Thời gian gần đây, dư luận đang rộ lên thông tin về những câu chuyện kỳ bí liên quan đến rắn thần. Những con rắn với hình thù lạ mắt, biết nghe lời chủ. Thậm chí, chúng còn có sức mạnh gây nên những cái chết bí ẩn cho nhiều người dân.

 
Nhiều người tin rằng rắn thần là có thật nên đã lập những bàn thờ, miếu thờ, lập đàn cúng tế những vị thần rắn. Qua tìm hiểu của chúng tôi thì những vụ việc xung quanh sự tồn tại của rắn thần chỉ là những tin đồn nhảm, gây hoang mang cho người dân. 
 
Câu chuyện bí ẩn
 
Tin đồn bắt đầu từ gia đình vợ chồng anh Đinh Văn Hùng và chị Phạm Thị Lý trú tại xã Tông Lệnh, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Theo lời kể của vợ chồng anh Hùng, năm 2010, có một con rắn hổ mang chúa thân dài 4m, nặng 5kg bò vào sân nhà anh. Hoảng hốt, mọi người tìm gậy đánh đuổi, nhưng khi chạy ra thì “rắn thần” đã biến mất. Gia đình anh Hùng rất lo lắng vì quan niệm “rắn đến nhà hóa quái”. 
 
Rắn thần trong miếu nhà anh Hùng.
Rắn thần trong miếu nhà anh Hùng.
 
Đến ngày 13/3/2012 (âm lịch), “rắn thần” trở về lần thứ hai, rắn bò lên nằm giữa đường đi. Lần này, do quá hoảng sợ, vợ chồng anh Hùng sợ quá mới thắp 3 nén hương khấn vái rồi bảo: "Thưa ngài, ngài muốn ngự ở nhà con thì ngài vào trong nhà mà nằm, chứ ở đây phải đòn chợ thì oan lắm". Tức thì rắn bò vào nhà cuộn tròn nằm một chỗ. Nhà anh Hùng có mấy con chó dữ nhưng hôm đó trở nên hiền lành, gặp rắn thì nằm xuống phủ phục.
 
Vì nhiều người dân hiếu kỳ đến xem, vợ chồng anh Hùng đã thả rắn đi. Nhưng cả 3 lần thả “rắn thần” đi cuối cùng rắn vẫn quay lại nhà vợ chồng anh Hùng. Thấy sự lạ, anh Hùng đã xây một cái miếu cạnh nhà cho rắn ở. Từ đó, bắt đầu thêu dệt những câu chuyện bí ẩn về “rắn thần”, rằng "rắn thần" là hiện thân của một vị thánh trên trời được sai xuống trần gian để trừ gian diệt ác, cứu nhân độ thế và ban bình an, phát đạt cho những ai thành kính "ngài".
 
Theo những người dân làng của anh Lý kể lại trong lần đầu tiên rắn đến nhà anh có 6 người cầm gậy đánh rắn. Trong 6 người này, có một người sau khi đánh rắn đã về uống thuốc độc tự tử mà không hiểu lý do tại sao. Còn bà T. hàng xóm của chị Lý lấy gậy đè vào lưng rắn, về nhà bỗng dưng bị đau lưng. Bà T. đi viện khám nhưng bác sĩ không tìm ra bệnh. Bà nghĩ mãi mới nhớ mình đã xúc phạm tới "thánh" nên bị quả báo. Bà T. đành mua hương hoa, lễ lạt đến miếu "rắn thần" để xin lỗi "ngài", khi về đến nhà dù không thuốc thang bấm huyệt mà bệnh tự khỏi.
 
Từ ngày tin đồn "rắn thần" lan xa, không ít thầy cúng đã tìm đến nhà chị Lý để tìm cách "nói chuyện" với rắn. Anh Hùng cho biết: "Tôi không tuyên truyền mê tín nhưng quả thật, khi nào thầy cúng gõ mõ, rung chuông thì rắn lại gật gù đầu như nghe kinh vậy".
 
Chị Lý bên miếu rắn thần.
Chị Lý bên miếu rắn thần.
 
