leftcenterrightdel
 PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh cùng nhà thơ Hà Cừ và các đồng nghiệp ở Hải Dương

Xin lấy câu thơ trên của Nguyễn Hồng Vinh làm tiêu đề cho bài viết, có thể chưa nói được nhiều, nói được hết về cái hay, về phong cách, về sự đa dạng trong thơ Anh. Trong thơ Hồng Vinh, có rất nhiều “mầm”, mầm xanh theo nghĩa đen; còn theo nghĩa bóng, là “mầm” hy vọng, “mầm” của yêu thương… - tất cả như đang cựa quậy, đang bung nở, tươi rói và đầy hứa hẹn. Những dòng thơ truyền cảm hứng, truyền “lửa” tin yêu vào cuộc đời hiện hữu, cho dù cái thiện đang vật vã đẩy lui cái ác thời cơ chế thị trường. Như là quy luật, nhà thơ cần thấu hiểu để thấu cảm cuộc sống, gửi tấm lòng mình vào từng con chữ để tạo sự suy ngẫm, lắng đọng trong tâm người đọc. Người viết cần có vốn tri thức, vốn sống, có tấm lòng và có cách thể hiện riêng. Đó mới là sáng tạo nghệ thuật.

Thơ Hồng Vinh là thơ của người hiểu đời, cảm đời nên dễ đi vào lòng người. 99 bài tuyển chọn trong 8 tập thơ đã xuất bản, đa dạng về đề tài, phong phú về bút pháp, chặt chẽ về cấu tứ với nhiều lắng sâu… Điều nổi bật dễ thấy là, anh đã tạo được cái giọng riêng khó lẫn - đó là giọng chân tình, ân tình. Cái mạch chìm thao thiết cứ ngầm chảy trong hồn thơ nên dù có nói về đề tài nào thì người đọc vẫn nhận ra có cái chất giọng ân tình ấy. Với thơ thì “giọng” là tài sản riêng của nhà thơ. Sống với đời thế nào thì có cái “giọng” ấy. Giống như men tốt mới có rượu ngon. Giọng như “rượu” nhờ được chưng cất từ thứ men quý kết tinh từ đời sống và tâm hồn nhà thơ luôn bám rễ cuộc sống.

leftcenterrightdel
 PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh dự lễ trao giải "Búa Liềm Vàng" ngày 3/2/2020 tại Nhà Hát Lớn Hà Nội

Hồng Vinh làm thơ tự nhiên, không cầu kỳ sắp xếp câu chữ, vần điệu. Nhịp đi của câu thơ cứ như là nhịp đi của đời sống vậy. Nhưng đọc kỹ, ta nhận ra tác giả không hề dễ dãi vì làm chủ được cảm xúc, tiết chế được thi liệu. Anh làm thơ bằng cái tâm hơn là sự cầu kỳ gọt giũa; ngôn ngữ thơ anh là tiếng nói trung thành của những cảm xúc, những rung động, những nghĩ suy thẩm mỹ… Thơ anh trước hết là thơ của tấm lòng. Ai cũng có một người cha, nhưng hình tượng người cha trong thơ anh thật cảm động, rất thật trong cuộc đời bươn chải nơi đồng đất chiêm khê, mùa thối: “Một thời nước trắng đồng chiêm/ Bóng Cha phủ kín con thuyền nghiêng chao/ Gió đông thổi dọc kiếp nghèo/ Áo sờn một tấm tóp teo thân già/ Chang chang nắng lửa đồng xa/ Oằn lưng cha đẩy, ướt nhoà mồ hôi…” (Cha vẫn còn đây). Cách dùng từ thật gợi: “tóp teo” (tính từ), “oằn lưng” (động từ) làm bật lên đặc trưng hình tượng: cái tần tảo, vất vả, lam lũ thấm sâu vào người cha, từ hình dáng người đến hoạt động gắn với con thuyền, bến nước. Đó là sự quan sát kỹ và tinh tế đã đành, nhưng cái chính là cái hồn, cái tình của người viết - mà đây mới là điều chủ yếu. Ai cũng có một người mẹ, nhưng người mẹ trong thơ anh là rất riêng mà cũng rất chung. Mẹ chăm con, lo cho con: “Rau lang luộc với cơm độn sắn/ Rét tháng Giêng, bếp lạnh, mẹ thức chờ/ Vừa chợp mắt canh ba, Mẹ đã vùng thức giấc/ Lo cơm nắm muối vừng cho con học đường xa” (Nhớ mẹ). Lòng mẹ là những gì thật cụ thể, là rau lang, là cơm độn sắn, là cơm nắm muối vừng… Đấy chính là chất liệu của thơ. Đấy cũng là nguyên tắc làm thơ: tôn trọng cái thật, thi liệu thật, tình cảm thật.

