(BVPL) - Nhân dịp năm mới, tôi có dịp gặp gỡ và biết Thanh Tùng - người từng được nhiều thính giả trên khắp cả nước biết đến khi tên tuổi của ông gắn với chương trình “Câu lạc bộ Người cao tuổi”. Qua buổi gặp gỡ, trò chuyện với ông đã khiến tôi càng hiểu thêm về chân dung của một con người bình dị, dễ gần nhưng lại có một phong cách làm việc rất riêng và một tình yêu nghề đến cháy bỏng…
|
Thanh Tùng (bên trái) đang làm việc tại Studio Đài phát thanh Matxcơva. |
Thương hiệu “cụ” Tùng
Nhà Thanh Tùng nằm ven ngoại ô, trong con ngõ của đường An Dương Vương, quận Tây Hồ, Hà Nội khá thoáng đãng và yên tĩnh. Đon đả khi có khách đến, ông cười: “Thôi cậu cứ đến đây chơi, tớ có gì đâu mà viết báo cơ chứ”. Tôi đáp: “Vì nhiệm vụ mong bác tạo điều kiện”. Thế rồi ông dẫn tôi vào nhà, pha ấm trà nóng và câu chuyện giữa chúng tôi cứ thế tự nhiên diễn ra. Ông kể, vào khoảng cuối những năm 1990, trước yêu cầu đòi hỏi của thế hệ người cao tuổi, Đài Tiếng nói Việt Nam thời kỳ này do ông Trần Lâm làm Chủ nhiệm Ủy ban phát thanh - truyền hình đã quyết định xây dựng chương trình “Câu lạc bộ Người cao tuổi” và ông là người được giao phụ trách chương trình này. Đúng ngày 1/1/1990, chương trình “Câu lạc bộ Người cao tuổi” chính thức phát sóng buổi đầu tiên. Sự ra đời của chương trình được đánh giá là một trong 10 sự kiện văn hóa nổi bật của năm. Thế rồi trong gần 15 năm trời, đều đặn vào 8 giờ sáng mỗi ngày, chương trình do Thanh Tùng thực hiện với những tiết mục như “Điểm thơ”, “Ôn cố tri tân”, “Nói chuyện sức khỏe” và “Kể chuyện danh nhân” đã gắn bó với thính giả và để lại những ấn tượng tốt đẹp với một giọng đọc không lẫn vào đâu được, vừa sâu lắng, hóm hỉnh nhưng lại rất điềm đạm và nghiêm túc.
Trước khi được điều chuyển sang làm chương trình “Câu lạc bộ Người cao tuổi”, Thanh Tùng là một cây bút chuyên viết kịch và câu chuyện truyền thanh cho chương trình Công nghiệp và phân phối lưu thông, một trong những đề tài sôi động bậc nhất trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới. Từ một môi trường làm việc năng động, một người làm báo đang ở thời kỳ sung sức thế mà hàng ngày lại phải hầu chuyện các cụ, những người đã kinh qua nhiều công việc khác nhau, kiến thức và kinh nghiệm sống cũng nhiều đã khiến ông không khỏi băn khoăn, lo lắng. Thế rồi chẳng còn cách nào khác là buộc ông phải vừa làm vừa học. Ông đọc nhiều sách đông tây kim cổ nhất là những loại sách về đạo làm người. Ông cũng là người có trí nhớ tốt, ông bảo rằng, ngày đó Truyện Kiều của Nguyễn Du ông nhớ gần như không sót một từ nào. Thêm vào đó, ngoài cái giọng trời phú cho rất ấm áp để hầu thơ các cụ thì ông còn biết ngâm thơ, biết hát nữa. Làm dần thành quen và được mọi người yêu quý. Cái tên “cụ” Tùng cũng từ đây mà có. Ở Đài Tiếng nói Việt Nam, từ khi chương trình “Câu lạc bộ Người cao tuổi” được phát sóng, từ già đến trẻ và tất cả các đồng nghiệp đều gọi ông là “cụ” thậm chí những đồng nghiệp trẻ còn lập ra Câu lạc bộ “Những người yêu “cụ” Tùng” nữa.
