Tâm lý chung của mọi người khi biết mình bị lừa đều rất bức xúc và mất niềm tin, nhưng một số người khác lại tỏ ra vui vẻ, thanh thản bởi họ đã làm một việc tốt.


Độc giả NhoxMap Muri, một nhân viên của cửa hàng xăng, cho biết, thực tế còn nhiều trường hợp lừa dối hơn thế nữa, mỗi ngày anh tiếp xúc với rất nhiều người nên biết một chút thủ đoạn của “cao thủ ăn xin”.

Đầu tiên là những người thanh niên dắt xe máy, có thể là ông già, bà lão vào xin tiền khách hàng đổ xăng. Mọi người thấy đối tượng này đừng vội cho tiền vì họ thường để xe hết xăng rồi dắt tới. Người nào cho tiền xong, họ sẽ đợi người đó đi rồi tiếp tục xin người khác. Trong 1 tiếng đồng hồ nhìn những người đó lợi dụng lòng tốt của nhiều người, anh nhân viên ước tính bọn lừa đảo kiếm được hơn 200.000 đồng.

Anh bức xúc: "Đây là số tiền một người lao động chân tay chân chính làm cả ngày chưa chắc đã có được".

Anh kể thêm, đối tượng lừa thứ hai là những người bán vé số ngồi xe lăn, gắn mác người tàn tật như bà dắt cháu, vợ dắt chồng, cháu dắt bà... trong đó, hơn 90% là giả. Họ đánh vào tâm lý thương hại của mọi người, yêu cầu sự giúp đỡ bằng cách mua vé số. Thế nhưng, khi vắng khách hay đi về, người ngồi xe lăn đứng dậy đi lại bình thường. Đối tượng này cũng kiếm được nhiều tiền vì những người có lòng hảo tâm sẽ vừa mua vé số vừa cho thêm.

Đối tượng thứ ba là những kẻ ăn xin ở các cây xăng đội nón che mất khuôn mặt, họ giả làm người khuyết tật. Thực ra, họ cũng là người ở độ tuổi lao động nhưng lợi dụng lòng hảo tâm của mọi người.

“Còn nhiều đối tượng với hoàn cảnh giả dạng khác nhưng tôi mong mọi người hãy cảnh giác. Tôi chỉ là nhân viên nơi đó, vì công việc có nhiều ràng buộc nên tôi không thể vạch mặt bọn lừa đảo này. Tôi hy vọng mọi người để lòng trắc ẩn đúng chỗ, đừng để mồ hôi nước mắt của mình phí như vậy”, anh nhấn mạnh.
 

Theo Tri Thức

.