Mới đây, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã “phải” phát động chiến dịch “Nâng cao hình ảnh du khách Việt”. Điều này cho thấy những hành vi ứng xử của một bộ phận du khách Việt khi ra nước ngoài đang tồn tại rất nhiều vấn đề. Và cũng ngay ở trong nước, người ta vẫn dễ dàng bắt gặp hành vi thiếu văn hóa, thiếu văn minh ở những nơi công cộng.

1. Mỗi năm Nguyễn Mạnh Hùng (35 tuổi, nhân viên một tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Hà Nội) đều cố gắng tích cóp tiền để đi thăm thú nước ngoài. Sau mỗi chuyến đi, Hùng đều có rất nhiều niềm vui, song cũng có nhiều tâm tư.

Hùng kể, khoảng mươi mười lăm năm trước, khách Việt đi du lịch ngoài nước chưa nhiều và đa phần đều thuộc giới trí thức nên chưa gây điều tiếng gì. Nhưng ở thời điểm hiện tại, những tour du lịch quốc tế, đặc biệt là các nước Đông Nam Á vừa rẻ, lại vừa dễ dàng nên người Việt ào ào rủ nhau đi. Một bộ phận khách du lịch mang theo cả những thói xấu ra nước ngoài, khiến cho Hùng nhiều khi không dám nhận là người Việt (!?).

 

 Vô tư xả rác ở bãi biển. Ảnh: soha.vn
Vô tư xả rác ở bãi biển. Ảnh: soha.vn


Một trong những kỷ niệm “đắng đót” là dịp Hùng đi Singapore vào năm 2007. Lần đó do còn “lơ ngơ” nên cậu đặt tour của một hãng lữ hành. Vì là khách lẻ nên Hùng được “ghép tour” với nhóm khách là 5 gia đình khoảng gần 30 người gồm đủ già trẻ lớn bé. Chuyến đi sau đó trở thành nỗi ám ảnh với Hùng, với rất nhiều điều bực bội và cả nỗi xấu hổ.

Nhóm gia đình này rất ham mua sắm. Đến bất kì siêu thị, trung tâm mua sắm là nhao vào mua. Rồi khi thanh toán thì không xếp hàng, cứ chen lên thanh toán trước. Người bản xứ rất “dị ứng” với điều này, và họ thường lắc đầu “nhường”. Song cũng có lần, họ to tiếng buộc nhóm khách Việt phải xếp cho đúng thứ tự.

Thêm vào đó, nhóm khách này còn có thói quen trễ giờ. Hướng dẫn viên đã in bản lịch trình, trong đó ghi rõ thời gian ăn sáng, trưa, tối đưa cho tất cả mọi người trong đoàn. Song, thường họ trễ 30 phút đến cả giờ. Điều này khiến cho Hùng và những người khác cảm thấy rất ức chế.

Từ sau chuyến đi đó, Hùng đã “cạch đến già”, không đi ghép tour mà thường “độc hành”. Hoặc cùng lắm thì lập team (đều là những người quen biết từ trước, hợp cạ) để đi cùng với nhau. Nhưng lại nảy sinh một vấn đề khác. Đó là có một số trường hợp người Việt Nam lợi dụng đi du lịch để trốn, ở lại nước bạn, cũng không loại trừ một số cô gái Việt ra nước ngoài để hành nghề mại dâm. Điều này khiến cho khách du lịch như Hùng bị vạ lây.

 

Cảnh trèo rào để vui chơi miễn phí tại công viên nước Hồ Tây.
Cảnh trèo rào để vui chơi miễn phí tại công viên nước Hồ Tây.


Tháng 7-2015 Hùng và nhóm “phượt” của cậu rủ nhau đi Singapore và Malaysia. Nhưng vừa bước xuống máy bay thì cả nhóm bị “ách” lại tại sân bay, bị tách ra để kiểm tra. Do có nhiều kinh nghiệm đi nước ngoài và thông thạo ngoại ngữ nên Hùng chỉ bị “giữ” lại một giờ. Còn một số thành viên khác trong đoàn, nhất là nữ giới bị thẩm vấn đến nửa ngày mới được nhập cảnh. “Những ai mà chưa có thẻ đặt phòng khách sạn hay vé khứ hồi máy bay thì chắc chắn sẽ bị “mời” về nước” - Hùng cho biết.