Từ ngày có "rắn thần", nhà chị Lý xuất hiện nhiều vị khách lạ, có người đến xem, có người sì sụp khấn vái, thậm chí có người đến gạ mua về ngâm rượu. Chị Lý cho hay: "Ban đầu tôi chỉ nói đùa nhưng về sau thấy rắn nghe lời mình nên cũng không thả đi nữa. Có điều lạ là chỉ người nào có thiện chí đến xem thì rắn mới ra. "Ngài rắn" rất hiền, chưa bao giờ cắn ai, tôi bắt thoải mái mà rắn cũng không có biểu hiện gì".
 
Chị Lý còn bảo: "Ngài" rắn biết nghe lời chủ đấy, hôm công an địa phương đến xem xét tình hình, rắn không chịu ra, tôi phải thắp hương mời "ngài" thì "ngài" mới ra tạo dáng trước đám đông".
 
Chị Lý khẳng định: "Rắn thần" trong miếu là rắn ngoài tự nhiên chứ không do gia đình bắt về hay huấn luyện để lừa bịp người khác. Hơn nữa, gia đình cũng đang rất bất ổn khi có nhiều người lạ đến xem rắn bất kể đêm ngày".
 
Ông Lường Văn Biên, Trưởng Công an xã Tông Lệnh khẳng định: "Từ ngày có thông tin "rắn thần" xuất hiện tại nhà anh Hùng, chị Lý có nhiều người đến xem nên chúng tôi phải thường xuyên đến kiểm tra, giữ gìn an ninh trật tự và luôn cảnh giác với những hiện tượng mang tính mê tín dị đoan".
 
Nhiều người trong dòng họ chết vì bị rắn trả thù
 
Trước đó, những thông tin về những cái chết đột ngột của nhiều người trong dòng họ Lương liên quan đến “rắn thần” cũng gây xôn xao những người trong thôn Bích Thủy, xã Văn Đức, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Nhiều người dân trong vùng tin rằng những cái chết này đều do “rắn thần” báo thù.
 
Câu chuyện kẻ về việc năm 2000, họ Lương tại thôn Bích Thủy, có chuyển một ngôi mộ tổ (cụ bà) từ cánh đồng về nghĩa trang của dòng họ. Trong quá trình đào đất để di dời mộ, các thợ xây phát hiện trong ngôi mộ có một con rắn cạp nia trọng lượng 300g và một con rắn hổ mang nặng gần 1 kg. Các thợ xây đã đem bán con rắn hổ mang với giá 500.000 đồng để lấy tiền mua rượu về uống, còn con rắn cạp nia được ông Lương Văn Điền, một người trong họ mang về ngâm rượu, nhưng vợ ông lo sợ đã cản và thả con rắn đi.
 
Từ sau vụ việc đó có nhiều cái chết bí ẩn của những người trong dòng họ Lương. Năm 2009, vợ ông trưởng họ đột ngột qua đời. Tiếp đó là cái chết liên tiếp của vợ và 3 con ông Lương Văn Tài. Sau đó lại đến cái chết của ông Lương Văn Ngát, một thành viên nữa trong dòng họ Lương.
 
Sự thật đằng sau những câu chuyện bí ẩn
 
Giải thích về việc “rắn thần” tại nhà anh Hùng ở Sơn La chỉ nghe lời chủ và biết gật gù theo tiếng tụng kinh gõ mõ, GS. TS Đặng Huy Hùng (Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam) nói: “Hổ mang chúa là một trong những loài cực độc, tuy nhiên loài rắn này rất thông minh, nhạy cảm và có hệ thần kinh nhận biết thái độ ứng xử của con người. Trong trường hợp này, chủ nhà đối xử tốt với rắn nên rắn quen âm thanh của con người nên có thể nghe lời. Đó là lý do mà người ta có thể huấn luyện rắn”. 
 
Về những cái chết liên tiếp trong dòng họ Lương mà theo những tin tức đồn thổi là do “rắn thần” báo thù thì theo giải thích của chính những người trong dòng họ đó đều là những cái chết do bệnh tật chứ không có chuyện “rắn thần” báo thù nào cả. Bà Nguyên vợ ông Tài mất do bị bệnh tim kéo dài từ nhiều năm trước. Năm 2009, anh Lương Văn Ngãi, người con út trong gia đình cùng vợ ra sông Bích Thủy bắt rươi, thuyền bị lật khiến nạn nhân ngã xuống nước tử vong.
 
