Với chiếc điện thoại thông minh trong tay, mỗi người đã có một công cụ tiện lợi để chụp ảnh, quay phim mọi khoảnh khắc trong cuộc sống. Ngược lại, điều này cũng khiến bất kì ai đều có thể trở thành nạn nhân của sự mổ xẻ, soi mói khi hình ảnh cá nhân bị tung lên mạng xã hội.
 

 Hoa hậu Kỳ Duyên hút thuốc và câu chuyện hai mẹ con sinh viên mua xe máy – từ “sao” đến người bình thường, ai cũng có thể trở thành nạn nhân của trò chụp lén.
Hoa hậu Kỳ Duyên hút thuốc và câu chuyện hai mẹ con sinh viên mua xe máy – từ “sao” đến người bình thường, ai cũng có thể trở thành nạn nhân của trò chụp lén.


Những nạn nhân của trò chụp lén

Nạn nhân thường xuyên nhất của những tấm ảnh, clip bất ngờ phải kể đến những người nổi tiếng. Và người có duyên với scandal từ những “bức ảnh tình cờ” thời gian gần đây phải kể đến Hoa hậu Kỳ Duyên. Hết sự cố từ bức ảnh chụp lén Hoa hậu ngủ với tư thế thiếu duyên trên máy bay, đến clip hút thuốc, rồi clip ngủ gục vì say xỉn trong quán bar, Hoa hậu trở thành tâm điểm của dư luận, hình ảnh bị “xấu xí” đi đáng kể, thậm chí đứng trước nguy cơ bị mất đi danh hiệu cao quý.

Với sự phổ cập của smart phone và sự phát triển của mạng xã hội, không chỉ những người nổi tiếng mà bất kì ai cũng có thể trở thành nạn nhân của những bức ảnh, đoạn phim quay lén. Mới đây, một sinh viên đã trở thành “miếng mồi” của dư luận khi hình ảnh hai mẹ con cô đang mua xe máy trong cửa hàng được tung lên mạng. Lý do khiến cô gái bị dư luận chỉ trích xuất phát từ việc người mẹ ăn mặc khá lam lũ, nhưng hai mẹ con lại đứng cạnh chiếc xe máy có giá trị cao, đang là mốt của giới trẻ hiện nay.

Chỉ một bức ảnh vô tình được người chụp tung lên facebook cá nhân của người chụp, sau đó được người khác lấy đi đăng lại với một chú thích khác, tam sao thất bản, và dư luận được tiếp cận với một câu chuyện đầy bức xúc, trong đó người mẹ nghèo dành dụm để mua cho cô con gái chiếc xe máy để đi học, nhưng cô con gái nằng nặc đòi chiếc xe hạng sang, khiến người mẹ phải khổ tâm vét hết sạch tiền tiết kiệm của mình… Chỉ sau một đêm thức dậy, cô gái trẻ trong hình bỗng trở thành tâm điểm “ném đá” của dư luận mà chính cô cũng không hiểu vì sao. Những lời lẽ ác ý, cả những nhục mạ, hăm dọa nặng lời khiến cô gái rơi vào khủng hoảng. Mặc dù sau đó, chủ nhân của bức ảnh đã lên tiếng xin lỗi, rằng anh chỉ đơn giản đăng một bức ảnh tình cờ chụp được, không ngờ sự việc lại đi quá xa như thế, nhưng cuộc sống của hai mẹ con cô sinh viên cũng đã không được như trước.

Cũng mới đây, một chàng trai đã gây cười khi đăng lên trang cá nhân loạt ảnh đang trên xe khách với một cô gái ngủ gục trên vai. Sự tương phản giữa hình ảnh chàng trai bảnh bao, đẹp trai với cô gái lao động nghèo có gương mặt lúc ngủ rất “khó coi” cùng với chú thích đã khiến những tấm ảnh trở nên cực kì “hot”, được chia sẻ rộng rãi với mục đích giễu cợt. Tuy nhiên, một bộ phận dư luận đã phản ứng khi cho rằng, đối với chàng trai là chuyện tức cười, nhưng cô gái trong ảnh sẽ tổn thương thế nào khi ngoại hình của mình bị lấy ra để làm trò cười cho thiên hạ?

Liệu có vi phạm quyền tự do cá nhân?

Những hình ảnh, đoạn clip chỉ được chụp, quay nhằm mục đích mua vui cho đám đông, nhưng với những “nhân vật chính” trong đó, hậu quả về mặt vật chất, tinh thần là không nhỏ. Một cô gái chửi mắng người khác nặng nề bằng tiếng Anh trong lúc xếp hàng tại sân bay, người phụ nữ lén bỏ thức ăn thừa ở nhà hàng tiệc cưới vào túi, cô gái chửi mắng chồng trước mắt con, các “sao” ăn mặc hớ hênh, vô tình “lộ hàng”… bất cứ ai cũng có thể tình cờ trở thành những “nạn nhân” bị soi mói, chửi rủa không thương tiếc trên mạng xã hội sau những hình ảnh tình cờ.

Trong đó, có những câu chuyện là cái lỗi của người trong cuộc (nhưng ai mà không có lúc sai), hay cũng có thể, lỗi lầm ấy đã bị phóng đại, bị bóp méo bởi người xem cũng chỉ có thể thấy được cái phần hiển thị bằng hình ảnh, không thể nắm được toàn bộ nội dung câu chuyện. Trong sự việc của Hoa hậu Kỳ Duyên, ông chủ quán café, nơi Hoa hậu hút thuốc cũng đã lên tiếng “minh oan” cho Kỳ Duyên, nhưng cũng không thể thay đổi được cái nhìn ác ý của dư luận.

Theo LS Nguyễn Thanh Tùng (Đoàn LS TP HCM), Bộ luật Dân sự 2005 có quy định, mỗi cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Đồng thời, hành vi sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người đó.

Như vậy, có thể thấy, những hành vi tự ý chụp ảnh, quay phim người khác tung lên mạng, biến họ thành nạn nhân của dư luận là hành vi phạm pháp, có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, luật là vậy, nhưng trên thực tế, hầu hết người bị hại không biết phải làm gì để bảo vệ bản thân trước những hành vi như thế. Trong trường hợp của hai mẹ con sinh viên đi mua xe máy, một số luật sư đã lên tiếng cho rằng cô gái nên kiện người đã tung ra những thông tin bịa đặt nhằm hạ nhục uy tín, danh dự, khiến cô gái bị tổn thương tinh thần, nhưng hai mẹ con đã từ chối vì sợ phiền phức. Trường hợp của Hoa hậu Kỳ Duyên, khi sự việc vừa xảy ra, cô cũng đã khẳng định sẽ thuê luật sư kiện những người cố ý bôi nhọ hình ảnh của mình. Tuy nhiên, theo thời gian, ý định đó có vẻ không được thực hiện, có lẽ vì Hoa hậu sợ một lần nữa chuốc thêm phiền phức.

Người bị hại e ngại, cơ quan chức năng thì khó quản lý, khó xử phạt, thế nên hành vi chụp ảnh, quay lén tung lên mạng vẫn nhan nhản, trở thành một trào lưu, một trò vui của đám đông, bất chấp hậu quả.

 

Theo Người lao động

.