Còn Mai Phương, một hướng dẫn viên du lịch của hãng Viet... thì tâm sự, sau hơn chục năm hành nghề, lượng khách mà Phương phục vụ lên đến hàng ngàn lượt, có quốc tịch từ rất nhiều quốc gia. “Phục vụ mỗi kiểu khách đều có nỗi vất vả riêng, song với khách Việt Nam, Trung Quốc thường vất vả nhất” - Phương chia sẻ.

Bởi nếu như khách người nước ngoài có quốc tịch Âu, Mỹ hay Nhật Bản... thường rất ham tìm tòi, khám phá, Phương luôn phải chuẩn bị rất kỹ càng nội dung để thuyết minh trong mỗi tour thì với khách Việt Nam, họ chủ yếu thích mua sắm, ăn uống. Vì thế, Phương không phải thuyết minh nhiều nhưng việc mua sắm của họ đã lộ ra biết bao thói xấu khiến nhiều lúc Phương... không có lỗ nẻ mà chui!

Một lần Phương dẫn nhóm khách hơn 20 người đến một nhà hàng buffet ở Thái Lan. Đoàn đa số là người nhiều tuổi (hoặc hơn tuổi Phương) nên chị không dám nhắc nhở về chuyện ăn uống. Thế nhưng khi ngồi vào bàn, các thực khách dường như chưa được “training” về tiệc đứng nên ai cũng lấy đầy ắp cả bàn. Có những món không ăn nhưng vẫn lấy vì... sợ hết. Rồi còn lấy cho chồng, cho con, cho bố mẹ… Thành ra khi đứng dậy thì thức ăn bừa phứa, thừa thãi trông rất phản cảm.

 

 Cảnh tranh cướp ở đêm phát ấn Đền Trần - Nam Định. Ảnh: doisongphapluat.vn
Cảnh tranh cướp ở đêm phát ấn Đền Trần - Nam Định. Ảnh: doisongphapluat.vn


Dù cho nhân viên nhà hàng không nói gì, nhưng Phương có thể cảm nhận được ánh mắt thiếu thiện cảm của họ. Là một tourguide, Phương thực sự rất xấu hổ. Không phải ngẫu nhiên mà một số nhà hàng ở Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Singapore có những bảng thông báo bằng tiếng Việt rằng: “Xin mời ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Nếu quý khách ăn không hết sẽ bị phạt tiền”.

Lần khác, Phương dẫn một đoàn khách Việt đi Malaysia. Bình thường khi sang nước bản địa sẽ có hướng dẫn viên người địa phương giới thiệu về các chương trình tham quan, các nét văn hóa, lịch sử... nhưng trong lúc hướng dẫn viên giới thiệu thì chẳng ai nghe vì còn mải nói chuyện riêng, số khác thì nhìn ra cửa sổ, chụp ảnh, ngó nghiêng. Đến khi không biết, không hiểu thì hết người này hỏi đến người kia hỏi khiến hướng dẫn viên đôi khi rất khó chịu, mệt mỏi vì phải giải đáp liên tục những vấn đề đã nói rồi.

Còn đồng nghiệp của Phương không ít lần ca thán mỗi khi nhận được tour mà khách là người Việt là cảm thấy... ngán ngẩm.

Theo chúng tôi, sẽ là không công bằng khi “vơ đũa cả nắm” rằng tất cả người Việt đều thiếu ý thức khi du lịch nước ngoài. Song, có một sự thật không thể phủ nhận là một bộ phận người Việt đang làm xấu đi hình ảnh của quốc gia, dân tộc khi bộc lộ những thói xấu cố hữu của họ trong mắt bạn bè quốc tế.

