Kết quả tỷ lệ thi tốt nghiệp vừa được Bộ Giáo dục & Đào tạo công bố là 97,63%. Một con số được coi là thành công rực rỡ của nền giáo dục nước nhà nếu như không “nổ ra” vụ tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp ở Trường THPT Dân lập Đồi Ngô (Lục Nam – Bắc Giang).
|
Ths.Lê Xuân Trung |
Điều đó, khiến dư luận đặt ra nghi ngờ tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao như vậy nhưng chưa phản ánh đúng thực chất dạy và học hiện nay của giáo dục nước nhà. BVPL đã có cuộc trao đổi cùng Ths. Lê Xuân Trung – Hiệu trưởng trường THPT Vân Tảo (Thường Tín – Hà Nội) xoay quanh vấn đề này.
PV: Thưa thầy, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp vừa được Bộ Giáo dục công bố đạt con số 97,63% liệu đã phản ánh đúng chất lượng thật của kỳ thi này?
Ths. Lê Xuân Trung:
Theo tôi, tỷ lệ này đã phản ánh đúng sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành giáo dục trong suốt thời gian qua nhằm nâng cao chất lượng dạy và học hiện nay. Vụ việc ở Đồi Ngô chỉ là một sự cố đáng tiếc trong toàn bộ kỳ thi này, đồng thời chúng ta đừng nhìn nó với con mắt phiến diện để phủ nhận toàn bộ những thành tích mà giáo dục Bắc Giang, cũng như giáo dục nước nhà đã làm được trong suốt thời gian qua.
PV: Thưa thầy, thầy có thể cho biết tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay của trường THPT Vân Tảo? Và liệu tỷ lệ có phản đúng chất lượng dạy và học của ngôi trường này?
Ths. Lê Xuân Trung:
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay của trường THPT Vân Tảo đạt 99,7%. Con số này hoàn toàn phản ánh đúng thực chất chất lượng dạy và học của chúng tôi. Ngay từ đầu năm học, ban giám hiệu nhà trường đã tích cực triển khai đồng bộ đổi mới nâng cao các chương trình học, động viên, chỉ đạo thầy và trò nỗ lực rèn luyện hết sức cho năm học cuối cấp đầy cam go. Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, chúng tôi đã tổ chức các buổi phổ biến, hướng dẫn quy chế thi cho học sinh và giáo viên để thầy và trò cùng nghiêm túc thực hiện đúng các quy chế trong kỳ thi mà Bộ Giáo dục đã ban hành.
Kết quả tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở trường THPT không còn là “thành tích” mà chúng tôi hướng tới. Từ vài năm trở lại đây, mục tiêu mà Ban giám hiệu cùng các thầy cô trường THPT Vân Tảo hướng tới cho các em học sinh là kỳ thi Đại học, Cao đẳng. Chúng tôi kỳ vọng nhiều vào kỳ thi này và coi đó là thước đo để đánh giá chất lượng dạy và học. Tỷ lệ đỗ Đại học, Cao đẳng của trưởng THPT Vân Tảo năm vừa qua đạt hơn 80% là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực và cố gắng của chúng tôi trong suốt những năm vừa qua.
PV: Nhưng thưa ông, những con số, những thành tích đó sẽ không bị dư luận nghi ngờ nếu như không xảy ra “vụ Đồi Ngô”?
Ths. Lê Xuân Trung:
Tôi rất lấy làm tiếc khi xảy ra “vụ Đồi Ngô”, một số cơ quan báo mạng đã có cái nhìn phiến diện, quy chụp với mục đích bôi đen, đánh đồng tất cả nhằm câu khách, giật gân. Với hàng loạt những tít dẫn câu khách được phản ánh một chiều, vô hình chung độc giả được cung cấp một bức tranh ảm đảm, đầy rẫy những tiêu cực của nền giao dục Việt Nam.
Qua đó, người đọc có cảm giác rằng giáo dục Việt Nam đang ở tận cùng thế giới, được tạo dựng và tồn tại bằng tiêu cực, học trò thì lười nhác còn giáo viên, nhà quản lý thì chăm chăm đi tiếp tay, ném bài, ném phao, làm ngơ cho học sinh để mong đạt thành tích cao trong học tập. Trong khi đó, sự thực không phải như vậy, không phản ánh đúng bản chất của hoạt động giáo dục đào tạo phổ thông: Hoạt động truyền đạt và tiếp nhận kiến thức, kỹ năng mà ở đó, phần lớn học sinh Việt Nam đều có khát khao, quyết tâm học tập, trau dồi kiến thức. Xã hội chúng ta từ ngàn đời đã là một xã hội ham học, hiếu học, ngày nay lại càng hơn thế. Nếu người Việt Nam không hiếu học, quyết tâm luyện rèn thì liệu rằng chúng ta có đủ kiến thức, trí tuệ để hội nhập với thế giới và đưa đất nước phát triển như những năm qua? Vấn đề này đã bị che lấp hoặc cố tình bỏ quên qua loạt bài “Đồi Ngô”, điều đó rất nguy hiểm với thế giới, họ sẽ nhìn nhận đất nước chúng ta như thế nào trong khi sự thực không phải vậy?
Ngày hôm qua, đêm 21/6, kênh VTV1 có truyền hình trực tiếp lời phát biểu của đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở những người làm báo về bản lĩnh chính trị, khắc phục xu hướng tiêu cực trong báo chí. Theo tôi, ý kiến của đồng chí Nguyễn Sinh Hùng rất sâu sắc bởi qua vụ “Đồi Ngô” cho thấy nhận thức chính trị của một số phóng viên, cơ quan báo chí còn thiếu. Bản lĩnh chính trị đâu phải là những điều to tát mà cần phải thể hiện từ cái nhìn nhân văn, trung thực.
Con số 97,63% học sinh cả nước đỗ tốt nghiệp dù chưa phản ánh đúng 100% nhưng cũng đã phản ánh đúng bản chất của nền giáo dục, chất lượng dạy và học. Cần phải nói rõ, đề thi năm nay không khó, để đủ điểm tốt nghiệp không phải là vấn đề gì quá to tát. Học sinh và giáo viên nỗ lực trong suốt một năm luyện rèn thì có thể đạt tốt nghiệp. Bây giờ, tôi thấy vấn đề quan trọng nhất đối với học sinh là làm sao thi đỗ đại học, cao đẳng chứ không còn là đỗ tốt nghiệp. Con số 97,63% đỗ tốt nghiệp cũng không phải là điều gì ghê gớm và bất thường để mà “khoe thành tích” như một số phóng viên đã đặt vấn đề.
PV: Vậy theo thầy, việc xử lý kỷ luật đối với các cán bộ coi thi trong “vụ Đồi Ngô” liệu đã thỏa đáng?
Ths. Lê Xuân Trung:
Cần phải khẳng định việc xử lý kỷ luật các cán bộ đó là đúng theo các quy chế của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Thực ra hành động của các thầy cô giáo đó hoàn toàn mang tính chất tình người, thương các em học sinh 12 năm đèn sách mong đến ngày hái quả ngọt trên tay, chứ hoàn toàn không có tính chất vụ lợi, cũng như “ham thành tích” như một số phóng viên đã áp đặt.
Bên cạnh “quy chế” thì cũng còn có “tình người”, chính vì vậy trong việc xử lý kỷ luật buộc thôi việc đối với 6 giáo viên, tôi rất mong lãnh đạo Sở Giáo dục – Đào tạo Bắc Giang xem xét lại. Kỷ luật thì nên, đuổi việc là quá nặng.
Xin cảm ơn thầy về cuộc trao đổi này!
Hồng Quang (thực hiện)