leftcenterrightdel
 PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh dự giao ban Hội Hữu nghị Việt - Nga năm 2019

Hồng Vinh tái hiện hình tượng người anh trai trong nỗi đau: “Cả đời Anh chưa một ngày thanh thản/ Luống cày nối nhau lấp hết tuổi xuân/ Một hơi ấm bàn tay, một nụ hôn chưa trải/ Bức thư về nhà đầu tiên cũng là bức cuối cùng” (Anh nằm nơi nao). Người đọc thấy trong nỗi đau ấy là sự hòa trộn nỗi xót xa và tiếc nuối. Xót anh mình chết trẻ. Tiếc anh mình chưa được hưởng một chút cái xao động, lung linh của thời thanh xuân. Câu “Luống cày nối nhau lấp hết tuổi xuân” hay mà đau! Không có hình ảnh nước mắt, nhưng phải có nước mắt thấm xuống luống cày ấy, mới có câu thơ buốt đau, dứt day này!

Giọng thơ ân tình nhỏ nhẹ mà thấm thía: “Lối nhỏ năm nào/ Đá lao xao/ Cây xoè tán/ Mát ghế công viên/ In hình bóng Em - Anh/ Thời gian như bóng câu/ Đầu cả hai điểm bạc/ Lời ước nguyện năm nào/ Tim vẫn xanh sắc thắm!” (Xanh mãi). Vừa là kể, vừa là tâm tình, vừa là tái hiện, vừa là tri ân…Tình yêu giữa họ bắc cầu qua năm tháng. Tri ân kỷ niệm, tri ân thời gian, và tri ân “bạn đời” đã cùng nhau vượt qua năm tháng với bao khó khăn, gian nan đời thường để vun trồng cây tình yêu cho trái ngọt…

Thơ Hồng Vinh sâu và gợi về người lao động bình thường. Đây, cô gái trồng hoa có “tiếng cười sáng cả chiều đông” (Cúc hoạ mi). Còn đây, cô bán đào chợ Tết: “Giữa nắng đông phơ phất/ Cô bán đào cười duyên/ Người đẹp, đào càng đẹp”. Người đi ngắm hoa bị hút hồn, nên tự hỏi, cũng là tự quyết “Sao không mua một cành!?” (Đào Tam Điệp).

Tiếng thơ ấy cũng thật ân tình với các miền quê. Anh thưởng thức vẻ đẹp Hà Nội bằng sự huy động các giác quan cảm nhận cái tinh tế đầu thu: “Đàn sâm cầm Hồ Tây chao nghiêng mỗi sớm (thị giác)/ Đường Bà Triệu sấu rơi (thính giác)/ Cốm làng Vòng toả hương xóm, phố (khứu giác)” (Chớm thu). Anh lên Vị Xuyên để nhớ về đồng đội ngày đuổi giặc: “Quên sao những ngày nối đêm/ Ù tai đạn cày, pháo dập/ Hang đá như lò vôi nóng/ Đồng đội bao người hy sinh” (Thiêng liêng hoà bình).

Theo sự nghiên cứu của chúng tôi, thơ thế giới hôm nay nghiêng về trí tuệ, cắt nghĩa, lý giải. Nhưng ở ta thứ thơ này chưa nhiều. Thơ triết lý khó hay và khó làm. Hình tượng thơ nhiều khi đồng nhất với những cặp khái niệm triết học đối lập, tương hỗ, tương phản, nhân quả… để tự chúng bật toát ra ý nghĩa, khơi gợi mỗi bạn đọc bằng vốn kiến văn, vốn trải nghiệm mà thu nhận cho riêng mình một bài học nào đó. Thơ Nguyễn Hồng Vinh giàu màu sắc triết lý về cuộc đời, về con người, nhưng dễ thẩm thấu bạn đọc. Có nhiều bài hay, nói tới cây xanh, chồi xanh, lá xanh, mầm xanh để tạo cho chúng một “mã” của sự sống đang cựa quậy, đâm chồi, phát triển. Có bài mang ý vị triết học riêng trong mối quan hệ tự nhiên giữa cây xanh với con người: “Cây thì thầm gì với xuân?/ Từng cọng lá khô cuốn xoay theo gió/ Ném sầu đau vào quá khứ/ Vang khúc Tình ca ngày mai!” (Thì thầm xuân). Các cặp quan hệ “cây”/ “xuân”; “lá khô”/ “gió”; “sầu đau”/ “tình ca”; “quá khứ”/ “ngày mai” như hô ứng, như dồn đẩy nhau để bật ra ý tưởng. Mùa xuân đến cũng đồng nghĩa với những lá khô rụng cành bay theo gió, đưa những đau buồn đi vào quá vãng. Xuân đến đón chồi non cũng như đời đón khúc “tình ca”. Thơ anh gieo niềm tin sâu sắc và ngập tràn hy vọng vào ngày mai với những gì tốt đẹp. Có những bài đọc qua, tưởng chỉ là “miêu tả”, nhưng mấy câu kết cuối bài là sự hàm súc trí tuệ, mang “thông điệp” của đời: “Ngập ngừng dòng tin/ Bồi hồi trang giấy/ Bồn chồn hò hẹn/ Thẹn thùng nắm tay/ Tháng Ba mưa bay/ Hạt gieo trồi đất/ Con tim nén dồn/ Bật lên tiếng hát!... (Mưa bay tháng ba). Phải chọn hạt giống tốt, đất tốt và với người gieo hạt nhiều kinh nghiệm, mới có “hạt gieo trồi đất” trong “tháng Ba mưa bay”! Thì ra quy luật cuộc đời cũng là quy luật nghệ thuật vậy!