Có lẽ cũng chính vì thế mà ngày 16-4 vừa qua, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chính thức phát động chiến dịch “Nâng cao hình ảnh du khách Việt” tại Hà Nội. Sẽ có một bộ quy tắc được xây dựng để giảm thiểu những hình ảnh xấu xí về du khách Việt. Các hành vi được nhận diện gồm: Chen lấn xô đẩy, không xếp hàng, lấy thức ăn thừa nhưng không sử dụng, gây ồn ào, mất trật tự... thậm chí là các hành vi vi phạm pháp luật như lấy cắp hàng trong siêu thị, lợi dụng đi du lịch để trốn ở lại…

Ông Nguyễn Tiến Đạt Phó Giám đốc Công ty TransViet Travel chia sẻ, hành vi xấu của một bộ phận người Việt khi ra nước ngoài là do thói quen trong lối sống, sinh hoạt thường ngày, nó diễn ra phổ biến đến mức mọi người coi đó là… chuyện bình thường, chuyện đương nhiên phải thế. Cho đến nay chưa có chế tài xử phạt khách cũng như công ty lữ hành để khách gây hành vi xấu khi đi du lịch.

 

Cảnh dẫm đạp lên cây cảnh ở Hồ Tây.
Cảnh dẫm đạp lên cây cảnh ở Hồ Tây.


Còn ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam tâm sự. Du khách Trung Quốc được biết đến với nhiều hành vi xấu, tuy nhiên khách du lịch Việt Nam cũng đang có dấu hiệu tương tự, ông Bình còn lo ngại nếu không có sự vận động, hình ảnh du khách Việt cũng sẽ xấu xí trong mắt bạn bè quốc tế. “Khách Trung Quốc đi đâu cũng ồn ào nhưng khách Việt Nam cũng ồn ào không kém” - ông Bình cho biết.

2. Nếu như ra ngoài nước, một bộ phận người Việt bộc lộ rất nhiều thói hư tật xấu của họ thì ngay tại Việt Nam, những ứng xử thiếu văn hóa của họ cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới người khác.

Một buổi tối, tôi cùng nhóm bạn tham dự buổi biểu diễn của các nghệ sĩ quốc tế tại Trung tâm Văn hóa Pháp (L’espace) ở Hà Nội. Tham gia buổi hòa nhạc đa phần là giới trí thức, học sinh, sinh viên nên ít bị “bệnh” muộn giờ. Nhưng khi buổi hòa nhạc diễn ra được chừng mươi phút thì bắt đầu xảy ra nhiều sự cố gây khó chịu cho thính giả cũng như nhạc công.

Đầu tiên là ngay hàng ghế thứ hai có một bà mẹ bế theo một cậu bé chừng 4-5 tuổi. Còn quá nhỏ chưa hiểu được rằng đang ở trong một buổi hòa nhạc, cần sự tĩnh lặng tuyệt đối nên cậu bé cứ ngọ ngoậy, rồi uốn éo đòi tụt xuống đất để chạy đi chơi. Khi không được mẹ đáp ứng yêu cầu, cậu bé phản ứng bằng cách ì èo kêu khóc. Người mẹ hết vỗ về đến dọa dẫm, cậu bé vẫn không ngừng quấy phá. Không dưới ba lần tôi thấy một vị khách ngoại quốc phải quay sang ra dấu im lặng, song tình trạng vẫn không được cải thiện. Cực chẳng đã, người phụ trách chương trình đã phải đến tận nơi “mời” hai mẹ con ra khỏi thính phòng.

Buổi hòa nhạc yên ổn được khoảng 30 phút thì lại xảy ra sự cố. Khi cả khán phòng đang cực kỳ yên lặng, mọi người tập trung thưởng thức ngón đàn điêu luyện của các nghệ sĩ thì bỗng nghe: “loạt xoạt loạt xoạt”, rồi đến “choách choách...”. Té ra một ông bố đang mở túi nilon, bóc vỏ chai nước đưa cho cô con gái.

Nhà văn, nhà nghiên cứu về Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ, một lần ông đi qua khu vực phố Lê Đại Hành (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đúng lúc một nhà hàng đang có chương trình phát shushi miễn phí. Ông phải mất nhiều phút mới len qua được hàng trăm con người đang tranh nhau để “cướp” một suất shushi. Hình ảnh này khiến ông buồn và phải suy nghĩ rất nhiều.

