Một số trường đưa ra những quy định về xét tuyển nguyện vọng gây bất lợi cho thí sinh (TS).
 

Tương tự, một phụ huynh ở Vĩnh Long tâm tư: “Con tôi dự thi vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM nhưng không trúng tuyển, gia đình đang chờ giấy chứng nhận kết quả thi để làm hồ sơ xét tuyển. Theo thông báo, TS nộp hồ sơ ở đâu thì nhận giấy báo ở đó, nên suốt từ ngày 10.8 đến nay ngày nào tôi cũng đến trường THPT nơi cháu học để hỏi nhưng đều nhận được câu trả lời chưa có. Tôi muốn nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Văn Lang cho con nhưng trường này thông báo nhận hồ sơ từ 14.8 đến 25.8, chắc con tôi không còn cơ hội”.

 
Trước bức xúc này, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: “Ngày 8.8 Bộ mới công bố điểm sàn, sau đó các trường công bố điểm chuẩn và bắt đầu công việc in ấn, ký đóng dấu các loại giấy báo trong khoảng 3 - 5 ngày trước khi gửi đi các sở GD-ĐT. Để giấy báo đi từ Sở về các trường THPT và tới tay thí sinh còn cần tiếp khoảng thời gian từ 7 - 10 ngày nữa, có nghĩa phải trong tuần này thí sinh mới bắt đầu nhận được giấy báo. Với cả ngàn thí sinh dự thi vào mỗi trường, quy trình trên muốn đảm bảo chính xác thì không thể nhanh hơn”. Ông Nguyễn Quốc Cường - chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, cũng nói: “Với các trường không tổ chức thi tuyển, việc gửi các loại giấy báo sẽ chậm hơn nhiều so với các trường có tổ chức thi. Bởi lẽ, trường tổ chức thi phải gửi kết quả điểm về các trường không tổ chức thi, từ đó các trường không tổ chức thi mới ra quyết định điểm chuẩn và tiến hành gửi giấy báo tới thí sinh. Tốt nhất TS liên hệ trực tiếp với nơi đã nộp hồ sơ đăng ký dự thi để nhận giấy báo”.
 
Kết thúc nhận hồ sơ quá sớm
 
Trong khi nhiều TS vẫn đang nóng lòng chờ đợi giấy chứng nhận kết quả thi thì ở nhiều trường thời gian xét tuyển đã kết thúc.
 
Theo lịch công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 của Bộ, từ ngày 20.8 các trường công bố điểm trúng tuyển, gửi giấy chứng nhận kết quả thi, phiếu báo điểm và giấy báo trúng tuyển cho các sở GD-ĐT, để các sở này gửi về cho TS. Bắt đầu từ ngày 21.8 các trường còn chỉ tiêu mới thông báo điều kiện xét tuyển và tiến hành tổ chức xét tuyển.
 
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi Bộ công bố điểm sàn (ngày 8.8) thì hàng loạt trường đã thông báo điểm chuẩn, điều kiện xét tuyển bổ sung và tổ chức nhận hồ sơ. Trong đó nhiều trường công bố nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày 10.8, như: ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, ĐH Điện lực, Học viện Báo chí và tuyên truyền, ĐH Hồng Đức, ĐH Xây dựng miền Trung… Trong chương trình trực tuyến của Thanh Niên ngày 17.8, thạc sĩ Tạ Quang Lâm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, giải thích: “Do lượng TS quan tâm nhiều tới các ngành xét tuyển của trường, nên trường thông báo nhận hồ sơ sớm để tạo điều kiện cho những TS có thể nộp sớm. Tuy nhiên trường vẫn kéo dài thời gian nhận đến đầu tháng 9 để đảm bảo quyền lợi của TS nộp sau”.
 
 Không chỉ nhận hồ sơ sớm, nhiều trường cũng kết thúc thời gian nhận hồ sơ ngay trong tháng 8, như: ĐH Quốc tế TP.HCM kết thúc ngày 23.8, ĐH Điện lực ngày 28.8, ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Kinh tế công nghiệp Long An thông báo chỉ nhận hồ sơ đến 25.8, ĐH Xây dựng miền Trung chỉ nhận đến 20.8…
 
Trước việc công bố thời gian nhận và kết thúc xét tuyển quá sớm của nhiều trường, tiến sĩ Hạ cho rằng điều này sẽ bất lợi cho TS. Các trường nên bắt đầu nhận hồ sơ từ ngày 20.8. Ông Cường cũng nói: “Nhiều trường nhận hồ sơ quá sớm, kết thúc cũng sớm tuy không vi phạm quy chế tuyển sinh nhưng ảnh hưởng, gây mất quyền lợi của TS. Dù các trường có quyền chủ động trong việc hoạch định thời gian và số lần xét tuyển nhưng cần cân nhắc kỹ để đảm bảo quyền lợi TS”.
 
Hà Ánh / TNO
.