Tên gọi Thanh Hóa có tự bao giờ? Vấn đề này đã được đặt ra và tập trung tìm kiếm nhiều năm trở lại đây.

Gần đây, sau 3 cuộc hội thảo lớn thu hút nhiều tâm sức, nhiệt huyết của các nhà lãnh đạo, các nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài tỉnh, đã có lời giải đáp đó là “vào năm 1029, Thanh Hóa mới trực thuộc Trung ương, đến nay đã 990 năm”.

Như vậy danh xưng Thanh Hóa có từ triều đại nhà Lý, thời Lý Thái Tông niên hiệu Thiên Thành năm thứ Hai - một triều đại an bình thịnh trị in dấu ấn đặc biệt trên đất Thanh Hóa, một triều đại có sự đóng góp to lớn với công lao hiển hách của các người con ưu tú xứ Thanh đó là: Đào Cam Mộc, Lê Phụng Hiểu, Nguyễn Tuyên...

Danh xưng Thanh Hóa là niềm từ hào của người xứ Thanh với bề dày truyền thống lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hai tiếng Thanh Hóa đã vang lên niềm tự hào và kiêu hãnh trong sử sách, trong các văn bản của các triều đại và các phương tiện truyền thông xưa và nay.

leftcenterrightdel
Đề Đồng Cổ, tại xã Yên Bái, huyện Yên Định gần 1.000 năm tuổi 

Theo đó, ngày 12/7/2017, tại kỳ họp thứ ba, HĐND tỉnh khóa XVII đã quyết nghị lấy năm 1029 là năm ra đời danh xưng Thanh Hóa với tư cách đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.

Sự kiện lịch sử này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo sự phấn khởi, lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

leftcenterrightdel
Đền Sùng Nghiêm, tại huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) gần 900 năm tuổi 
Cứ liệu lịch sử để định danh đó được dựa vào “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” của các sử thần triều Nguyễn; sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi và công trình nghiên cứu Việt Nam qua các đời của GS Đào Duy Anh.

Đặc biệt, từ phát hiện và tìm hiểu nghiên cứu, căn cứ có sức thuyết phục cao nhất là ghi trên bia nhà Lý hiện đang được lưu giữ tại Khu văn hóa thôn Thọ Văn, xã Hoằng Phúc, huyện Hoằng Hóa.

Tấm bia vốn có thể được đặt tại chùa Ngố (Ngố Tự) ngôi chùa có cự ly gần nhất khi tấm bia được phát hiện, sau đó được di lên Nghè ba xã, rồi được di về trụ sở Ủy ban xã Hoằng Phúc, tiếp đến được đưa về đền Cao Sơn, trước khi yên vị tại Khu văn hóa thôn Thọ Văn hiện nay.

leftcenterrightdel
Chùa Phục Hưng (TUBA) tại phường Đông Hương TP Thanh Hóa xây dựng từ thời nhà Lý, hiện được khôi phục lại 

Vậy, tại sao từ sau 1029 quốc sử vẫn còn nhắc đến tên Ái Châu mỗi khi xảy ra sự việc quan trọng? Dường như đã tính trước được sự phản biện này, trong tham luận của Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ đã lần lượt giải thích thoả đáng:

Cách làm việc của Quốc sử quán triều Nguyễn rất công phu nghiêm túc, rất đáng tin cậy, theo cách khảo cứu, chú thích thời xưa, có nhiều trường hợp không phải cần dẫn chứng tư liệu. GS Hà Văn Tấn, một nhà khoa học nổi tiếng chú thích Dư địa chí của Nguyễn Trãi, mục Thanh Hoá, ghi rõ là “Năm Thiên thành thứ 2 (1029) đổi làm phủ Thanh Hoá”.

Từ sau 1029, Ái Châu đổi thành Thanh Hoá, một số sự kiện như đánh giặc Đãn Nãi, vẫn dùng địa danh Ái Châu, tên một đơn vị hành chính tương đương quận, huyện vẫn còn dùng cùng với quận Cửu Chân, thuộc phủ Thanh Hóa từ 1029.

Theo công trình nghiên cứu “Văn khắc Hán Nôm Việt Nam tập 1. Sách do Viện nghiên cứu Hán Nôm và Viễn Đông Bác cổ xuất bản năm 1996 số bia từ thời Bắc thuộc đến thời nhà Lý cả nước có tổng số 27 bia và chuông riêng Thanh Hoá có 6 bia:

1- Đại Tuỳ Cửu Chân quận Bảo An Đạo tràng chi bi văn, dựng năm 618 ở thôn Trường Xuân, xã Đông, Minh Đông Sơn (hiện để tại Bảo tàng Lịch sử).

2- An Hoài Sơn Báo Ân tự bi ký dựng năm 1100 tại Núi Nhồi chùa Báo Ân, Đông Sơn, Thanh Hoá.

3- Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh dựng năm 1118 tại thôn Duy Tinh, xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc.

4- Càn Ni Sơn Hương Nghiêm tự bi minh dựng năm 1125 đặt tại chùa Hương Nghiêm, xã Thiệu Trung, Thiệu Hoá, Thanh Hoá.

5- Ngưỡng Sơn Linh xứng tự bi minh dựng năm 1126 xã Ngọ Xá, phủ Hà Trung Thanh Hoá (hiện để tại Bảo tàng Lịch sử).

6- Bảo Chưởng Thái Bà mộ chí năm 1207 tại xã Hoà Chúng, huyện Quảng Xương (hiện để tại Bảo tàng Lịch sử).

Trong số 6 bia nói trên thì 3 tấm bia đã được đưa vào Bảo tàng Lịch sử và có chế độ bảo vệ đặc biệt, 3 tấm còn ở lại Thanh Hoá thì đã bị biến dạng hư hỏng nhiều.

Niên đại 1029, Quốc sử quán triều Nguyễn không cho biết căn cứ vào tài liệu nào.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi Vua, một trong những việc làm đầu tiên của ông là “đổi 10 đạo làm 24 lộ, châu Hoan, châu Ái làm trại (Đại Việt Sử ký toàn thư T.1 NXBKHXH tr 242). Văn bia chùa Minh Tịnh dựng trên đất Hoằng Hoá có chữ trại, cho thấy vùng Thanh Hoá thời Lý Nhân Tông gọi là trại.

Theo nội dung văn bia sau phần ca tụng sự hưng thịnh của nhà Lý tác giả trình bày ông Sùng Nghi sứ Hoàng Khánh Văn, được triều đình ban cho chức Quyền Tri Thanh Hoá trại đã dâng tờ khai xin xây dựng chùa. Ngôi chùa được xây dựng trên một vùng đất hoang, cỏ cây rậm rạp.

Chùa được dựng lên là để thần dân đến tu tâm niệm Phật và cũng là để ca ngợi sự phồn vinh của vương triều Lý Nhân Tông, một thời đại mà người hiền tài, không bị bỏ rơi, kẻ trung thần lương tướng được trọng dụng. Mọi công việc trong ngoài của triều đình đều có bề tôi hết lòng phụ giúp. Tình hình nơi biên châu ổn định, nước ở xa đến chầu.

Chùa xây xong có quy mô khang trang lộng lẫy. Tấm bia cho ta hiểu một điều lý thú góp phần minh định thêm Danh xưng Thanh Hóa có từ thời nhà Lý 1029 - năm Thiên Thành thứ hai thời Lý Thái Tông và còn kéo dài cho tới thời Lý Nhân Tông và mãi sau này.