1,2 km bờ biển là món quà vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa).Từ bao đời, biển đã trở thành một phần tâm hồn, là nơi chở che, nuôi dưỡng họ. Nhưng những khi biển nổi sóng giận dữ cũng rất khủng khiếp; sẵn sàng cướp đi bao sinh mạng và tài sản của ngư dân. Biết bao chàng trai đi biển mà không thể trở về, bao người vợ hóa "vọng phu" mỏi mòn chờ đợi. Hàng năm, biển còn xâm thực làm cho mảnh đất vốn đã nhỏ bé này càng trở nên chật chội.

leftcenterrightdel
 Những người phụ nữ nơi cửa biển Ngư Lộc quanh năm vất vả, bươn chải mưu sinh.

Những người chồng, người cha nằm lại nơi biển cả 

Nhắc lại cơn bão năm Tân Mùi 1931, theo lời kể của những vị cao niên trong làng thì đó là cơn ác mộng kinh hoàng. Một trận bão lớn đột ngột đã phá hủy và nhấn chìm gần như toàn bộ thuyền bè đánh bắt ngoài khơi của ngư dân xã Ngư Lộc. 

Trận bão đã cướp đi 344 sinh mạng và nhiều người khác bị thương. Vợ mất chồng, con mất cha, anh em mất người thân, hầu như nhà nào cũng có người thân xấu số. Nước mắt, nước mưa hòa tan trong nước biển mặn mòi khi cơn bão đi qua.  

Đến năm 1996, người dân huyện Hậu Lộc lại phải gánh chịu một trận cuồng phong khác, khiến 121 người không thể trở về, trong đó, Ngư Lộc có gần 60 người. Đến thăm bà Bùi Thị Xuân (58 tuổi, ở thôn Thắng Lộc) tại một góc nhỏ trong chợ, khi bà đang bày bán vài nải chuối, buồng cau. 

Nhắc đến câu chuyện này, bà lại rưng rưng: “Quê ruộng bể nghề, chúng tôi sinh ra và lớn lên ở đây nếu không đi bể thì đói. Ông nhà tôi đi bể với bố mẹ từ khi còn nhỏ. Đến khi lập gia đình vẫn tiếp tục theo nghề đánh bắt. Hơn chục năm lam lũ, tích góp được ít vốn, vay mượn thêm mua được con thuyền nhỏ, rồi kêu anh em, hàng xóm đi làm cùng kiếm kế sinh nhai. Nhưng vào cái ngày kinh hoàng năm 1996, trên thuyền ấy có 9 người thì 8 người không về nữa, trong đó có ông nhà tôi.” 

Nỗi ám ảnh nơi Diêm Phố chưa nguôi ngoai thì 9 năm sau, người Ngư Lộc lại phải đối mặt với cơn đại hồng thủy. Đã bao lần, Làng Diêm Phố phải oằn lưng gánh chịu thảm họa của thiên tai. Những cơn bão lũ, giông lốc đã hằn sâu lên mảnh đất, đè nặng đôi vai của những người mẹ, người vợ. 

Theo chân cán bộ phụ nữ xã đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Hiền ở thôn Thắng Phúc. Chúng tôi được biết, năm 2013 do bị đột quỵ trên biển, người chồng đã bỏ chị và hai con thơ dại mà đi. Khi trò chuyện cùng chúng tôi, cảm xúc chị vẫn còn nguyên vẹn như ác mộng mới diễn ra ngày hôm qua.

leftcenterrightdel
 Vượt qua nỗi đau và bao vất vả, chị Nguyễn Thị Hiền đã vươn lên ổn định cuộc sống.

Giọng chị nhòe đi: “Gia đình tôi vay ngân hàng để đóng con tàu hạ thủy chưa bao lâu thì anh xảy ra chuyện. Sau đó, con tàu bán không ai mua vì họ sợ bị rủi ro. Con tàu gần tỷ bạc đậu trên bãi 2 năm, bị nắng mưa phá hủy đến khi bán chỉ được theo giá "đồng nát". Gia đình tôi phải bán nhà đi trả nợ, rồi mạnh dạn vay ngân hàng để kinh doanh hàng tạp hóa, dần dần cuộc sống mới ổn định.”

Chị Triệu Tuyết Mai, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ngư Lộc cho hay: “Ở mảnh đất này, số phụ nữ chồng mất khi đi biển nhiều lắm. Có người cưới nhau nằm chưa ấm gối, có người con còn đỏ hỏn, người thì chưa kịp nhìn mặt con vì chúng còn trong bụng mẹ. Cả xã hiện có khoảng 200 phụ nữ đơn thân góa phụ. Hầu hết các chị không đi bước nữa mà ở vậy nuôi con. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng họ đều có nghị lực vươn lên, nuôi dạy con cái chăm ngoan, học hành tử tế.”

Nghị lực của những “hòn vọng phu”

Bao năm qua, người dân Ngư Lộc luôn phải gồng mình chống chọi với thiên tai, với những trận cuồng phong của biển cả. Nhưng hình như sau mỗi lần như thế họ lại trở nên cứng cỏi, vững vàng hơn. Khó khăn là vậy, khổ đau là vậy nhưng những “hòn vọng phu” của biển không gục ngã trước khó khăn. 

leftcenterrightdel
 Những người phụ nữ nơi đây họ phải làm những công việc nặng nhọc không kém gì đàn ông.

Chồng bà Bùi Thị Xuân đã ra đi cùng chiếc thuyền, để lại bà với đôi bàn tay trắng khi mới ngoài 30 tuổi, bên nách là 4 đứa con nheo nhóc, đứa đầu 10 tuổi, đưa nhỏ nhất mới 1 tuổi đầu. “Gia đình tôi lúc đó không còn gì hết, anh em họ hàng ai cũng nghèo nên mẹ con tôi dựa vào nhau mà sống. Tôi làm đủ nghề miễn là có tiền, bằng mọi giá tôi quyết tâm cho con đi học để không phải theo nghề đi bể.” – bà Xuân ngậm ngùi. 

Cuộc sống “giật gấu vá vai” cứ như vậy trôi đi. Giờ đây, 3 người con đầu của bà đã có cuộc sống ổn định. Còn đứa con gái út học giỏi nên được đi du học bên Nhật Bản. Tất cả những điều đó đã mang lại hạnh phúc, niềm tin vững chắc vào tương lai của người góa phụ nghèo.

Còn chị Nguyễn Thị Hiền, được sự giúp đỡ, động viên của người thân, chị đã mạnh dạn vay vốn để làm kinh tế. Hiện tại, chị đã có một cửa hàng tạp hóa với đầy đủ các mặt hàng, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của gia đình và nuôi con ăn học. Khi được hỏi chồng mất, dù tuổi đời còn quá trẻ, sao chị không nghĩ đến việc đi bước nữa cho đỡ vất vả thì chị nghẹn ngào: “Cuộc sống tuy vất vả khi thiếu đi người đàn ông nhưng với tôi lúc này con cái là quan trọng nhất. Nhìn thấy các con ngoan ngoãn, mạnh khỏe là tôi vui và đó như có động lực để bước tiếp rồi.” 

Số phận hẩm hiu không chỉ gọi tên bà Xuân, chị Hiền. Ở mảnh đất ven biển này, số phụ nữ chồng mất khi đi biển nhiều. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng những “hòn vọng phu” nơi đầu sóng này vẫn kiên cường, luôn làm tròn bổn phận của người mẹ, người con trong gia đình. Nhiều người vươn lên và trở thành điển hình trong nuôi dạy con cái và phát triển kinh tế của xã. Họ là những người đã trực tiếp góp phần làm cho mảnh đất Diêm Phố xóa đi màu ảm đạm, thay vào đó là cuộc sống nhộn nhịp, no đủ. 

leftcenterrightdel
 Những người phụ nữ xã Ngư Lộc đã nỗ lực bươn chải, mỗi người một nghề phát triển kinh tế gia đình và nuôi con ăn học tử tế.

Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết: “Địa phương xác định kinh tế biển là chủ lực. Có lúc biển rất hiền hòa nhưng có lúc giận dữ, khi có tai nạn xảy ra, người chịu đau thương nhiều nhất là những người mẹ, người vợ. Có những người chồng xấu số để lại trên bờ vợ trẻ và những đứa con thơ rất đáng thương. Song, bằng nghị lực phi thường, những người phụ nữ xã Ngư Lộc đã nỗ lực bươn chải, mỗi người một nghề phát triển kinh tế gia đình và nuôi con ăn học. Cho đến nay, cơ bản số phụ nữ có chồng mất trên biển đã ổn định cuộc sống. Địa phương cũng luôn quan tâm đến những gia đình thiệt thòi này bằng những việc làm thiết thực: Chia sẻ, thăm hỏi khi tai nạn xảy ra, bảo đảm an sinh xã hội, ngày lễ, Tết, đề xuất để các hộ được vay vốn ưu đãi nhất, tạo hành lang pháp lý tốt nhất để họ phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống”.

Bảo Châu