(BVPL) - Cuốn sách Mùa xuân yên lặng (Silent spring) của tác giả Rachel Carson xuất bản năm 1962 không chỉ thay đổi hoàn toàn chính sách của Mỹ trong vấn đề môi trường mà còn là khởi đầu của phong trào phát triển bền vững trên toàn cầu.
 
Rachel Carson sinh năm 1907 tại Pennsylvania, Mỹ. Do ảnh hưởng từ người mẹ là nhà hoạt động xã hội vì thiên nhiên, từ thủa nhỏ Carson đã thể hiện đam mê tìm hiểu môi trường tự nhiên. Bên cạnh đó, Carson sớm bộc lộ năng khiếu văn học, có truyện ngắn đăng trên tạp chí dành cho thiếu nhi từ khi lên 10 tuổi. Sở thích khám phá thiên nhiên và viết văn của bà đã song hành trong suốt sự nghiệp viết về đề tài môi trường.
 
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành động vật học năm 25 tuổi, Carson bắt đầu công việc cộng tác với một đài phát thanh địa phương trong vai trò sáng tác kịch bản cho những chương trình phát thanh chuyên đề khám phá thế giới đại dương. Khả năng bậc thầy trong sử dụng ngôn ngữ của Carson đã giúp cho chương trình thế giới động vật biển, là loại hình thích hợp nhất khi được truyền tải bằng hình ảnh trên truyền hình hoặc ảnh minh hoạ trên tạp chí, có thể được mô tả hết sức sinh động bằng lời nói qua sóng phát thanh. Cùng thời gian này bà xuất bản cuốn sách đầu tiên “Dưới gió biển” (Under the Sea-Wind) viết về cuộc sống của những loài chim biển. Đồng thời, Carson là tác giả của nhiều phóng sự đăng trên tạp chí Mặt Trời (the Sun) về đề tài ô nhiễm môi trường. Văn phong trong trẻo và gần gũi của Carson giúp những bài viết về chủ đề khoa học với nhiều thuật ngữ sinh học trở nên dễ hiểu đối với số đông bạn đọc bình dân. 
 
Xã hội Mỹ thời hậu chiến còn có nhiều định kiến cho rằng viết về khoa học là nghề của đàn ông. Vì vậy, dù tên thật là Rachel Louise Carson, bà luôn ký bút danh R. L. Carson dưới mỗi bài báo, với mong muốn bạn đọc sẽ nghĩ tác giả là nam giới. Ít năm sau, Carson chuyển tới làm nhân viên Cục Ngư trường Mỹ, nơi chỉ có hai chuyên viên nữ. Tài năng viết trong lĩnh vực khoa học của Carson sớm được khẳng định và bà nhanh chóng được giao trọng trách Tổng biên tập cho tất cả các ấn phẩm của Cục Ngư trường (sau đổi tên thành Cục Động thực vật hoang dã và Cá Hoa Kỳ). Carson trở nên nổi tiếng với những cuốn sách điều tra khoa học lọt vào nhóm bán sách bán được nhiều bản nhất, giành Giải Sách Quốc Gia Mỹ (năm 1951) và được đề cử Nghệ thuật Viết của Viện Hàn Lâm Mỹ. 
 
Bắt đầu từ một lá thư của người dân gửi tới Cục Động thực vật hoang dã và Cá Hoa Kỳ, phản ánh số lượng chim trời bị sụt giảm nghiêm trọng, Carson bắt đầu tìm hiểu nguyên nhân và không ngờ “Mùa xuân yên lặng” vắng tiếng chim hót dẫn tới cuộc tranh luận ồn ào làm thức tỉnh nhân loại nhiều năm sau. 
 
Carson phát hiện ra thuốc trừ sâu (DDT) là nguyên nhân gây ra cái chết cho hàng loạt loài chim, không những thế, thuốc trừ sâu còn len lỏi vào hệ sinh thái, trong đất, nước và không khí. Bà mô tả thuốc trừ sâu tìm thấy cả ở trong sữa mẹ và cả trong mô của những bào thai vừa mới hình thành. Thuốc trừ sâu gây ra những căn bệnh mới, độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ, và dự đoán trong tương lai cơ thể loài người sẽ phải gánh chịu tác động tiêu cực khó lường từ thuốc trừ sâu.
 
