Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa gửi tờ trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị thẩm định dự án bảo tồn, gia cố di tích Hòn Vọng Phu thuộc Cụm di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch (núi Nhồi), phường An Hưng, TP. Thanh Hóa.
    |
 |
Hòn Vọng Phu giống hình người phụ nữ ôm con, hình tượng gắn với truyền thuyết người đàn bà chung thủy chờ chồng đến hóa đá. |
Di tích thắng cảnh Hòn Vọng phu nằm trong cụm Di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch, còn gọi là Vọng phu thạch, là một cột đá cao khoảng 20m trên núi Nhồi; giống hình người phụ nữ ôm con. Hình tượng gắn với truyền thuyết người đàn bà chung thủy chờ chồng đến hóa đá và đã trở thành một biểu tượng đẹp trong đời sống văn hóa của người dân xứ Thanh.
Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, Hòn Vọng Phu được cấu tạo từ đá vôi, trải qua thời gian dài đã bị phong hóa, nứt nẻ. Kết quả khảo sát cho thấy, tại khu vực này có các tầng đất tàn tích, sườn tích và nhiều khối đá nứt vỡ dày trên bề mặt, chứng tỏ quá trình phong hóa diễn ra mạnh mẽ.
Di tích còn từng hai lần bị sét đánh và chịu tác động từ hoạt động khai thác đá, nổ mìn xung quanh, gây rung chấn khiến các vết nứt ngày càng mở rộng. Do đó, chỉ cần những tác động nhỏ như: mưa lớn, gió mạnh, động đất hay nổ mìn cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ an toàn của di tích, thậm chí dẫn đến nguy cơ sụp đổ.
Dự án gia cố nhằm đảm bảo sự bền vững của Hòn Vọng Phu bằng các giải pháp kỹ thuật giúp tăng độ cứng, ổn định và chống chịu tác động của thời tiết cũng như môi trường xung quanh.
Theo tờ trình của UBND tỉnh Thanh Hóa, dự toán kinh phí thực hiện dự án là 17 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh, dự kiến hoàn thành trước ngày 30/4/2025.
Được biết, sau khi xảy ra sự cố bị sét đánh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã từng tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn di tích thắng cảnh Hòn Vọng Phu.
Tại cuộc hội thảo, 12 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học đã được trình bày, nội dung tập trung phân tích về thực trạng địa hình, địa chất khu vực núi có Hòn Vọng Phu. Đồng thời, nhà khoa học đã thảo luận, làm rõ nguyên nhân sạt lở và thống nhất giải pháp, phương án khắc phục, chống sạt lở tại khu vực di tích trước mắt cũng như lâu dài.