Ngày Tết, ngoài các trò chơi cung đình như đầu hồ, đổ xăm hường, bài vụ, thả thơ, tặng chữ thư pháp ở khu vực Đại Nội, ở Thừa Thiên-Huế khách du lịch còn hết sức thích thú với các trò chơi dân dã ở thôn quê như đu tiên, hội vật, bài chòi...

 


Hội bài chòi Thủy Thanh (thị xã Hương Thuỷ) năm nay đông vui ngay từ sáng Mồng một, Mồng hai Tết, với những hàng chòi tre đã được dựng bên khu vực đình chợ để đón hội bài chòi. Đón Xuân năm mới này Thủy Thanh còn có thêm các trò chơi dân gian để trải nghiệm, như chèo thuyền trên sông, hay bịt mắt đập om…

Đây là những trò chơi phục vụ nhu cầu vui xuân của các bạn trẻ, do hợp tác xã và Đoàn thanh niên xã phối hợp tổ chức.

Để giữ vui cho hội bài chòi, mỗi lần mở hội, chính quyền Thủy Thanh đều trích một phần kinh phí để hỗ trợ cho ban tổ chức, nhất là trong khâu dựng chòi. Cái hay của bài chòi là lối hát hò, diễn xướng, nhất là phải có phần xướng tên con bài bằng các câu hát, nên hội bài chòi luôn thu hút đông đảo công chúng và khách du lịch tham gia, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thủy Thanh, ông Nguyễn Mậu Hòa cho biết.

Trao đổi về trò chơi dân gian này, ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, bài chòi là một trò chơi, thú tiêu khiển vừa là một hình thức trình diễn độc đáo của nhân dân vào những dịp lễ hội ngày Xuân. Trò chơi này được kết tinh qua nhiều thế hệ, với sự sáng tạo không ngừng và trở thành một trò chơi dân gian mang tính nghệ thuật cao, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa trong mỗi lời ca, câu hát.

Với những giá trị độc đáo của bài chòi, vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã có quyết định phê duyệt Kế hoạch xây dựng hồ sơ đề cử quốc gia "Nghệ thuật bài Chòi miền Trung Việt Nam" trình UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới.

Thừa Thiên-Huế là một trong 10 tỉnh thành nằm trong kế hoạch xây dựng hồ sơ Nghệ thuật bài Chòi miền Trung Việt Nam nói trên. Tuy bài chòi chưa được sân khấu hóa một cách chuyên nghiệp như vùng Quảng Nam, Bình Định, nhưng bù lại, ở Thừa Thiên-Huế chơi bài chòi lại có tính cộng đồng rất cao.

Điều khẳng định ở đây, muốn giữ được bài chòi phải giữ được tính cộng đồng trong không gian văn hóa. Chơi bài chòi ở Thủy Thanh luôn hấp dẫn du khách bởi lẽ, đây là vùng quê giàu bản sắc văn hóa truyền thống, có cầu ngói Thanh Toàn là di tích cấp quốc gia và đang có những chuyển biến tích cực để phát triển du lịch cộng đồng, trong đó có sự đóng góp tích cực của các hội bài chòi trong mỗi kỳ Festival Huế và mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Ngày Tết ở Thừa Thiên-Huế còn có lễ hội đu tiên ở các vùng quê như Phong Hiền, Điền Hòa. Đây không chỉ là món ăn tinh thần của người dân trong những ngày đầu Xuân năm mới, mà còn là hoạt động cầu mong cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng bội thu.

Nhún mình như thể nhún đu/ Càng nhún càng dẻo, càng đu càng mềm. Trong dân gian, có rất nhiều loại cây đu và lối chơi đu khác nhau, nhưng ở Thừa Thiên-Huế phổ biến nhất vẫn là hình thức đu đôi, mà mọi người vẫn quen gọi là đu tiên, tức từng cặp (một nam, một nữ) thanh niên cùng lên đu so tài.

Giá đu được chọn làm từ những cây tre già và thẳng, chọn khắp trong vùng. Bên cạnh cây đu, người ta trồng một cây cột và treo một chiếc khăn hồng ở độ cao xấp xỉ chiều cao giá đu.

Người dự cuộc phải đưa cánh đu bay cao, giật cho được chiếc khăn hồng ở chiếc cột kia, mới được coi là thắng cuộc. Chính lẽ đó, các lễ hội đu tiên ở Thừa Thiên-Huế bao giờ cũng thu hút đông đảo người dân và khách thập phương đến chung vui.../.
 

Theo TTXVN/Vietnam+

.