Đây là một đòn giáng mạnh vào các công ty hoá chất Mỹ. Nước Mỹ thời thập niên 1950, 1960 đang còn chìm đắm trong giấc mơ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Phát minh ra thuốc trừ sâu từng được giải Nobel hoá học năm 1948 và được tung hô là cứu sinh cho nền nông nghiệp nuôi sống siêu cường Mỹ. Hiện nay chúng ta vẫn còn có thể xem được nhiều đoạn phim quảng cáo cổ xưa, trong đó có cảnh diễn viên tắm trong nước trừ sâu như một loại thuốc tiên. Trước làn sóng dư luận, các công ty hoá chất đã đầu tư hàng trăm triệu đô nhằm tấn công Carson. Họ cho rằng Carson không có phòng thí nghiệm độc lập để có đủ dữ liệu nghiên cứu cho cuốn sách, không có bằng Tiến sĩ - một tiêu chuẩn bắt buộc đối với Tổng biên tập các ấn phẩm khoa học. Cáo buộc này hoàn toàn đúng vì bà Carson không có đủ bằng cấp chuyên môn trong lĩnh vực hoá học để nghiên cứu thuốc trừ sâu, cũng không chọn phương pháp phân tích khoa học trong phòng thí nghiệm. Thay vào đó, bà đã chọn phương pháp đi tìm hiểu thực địa, quan sát, phỏng vấn báo chí và sử dụng nghệ thuật ngôn từ. Từng câu chữ trong 17 chương của cuốn sách Mùa xuân yên lặng làm người Mỹ nhận ra họ đã trả giá đắt bằng tính mạng của bản thân và sức khoẻ của nhiều thế hệ con cháu cho giấc mơ công nghiệp hoá nền nông nghiệp Mỹ.
 
Rất tiếc, Carson không có thời gian để thực hiện những nghiên cứu tiếp theo. Sau khi xuất bản cuốn sách Mùa xuân yên lặng, bà phát hiện bị ung thư vú di căn và qua đời 18 tháng sau đó, để lại rất nhiều bài học về sự dấn thân của phụ nữ trong khoa học và bài học về tạo hiệu ứng xã hội sau khi công bố các báo cáo khoa học. Sau cái chết của Carson, làn sóng tẩy chay thuốc trừ sâu càng lên cao, gâp sức ép khiến Mỹ ban hành lệnh cấm sử dụng thuốc trừ sâu DDT trên toàn quốc, nhưng không cấm xuất khẩu DDT sang các nước khác. Hậu quả là ngày nay thành phần của thuốc trừ sâu được tìm thấy trong cá ở tất cả các đại dương và chim ở các lục địa, trong chuỗi thức ăn của con người khắp hành tinh. Sáu năm sau khi Mùa xuân yên lặng xuất bản, nước Mỹ thông qua Luật chính sách Môi trường quốc gia, thành lập Tổng cục Bảo vệ Môi trường và bắt đầu hàng loạt các chính sách về bảo tồn tự nhiên.
 
Mùa xuân yên lặng đã có tiếng nói mạnh mẽ trong thay đổi nhận thức và chính sách. Lực hấp dẫn của cuốn sách còn được nhân rộng khi sách được chuyển thể thành phim tài liệu và dịch ra nhiều ngôn ngữ. Những đoạn văn tả thiên nhiên với ngôn ngữ phong phú và giàu hình ảnh được rút trích để thể hiện trong chương trình đọc truyện trên đài phát thanh. Cả quyển sách dài hơn 300 trang được chuyển thể thành dạng sách nói dài hơn 10 giờ đồng hồ vì giá trị ngôn ngữ đặc sắc của nó. Có thể nói chưa một tác phẩm điều tra nào mang giá trị khoa học và văn học gây tiếng vang như cuốn sách này. 
 
Thu Mạch
(Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền)