Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 06/CT-TTg về việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm. Thời gian qua bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý và tổ chức lễ hội, tổ chức lễ kỷ niệm vẫn còn những yếu kém cần phải được nghiêm túc chấn chỉnh và khắc phục

Chỉ thị nêu rõ, hoạt động tổ chức lễ hội vẫn còn biểu hiện thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để trục lợi. Một số địa phương còn tùy tiện trong việc cấp phép, nâng cấp, tăng tần suất, mở rộng quy mô tổ chức lễ hội, phục dựng lễ hội không đúng làm sai lệch nghi thức truyền thống.

Một số lễ hội còn tồn tại những tập tục cũ không phù hợp, gây phản cảm như: chém lợn, treo trâu, phô diễn, trình diễn “biểu tượng linh vật khí” một cách thái quá, dung tục; chen lấn xô đẩy cướp ấn, cướp lương, cướp lộc, cướp hoa tre…
 

 Tranh cướp vật phẩm ở hội Gióng
Tranh cướp vật phẩm ở hội Gióng


Việc thực hiện nếp sống văn minh lễ hội còn yếu kém, như đốt nhiều đồ vàng mã, hương nến, gây tốn kém, lãng phí, ô nhiễm môi trường…Một số cơ quan buông lỏng quản lý để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật lao động, tham gia lễ hội trong giờ làm việc, sử dụng xe công đi lễ.

Đối với hoạt động tổ chức lễ kỷ niệm của một số ngành, đơn vị không phù hợp, tổ chức hoạt động phụ trợ phô trương, lãng phí.

Để thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhằm chấn chỉnh khắc phục hạn chế yếu kém trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội, tổ chức lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị: Chỉ đạo tổ chức lễ hội, tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức, lãng phí; phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương. Sử dụng ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả.

 

 Tranh cướp đã trở nên phổ biến ở nhiều lễ hội
Tranh cướp đã trở nên phổ biến ở nhiều lễ hội


Quán triệt cán bộ công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm kỷ cương, tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính. Địa phương nào để xảy ra tình trạng trên chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.

Thủ tướng giao Bộ VHTT&DL chủ trì với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành: Nghị định quản lý và tổ chức lễ hội theo hướng có các quy định phù hợp với từng loại hình lễ hội; Nghị định quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành…theo hướng quy định cụ thể về quy mô, nghi thức và quy trình buổi lễ…

Chấn chỉnh, hướng dẫn địa phương việc cấp phép, tổ chức lễ hội truyền thống, không để xảy ra các hành vi phản cảm, kích động bạo lực, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh, gây bức xúc trong dư luận xã hội như: chen lấn, tranh cướp lộc, trang phục không phù hợp, mê tín dị đoan, cờ bạc ăn xin…

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì phối hợp tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức sự kiện, liên hoan (festival) ngành nghề, quảng bá sản phẩm hàng hóa…

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng nhà nước tiếp tục duy trì, quản lý sử dụng và lưu thông tiền Việt Nam có mệnh giá nhỏ đúng mục đích, văn minh, tiết kiệm.

Việc rà soát điều chỉnh kế hoạch tổ chức lễ hội phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, theo đúng quy định của Nhà nước được giao cho Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố. Bên cạnh đó là xây dựng phương án tổ chức, bố trí khu vực dịch vụ thuận tiện, không bày bán thịt động vật hoang dã, các đồ chơi có tính bạo lực…

 

Theo Quỳnh Vân/An ninh thủ đô

.