Thói quen xấu “lãng phí thời gian” nơi công sở
Cập nhật lúc 16:01, Thứ tư, 21/03/2018 (GMT+7)
Có thể khẳng định, mỗi người trong xã hội ta đều khá quen thuộc với cụm từ “giờ cao su”. Đây là một thói quen của không ít người Việt Nam nói chung và nhân viên công sở nói riêng. Với tâm lý “trễ một chút không sao” đã khiến nhiều người biến việc đi muộn của mình trở thành một thói quen xấu.
Trên thực tế, có những người vì lý do đột xuất nên mới đi làm muộn. Nhưng nguyên nhân chủ quan thường xuất phát từ ý thức, hành động của người hay đi muộn. Không ít người xem việc đến muộn là bình thường và cho rằng đến đúng giờ mới là “lập dị”. Đặc biệt hơn, một số người còn xem việc đi làm muộn như là một thứ “mốt” - phải đến muộn mới thể hiện tầm quan trọng của cá nhân và chứng tỏ “đẳng cấp” của mình. Bên cạnh đó, sự xuề xòa, bỏ qua của những người đến đúng giờ cũng là một nguyên nhân làm cho hiện tượng đó lặp đi lặp lại nhiều lần.
Người đến muộn chỉ bị nhắc nhở trực tiếp bằng lời nói chứ chưa có biện pháp mang tính “răn đe” để lần sau không tái phạm. Đi muộn thường gây ra tâm lý khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ đến công việc của cả một tập thể. Hơn nữa, người đi làm muộn sẽ khó có đủ thời gian hoàn thành công việc trong ngày, ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả và chất lượng công việc không chỉ của bản thân mà còn ảnh hưởng đến những đồng nghiệp khác.
Tạo dựng văn hóa đi làm đúng giờ nơi công sở không chỉ nói nên tính nghiêm túc, nếp sống kỷ luật, mà quan trọng hơn còn là một nét văn hóa thể hiện sự tôn trọng đối với đồng nghiệp và là một đức tính cần thiết trong xã hội văn minh. Để khắc phục thói quen đi muộn, đầu tiên chính chúng ta phải là người biết quý trọng thời gian, tôn trọng bản thân mình và sau đó là tôn trọng người khác. Nhất là đối với cán bộ ngành Kiểm sát nói riêng, thời gian là thứ vô cùng quý báu vì người đến đúng giờ sẽ không lãng phí thời gian của bản thân cũng như của người khác; họ sẽ biết cách sắp xếp quỹ thời gian trong ngày một cách hợp lý để giải quyết hiệu quả nhất khối công việc được giao. Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 28/12/2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác ngành Kiểm sát nhân dân năm 2017 đã quán triệt phương châm “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Chất lượng, hiệu quả”, theo đó có nội dung tăng cường hơn nữa việc sử dụng hiệu quả thời gian làm việc.
Mỗi người trong chúng ta đều có một quỹ thời gian như nhau mỗi ngày để tính toán và sắp xếp công việc sao cho hợp lý nhất. Do vậy, mỗi người chúng ta hãy tự nâng cao ý thức cá nhân, tôn trọng thời gian, tôn trọng mình, tôn trọng mọi người…
Nguyễn Hồng Ngọc