Phẩm chất muôn thuở của thơ là cảm xúc chân thành. Đọc thơ Hồng Vinh, ta thêm tin yêu vào cuộc sống này một cách thành thực, nhận biết cái màu hồng đáng yêu của tình người, của niềm tin vẫn là chủ đạo: “Hoa pháo bừng nở đất trời/ Lung linh mắt huyền xao động/ Hồng Hà phù sa lặng trôi/ Con chữ dâng dâng như sóng/ Bãi bờ màu xanh lan tỏa/ Tứ thơ ào ạt ùa về/ Trái tim rộn ràng nhịp lá/ Rung rinh nốt nhạc Tình ca!” (Tình ca). Trước những hình ảnh vui với pháo hoa bừng nở, đôi mắt huyền long lanh thiếu nữ, vui với sông Hồng chở nặng phù sa, cảm hứng thi sĩ “dâng dâng như sóng” - đó thật sự là cội nguồn sáng tạo những tác phẩm mới góp ích cho đời.

Theo hướng đó, ta đón nhận từ tập thơ tuyển này nhiều bài “tình ca” về những vùng đất trải dài bên biển Đông, đậm chất anh hùng sử thi, với 54 dân tộc anh em, đã và đang sát cánh bên nhau lao động, chiến đấu, vượt lên địch họa, thiên tai, tràn đầy khí phách quật cường và niềm lạc quan cách mạng. Từ xứ Lạng - phên giậu biên cương phía bắc, có “núi Mẹ, núi Cha tuyết trắng đầu năm”(Đất nước tình thương), qua miền Trung “chảo lửa, bão dồn” (Đau đáu miền Trung), đến Năm Căn, vùng cực nam Tổ quốc “bỗng gặp trăm quê ở mỏm đất tột cùng” với những con người bình dị, kiên trung “vớt phù sa khóm, ấp đắp bồi, kế tiếp sự nghiệp cha ông mở cõi ra biển lớn (Từ rẻo đất tột cùng)…

Hồng Vinh rất nhạy cảm với bước đi của thời gian. Không có sự trải nghiệm, thấu hiểu, thấu cảm, khó có thể viết được những câu xao động người đọc thế này: “Hình như Thu đã về/ Lá cuộn xoay xào xạc/ Tôi và em lại gặp/ Giữa sắc trời hanh hao…/ Hình như lòng nôn nao/ Mong quay về thu trước/ Đầy vơi bao khao khát/ Cúc rực vàng triền sông…/ Có thể em đã quên/ Có thể em vẫn nhớ/ Giữa giao mùa thu - hạ/ Nắng và mưa cũng chờ…” (Hình như và có thể). Bài thơ nói hộ được nỗi lòng, tâm trạng, hoàn cảnh của nhiều người. Bạn đọc được gặp lại mình, gặp lại bao kỷ niệm của hôm qua trong bài thơ để được sống lại cái tâm trạng mơ hồ, mong manh khi được gặp bạn cũ, bỗng xao xuyến, ngẩn ngơ và tiếc nuối ùa về. Có thể nói, đây là một trong những bài thơ hay tiêu biểu trong chùm thơ về tình yêu con người, tình yêu lứa đôi trong cuốn Thơ này.

Triết học văn hóa của thế giới đương đại đang khái quát về đối thoại văn hóa, họ đưa ra bốn điều kiện cần có: hiểu biết, bình đẳng, sự khác biệt, biết lắng nghe. Ta nhận thấy thơ Hồng Vinh là một tiếng thơ đối thoại, đối thoại với đời, với người, với đất nước, với chính cái tôi của mình theo cách riêng, lối riêng! Tôi coi đó là sự đóng góp đáng trân trọng của tập thơ tuyển chọn này và chúc Nguyễn Hồng Vinh vững bước, tiếp tục gặt hái thành công mới trên con đường Thơ gian nan mà cao quý!./.

Hà Nội, tháng 3/2020

Theo N.T.T / Người làm báo