Tiếp đó, người con thứ của ông Tài là Lương Văn Quảng tử vong do bị cảm trong nhà tắm được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Sao Đỏ rồi chuyển lên Hà Nội nhưng đã tử vong sau đó 11 ngày., Người con thứ 3 của ông Tài là Lương Văn Sơn ra đi cũng là vì mắc bệnh xơ gan cổ trướng do uống nhiều rượu. Theo lời của ông Tài, rượu là kẻ thù của gia đình ông, và hầu hết những người đàn ông trong dòng họ Lương đều nghiện rượu. Khi được hỏi về chuyện “rắn thần” báo thù, con cháu trong dòng họ Lương đều cho rằng đây là tin đồn không đúng sự thật và không hề có chuyện “rắn thần” cắn người để báo thù.
 
“Rắn thần” bắt nguồn từ đâu?
 
Theo những người đã được nhìn thấy “rắn thần” thì hầu hết những con “rắn thần” là những con rắn có hình thù đặc biệt, có màu sắc rực rỡ. Những con rắn như vậy được gọi là “rắn có mào”. Theo các chuyên gia về động vật học thì “rắn có mào” có thể là một loài rắn lục cực hiếm. Theo GS. NGND Mai Đình Yên, ở nước ta có 3 loài rắn lục có hình dáng bên ngoài có thể giống và nôm na là “rắn có mào”: rắn lục mũi hếch, rắn lục sừng và rắn lục voi (phân bố ở Lào Cai – Sapa, Lạng Sơn – Mẫu Sơn, Tâm Đảo – Vĩnh Phúc. Đây là những loài rắn độc có hình dạng kỳ quái, đầu có vết sừng nhô cao, hay mũi hếch cao như mào gà, ánh mắt nhìn tập trung có khả năng thôi miên, làm cho con mồi nhũn ra không có khả năng kháng cự. Với con người, khi gặp cái nhìn tập trung của loài rắn này có thể bị ngất. Vì vậy, nhiều người dân khi gặp những con rắn như vậy, do quá hoảng sợ và cho rằng đó là “rắn thần” có sức mạnh thôi miên đối với con người, từ đó lan truyền các tin đồn về “rắn thần”.
 
 Một con rắn có hình thù lạ được cho là “rắn thần”.
Một con rắn có hình thù lạ được cho là “rắn thần”.
 
Lý giải hiện tượng “rắn thần” xuất hiện ở nơi linh thiêng như đền chùa, miếu mạo, các chuyên gia lý giải rằng đó không phải là chuyện lạ. Đó là do đặc tính của những loài rắn cực độc là thích chui trong đền, miếu, hốc cây cổ thụ nơi yên tĩnh để trú ẩn. Vì vậy, những người đi cầu cúng ở những nơi linh thiêng vốn đã có lòng trắc ẩn về tâm linh tin vào thần thánh, nhìn thấy những con rắn có hình thù kỳ quái như vậy, họ tưởng tượng đó là do thần thánh hiện về.
 
“Rắn thần” tồn tại trong truyền thuyết của nhiều nền văn hóa, đặc biệt là văn hóa phương Đông theo tín ngưỡng tâm linh. Từ thời xa xưa trong truyền thuyết của người Khmer, “rắn thần” được xem là niềm tin, nguồn may mắn, được thể hiện trong điêu khắc của các chùa chiền, trên các phù điêu đền tháp, trên những nông cụ và được gọi là “rắn thần” Naga, được lập các miếu thờ. Chính vì những tín ngưỡng tâm linh, tin vào sức mạnh của loài rắn vốn đã có từ xa xưa của người dân, nhiều kẻ xấu đã lợi dụng chính sự tin tưởng tâm linh của người dân để tung ra những lời đồn thất thiệt nhằm mục đích trục lợi. Những tin đồn thất thiệt sẽ kéo theo những dịch vụ mê tín dị đoan để kiếm lời, vận động mọi người góp tiền cúng lễ.
 
Để xử lý nghiêm những tin đồn thất thiệt, mê tín dị đoan, gây hoang mang cho người dân, chính quyền các địa phương cần xuống hiện trường lập biên bản cụ thể. Đồng thời, tuyên truyền, thông báo lại rõ ràng cho người dân để bà con không tụ tập đông người, cúng bái lễ lạt, gây mật trật tự an ninh và tốn công, tốn của.
 
 
HOÀNG NGUYỄN