Trước tết, Bộ VHTTDL đã có văn bản cấm việc đổi tiền lẻ tại các lễ hội xuân Giáp Ngọ. Ngân hàng nhà nước cũng đã tuyên bố sẽ không in thêm tiền mệnh giá thấp. Thế nhưng, hoạt động đổi tiền lẻ vẫn diễn ra công khai ở hầu hết các lễ hội và cùng với dịch vụ đổi tiền là hành vi phản cảm tồn tại từ nhiều năm: Rải tiền lẻ tràn lan tại đình, chùa...
 
 
Bất chấp lời “tuyên chiến” với hiện tượng đổi tiền lẻ, rải tiền lẻ cầu lộc, ngay tại đền Trần (Nam Định) trong đêm phát ấn đã tái diễn hiện tượng hàng nghìn người tìm cách nhét đủ loại tiền lẻ vào kiệu rước ấn. Thậm chí khi không tiến gần tới kiệu, người đi lễ sẵn sàng... ném tiền vào kiệu, tạo ra “cơn mưa tiền lẻ” khi kiệu rước ấn đi ngang qua.
 
Hình ảnh người đi lễ cầm cả xấp tiền lẻ (mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng) kẹp vào hai tay xì sụp khấn vái không phải là chuyện lạ. Dùng tiền lẻ cầu may, cũng có người đặt lễ, nhưng không biết làm gì. Đình Thanh - sinh viên năm thứ hai Đại học Hà Nội nói: “Thấy người ta làm vậy em cũng đặt lễ thôi”.
 
Cũng phải thừa nhận rằng nhiều BTC cũng đã có những biện pháp nhằm hạn chế việc tiền lẻ tại các lễ hội, nhưng không thể giải quyết ngay. Tại Chùa Hương - nơi mà số lượng tiền lẻ hằng năm lên tới vài chục tỉ đồng, BTC cũng đã có những khuyến cáo, yêu cầu du khách đặt tiền đúng chỗ quy định. Thế nhưng, chỉ sau khi lễ khai hội chùa Hương diễn ra chưa được 1 tuần thì đã có hai đơn vị là UBND huyện Mỹ Đức, Sở VHTTDL Hà Nội bị Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phê bình vì để tái diễn tình trạng nhếch nhác, phản cảm, trong đó có đề cập tới dịch vụ đổi tiền lẻ tràn lan trong khu vực tổ chức lễ hội.
 
Liệu có thể ngăn chặn “vấn nạn” tiền lẻ tại các lễ hội bằng cách ra các chỉ thị và lệnh cấm? Điều ấy cần, nhưng không đủ, nói như một chủ sạp đổi tiền lẻ ở đền bà Chúa Kho: “Sẽ không bao giờ hết, nếu người đi lễ vẫn có nhu cầu đổi tiền lẻ để đi lễ, cầu may. Chỉ khi không còn nhu cầu ấy, thì chúng tôi cũng sẽ không còn cơ hội đổi tiền như thế này”.
 
Theo Lao động