Thanh Tùng kể lại: “Sau một thời gian chương trình phát sóng, một hôm tôi nhận được “lệnh” lên gặp cụ Phạm Văn Đồng và cụ Vũ Kỳ - Thư ký của Bác Hồ. Tại buổi gặp, cụ Phạm Văn Đồng và cụ Vũ Kỳ nói rằng, hàng ngày vẫn nghe chương trình phát thanh “Câu lạc bộ Người cao tuổi” do tôi dẫn, qua chương trình cho thấy người dẫn đã có vốn kiến thức, sự hiểu biết khá rộng, nhất là về chữ Nho, đặc biệt là đã hiểu và nắm bắt được tâm lý người cao tuổi, đem đến sự hài lòng cho nhiều thính giả nói chung và người cao tuổi nói riêng. Cụ Phạm Văn Đồng còn nói với tôi đại ý là sắp đến kỷ niệm 100 năm ngày sinh Bác Hồ, chương trình làm sao phải tiếp tục duy trì tốt từ đó thắp lên trong trái tim của người cao tuổi ngọn lửa như ngọn lửa ấm áp trong trái tim của Bác”. “Câu chuyện với cụ Phạm Văn Đồng và cụ Vũ Kỳ đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc, khiến tôi tự nhủ mình phải tiếp tục cố gắng nhiều hơn để chương trình càng hay và hấp dẫn thính giả hơn nữa” - ông Tùng nói.
|
“Cụ” Tùng hiện giờ (bên trái) và bạn bè bên căn nhà ngoại ô. |
Phải ngâm thơ để chứng minh mình là... Thanh Tùng
Với Thanh Tùng, một trong những kỷ niệm mà ông khó có thể quên trong thời gian làm chương trình “Câu lạc bộ Người cao tuổi” chính là một trong số những lần ông về quê Hồng Quang (huyện Ứng Hòa, Hà Tây cũ nay là Hà Nội) để thăm gia đình. Hôm đó trời khá rét, lúc đi ngang qua cánh đồng làng, ông thấy có 3 đến 4 cụ già đang ngồi đốt rơm hơ tay. Thấy thế, ông tạt vào xin các cụ điếu thuốc lào cho đỡ lạnh thì được biết các cụ đang chuẩn bị cùng nhau nghe chương trình “Câu lạc bộ Người cao tuổi”. Các cụ bảo đối với các cụ, chương trình như cơm ăn, nước uống hằng ngày vậy. Nghe các cụ nói thế, ông cũng thấy vui nhưng chưa vội bộc lộ “danh tính” của mình. Thế rồi, qua cuộc trò chuyện, khi ông nói với các cụ là “Thanh Tùng cũng bình thường thôi và cháu chính là Thanh Tùng đây” thì các cụ đều không tin. Có cụ còn tỏ ra ngờ vực và đặt câu hỏi: “Cụ Thanh Tùng ở Hà Nội là người nổi tiếng lại đang đọc thơ trên Đài, đừng có thấy người sang bắt quàng làm họ, ông mà là Thanh Tùng à?”. Đến nước này thì ông đành phải giở “chiêu” ngâm thơ trực tiếp cho các cụ nghe. Thế rồi ông đã ngâm đoạn Kiều đi chơi xuân trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: “Thanh minh trong tiết tháng ba/Lễ là tảo mộ hội là đạp Thanh/Gần xa nô nức yến anh/Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân/Dập dìu tài tử, giai nhân/Ngựa xe như nước, áo quần như nêm…”. Đến lúc này các cụ mới trầm trồ thốt lên: “Đúng, đúng là Thanh Tùng thật rồi”. Sau đó, các cụ đã về báo với Ủy ban nhân dân xã là có ông Thanh Tùng về. Và bữa đó, chẳng còn cách nào khác là phải nhận lời mời của các cụ ở lại ăn cơm chiêu đãi với tư cách là… “người nổi tiếng”.