 

Một nhóm người Việt bị bắt do trộm đồ ở nước ngoài.
Một nhóm người Việt bị bắt do trộm đồ ở nước ngoài.


“Tâm lý con người nói chung thích được dùng đồ không mất tiền, thích rẻ, điều đó đã được các nhà kinh doanh tận dụng triệt để. Tâm lý đó không xấu và nó chỉ trở nên tệ hại khi họ chen lấn, xô đẩy, trành giành. Và như vậy từ điều bình thường, chính họ đã biến mình trở xấu xí trong mắt nhiều người. Ở đây ta thấy hiện ra các thói hư tật xấu: Thích tỏ ra hơn người (dùng sức mạnh chen lấn để được trước người khác), thiếu tự trọng (bất chấp sự phê phán của những người đang xếp hàng). Nhưng buồn hơn, những hành vi đó khiến tôi không thể có cái nhìn nhân văn mà buộc phải nghĩ đến sự: đói khát, thèm thuồng, giành giật một tí vật chất không đáng phải đổi bằng  lòng tự trọng”.

Cũng theo ông Tiến, mỗi người chúng ta, trong cuộc sống đều từng gặp phải những tình huống thiếu ý thức trong các sinh hoạt cộng đồng như không chịu xếp hàng ở sân bay, đến muộn giờ trong buổi hòa nhạc, hay xả rác bừa bãi như vậy. Những hành vi thiếu ý thức đó đã trở thành “căn bệnh” trong xã hội. Có lẽ vì thế thành phố Hà Nội mới có dự án về ứng xử, giao tiếp ở công sở và nơi công cộng, mới đề ra “Năm trật tự và  văn minh đô thị”.

“Lâu nay giáo dục văn hóa bị buông lỏng, khi cái gốc văn hóa lung lay mới sinh ra hành vi phản cảm trong mắt bạn bè quốc tế. Giáo dục ở đây không chỉ trông chờ vào nhà trường mà phải là việc hằng ngày ở mỗi gia đình và xã hội. Song hành với giáo dục là các chế tài phải được thực hiện quyết liệt. “Đòn đau nhớ đời” - nên nhớ phạt cũng là cách giáo dục tốt” - nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến khẳng định.
 

Tháng 3 vừa qua, một vụ việc khiến du khách Việt cảm thấy buồn rầu và ít nhiều xấu hổ. Tòa án Singapore đã phạt 5 người Việt nhiều tháng tù giam do họ có hành vi trộm cắp ở nước sở tại.

Theo công tố viên nước bạn, tháng 1-2016 nhóm 5 du khách gồm: Đinh Ngọc Luân, Hoàng Đình Công, Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Thị Lương và Đặng Bích Thảo tới Singapore qua đường Malaysia. Nhóm này đã thực hiện kế hoạch ăn cắp tại quốc gia này ngay ngày hôm sau.

Tại trung tâm mua sắm ION Orchard, Công mang một va ly đứng bên ngoài, 4 người còn lại đi vào trong, trong đó Luân được giao cầm các túi giấy màu nâu dùng để đựng đồ ăn cắp.

Kết quả kiểm tra của cảnh sát phát hiện các túi giấy này được lót bằng các vật liệu khiến hệ thống báo động an ninh không thể phát hiện những món đồ chưa được thanh toán. Đồ ăn cắp sau đó được chuyển vào va ly và cả bọn kéo sang cửa hàng khác. Trong vòng 48 giờ, nhóm này đã ăn cắp tổng lượng hàng trị giá 17.000 đôla Singapore.

Sau đó, 3 đối tượng bị cảnh sát Singapore bắt quả tang khi họ đi tuần. 2 người kia bỏ chạy nhưng cũng bị bắt tại cửa khẩu Woodlands khi định rời Singapore.

Luân phải chịu mức án 31 tháng tù, 4 người còn lại gồm Công, Hung, Lương, Thảo mỗi người bị phạt 28 tháng tù.

 

Theo An ninh thế giới

.