù hợp. Trong khi người dân tộc cũng có khả năng làm chương trình cho dân bản mình xem thì dường như những chương trình truyền hình đang phát dành cho dân tộc thiểu số lại dịch lại từ tiếng Việt, do vậy chưa bám sát được thực tế, người dân tộc xem không thấy được hình ảnh họ trong đó, họ không đồng cảm dẫn tới không xem.
Chính sách cấp báo chí cho thôn xã rất lãng phí, hầu như trưởng thôn, chủ tịch xã không đọc, chỉ cuộn treo gác bếp vì không có thời gian dành cho báo chí. Chính sách bảo tồn di sản văn hóa nặng về bảo tồn nhưng bảo tồn văn hóa phi vật thể thì ít trong khi đặc thù của vùng núi thường là văn hóa phi vật thể.
Nhìn lại những mặt được và chưa được của việc thực hiện Nghị quyết TW5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Những yếu kém không chỉ làm hạn chế sự phát triển kinh tế-xã hội mà còn có thể làm chệch hướng sự phát triển, làm xấu hình ảnh của đất nước, con người, văn hóa Việt Nam. Theo tôi, đây là một nguy cơ, thậm chí còn là nguy cơ của mọi nguy cơ trong bối cảnh chúng ta phải xây dựng và phát triển đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý toàn ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần phải tăng cường hơn nữa vai trò và trách nhiệm quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực đời sống văn hóa xã hội đồng thời tập trung thực hiện nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa Việt Nam văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc, truyền thống dân tộc với những thiết chế văn hóa mới xứng tầm thời đại, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân ta cả trước mắt và mai sau.
Nhà văn Chu Lai: Xét tặng danh hiệu phải công tâm
|
Nghệ sĩ Văn Hiệp được đặc cách xét danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. |
Văn hóa chưa bao giờ bình yên. Nhuận bút nhiều khi bằng không nhưng các nghệ sĩ vẫn miệt mài viết. Cơm áo không đùa với khách thơ, có cho nghệ sĩ một cục tiền bảo sáng tác thì họ cũng không thể bởi không có cảm hứng. Nhưng nếu khi một tác phẩm ra đời bởi tâm huyết của họ, họ lại rất cần sự quan tâm cả tinh thần lẫn vật chất để lại … tái đầu tư. Xét tặng danh hiệu văn hóa phải vô cùng công tâm nếu không nó sẽ như một giọt axit nhỏ xuống một cơ thể đang có chiều mang mầm bệnh.
Giáo sư Lưu Trần Tiêu: Phát triển văn hóa nhưng lại chưa coi trọng đúng mức việc xây dựng con người, chưa làm văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện về nhân cách. Sự xuống cấp về tư tưởng và lối sống như hiện nay chính là do nguyên dân chưa chú trọng xây dựng con người.
|
Theo Tình Lê
Vietnamnet