Thanh Tùng tâm sự, trong quãng thời gian gắn bó với Đài, được đảm trách nhiều công việc khác nhau nhưng có lẽ đối với ông quãng thời gian được “Hầu thơ các cụ” là những ngày khiến ông khó quên và để lại trong ông nhiều kỷ niệm nhất. Hơn 10 năm làm chương trình, động lực khiến ông có thêm sức mạnh, khiến ông càng hăng say, yêu nghề chính là những nỗ lực, cố gắng của bản thân đã được đông đảo người nghe đài ghi nhận, yêu quý. Ngày đó, ở nhiều miền quê trên cả nước, nhắc đến Thanh Tùng thì ai cũng biết nhất là những người cao tuổi, dù là làm gì và ở đâu thì họ vẫn nhớ khung giờ quen thuộc để được nghe “cụ” Tùng đọc thơ. Nhiều người khi đi làm đồng hay chăn trâu vẫn mang theo chiếc Radio để nghe. Ông còn được nghe kể lại câu chuyện ở một vùng quê, vì quá mê chương trình “Câu lạc bộ Người cao tuổi” mà vào mùa hè, nhiều cụ khi đang tắm dưới sông, đến giờ phát sóng chương trình vội vàng chạy lên để nghe cho kịp mà quên cả … mặc quần áo...
“Thiên kim di tử, bất như nhất kinh”
Với kiến thức kinh nghiệm qua 44 năm làm báo và hơn 10 năm làm chương trình “Câu lạc bộ người cao tuổi”, đối với những người làm báo chúng tôi, Thanh Tùng giống như một người thầy. Trong câu chuyện với tôi, ông bảo rằng, phẩm chất tối thượng của người làm báo cách mạng chính là sự trung thực. Người làm báo luôn phải gắn kết, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống để phản ánh, gắn bó với quần chúng nhân dân thì mới có những tác phẩm báo chí chân thực, sinh động. Cũng theo quan điểm của ông, người làm báo phải là người biết trân trọng và yêu quý con chữ. Ông rất tâm đắc với câu: “Thiên kim di tử, bất như nhất kinh. Vạn khoảnh lương điền, bất như bạc nghệ” tạm dịch là có nghìn vàng để lại cho con cũng không bằng một bộ sách, có hàng vạn mảnh ruộng tốt không bằng một nghề mọn. Đối với ông, điều hạnh phúc lớn nhất là những nỗ lực, cố gắng của bản thân đã được mọi người ghi nhận, trân trọng. Tên tuổi của ông gắn với chương trình “Câu lạc bộ Người cao tuổi”, ông được nhiều thính giả trên khắp cả nước biết đến, trở thành người của công chúng và được gọi với cái tên thân mật là “cụ” Tùng. Còn tôi thì nghĩ rằng, đây chính là phần thưởng cao quý mà khán thính giả trên cả nước dành tặng cho ông nhằm ghi nhận những đóng góp trí tuệ, sự sáng tạo, mới lạ, độc đáo và sự yêu nghề của một người làm báo cách mạng chân chính.
Về hưu đã nhiều năm và hiện giờ đang sắp bước sang cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng ông vẫn còn nhanh nhẹn và yêu đời lắm. Gặp gỡ và trò chuyện với ông đã giúp tôi hiểu thêm về một lớp thế hệ cha anh yêu nghề và sống hết mình với đồng chí, đồng nghiệp. Trở về với cuộc sống đời thường, ông và bạn bè vẫn thường tụ họp để cùng ngâm thơ, ca hát, đàm đạo về thế thái nhân tình và ôn lại những kỷ niệm của một thời trai trẻ. Âu đó cũng là lẽ thường tình của những người già ở cuộc đời này. Còn đối với tôi, tôi vẫn nhớ như in cứ mỗi lần xuất hiện nhạc hiệu chương trình “Câu lạc bộ Người cao tuổi”, sau đó là lời giới thiệu: “Kính thưa các cụ, thưa quý thính giả, Thanh Tùng xin có mặt để hầu chuyện các cụ” thì ông nội và cả bố tôi chẳng ai nói với ai lại cùng nhau ghé tai và lẩm nhẩm đọc theo những lời thơ được phát trên Đài. Những hình ảnh đó bây giờ vẫn là một ký ức đẹp của tôi về ông nội - người bây giờ không còn trên cõi đời này nữa, người mỗi lần cứ có chương trình của “cụ” Tùng lại ôm tôi vào lòng và bắt nghe cùng cho đến lúc hết. Và tôi tin chắc chắn một điều rằng, hôm nay và có thể lâu hơn nữa, mỗi khi nhắc đến chương trình “Câu lạc bộ Người cao tuổi” của Đài Tiếng nói Việt Nam, người ta sẽ luôn nhớ đến ông, một thương hiệu “cụ” Tùng...
Văn Tình