(BVPL) - Tết Đoan ngọ hay còn gọi là “Tết diệt sâu bọ” vào ngày mùng 5/5 âm lịch là ngày Tết truyền thống của Việt Nam. Mỗi năm cứ đến dịp này, người dân lại tất bật chuẩn bị đồ cúng lễ và thực hiện những nghi thức đặc biệt.
 
Tết Đoan ngọ bắt nguồn từ đâu?
 
Truyền thuyết của Việt Nam kể lại rằng, vào một ngày sau vụ mùa, nông dân đang ăn mừng vì trúng mùa, nhưng sâu bọ năm ấy kéo dày, ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch.
 
Người dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm đơn giản gồm có bánh gio, trái cây, sau đó ra trước nhà mình mà vận động thể dục.
 
Người dân thấy vậy làm theo thì chỉ một lúc sau, sâu bọ theo nhau té ngã rã rượi. Ông lão cũng bảo thêm: Sâu bọ hàng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng.
 
Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì lão ông đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày "Tết diệt sâu bọ", có người gọi là "Tết Đoan ngọ" vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ (khoảng thời gian từ 11h tới 13h).
 
Một số đồ ăn để
Một số thực phẩm để "diệt sâu bọ" trong ngày Tết Đoan ngọ (Ảnh: nguồn internet)
 
Ý nghĩa của Tết Đoan ngọ
 
Tết Đoan Ngọ được gọi là Tết diệt sâu bọ vì diễn ra trong lúc tiết trời nóng bức nhất, cũng là khoảng thời gian chuyển mùa, sâu bọ, côn trùng cũng được dịp phát triển gây bệnh cho người, vật nuôi và cây cối. Vào ngày này, người dân thực hiện các nghi lễ diệt sâu bọ và dâng hương cầu tai qua nạn khỏi, được mùa.
 
Cũng theo quan niệm xưa, trong cơ thể con người, nhất là bộ phận tiêu hoá thường có sâu bọ ẩn sống, nếu không diệt trừ thì sâu bọ ngày càng sinh sôi nảy nở gây nguy hại cho con người. Lũ sâu bọ này chỉ lộ diện vào ngày 5/5 Âm lịch nên phải làm lễ trừ sâu bọ vào ngày này.
 
Tết Đoan Ngọ cũng là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp đầm ấm. Vì vậy, hàng năm cứ đến mùng 5/5 âm lịch, con cháu dù làm ăn xa xôi mấy cũng cố thu xếp để về.
 
Nghi thức trong ngày Tết Đoan ngọ
 
Vào thời điểm này, trái cây, hoa lá bắt đầu đơm hoa kết trái mong một mùa bội thu, vì vậy, hoa quả là thứ đồ cúng không thể thiếu. Ngoài ra còn có những đồ cúng khác tùy theo tập quán của từng địa phương để cúng tổ tiên và trời đất, với hy vọng mùa màng sẽ bội thu và đời sống no đủ.
 
Sau lễ cúng là đến tục lệ diệt sâu bọ. Theo quan niệm cổ truyền, có thể diệt sâu bọ bằng cách ăn thức ăn, hoa quả, rượu nếp vào ngày 5/5. Các loại thực phẩm được sử dụng nhiều để "diệt sâu bọ" thường là đào mịn lông tơ, mận chua, mận ngọt, chuối ta mập mạp, dưa hấu bổ dọc thành những chiếc thuyền rồng sơn son mịn cát lóng lánh như lân tinh, dứa còn nguyên cái mũ miện xanh rờn óng bạc, nhưng trong ruột vàng tươi. 
 
Tại Hà Nội và một số vùng của miền Bắc ngày này, rượu nếp, đặc biệt là rượu nếp cẩm, là món không thể thiếu. Người miền Trung và miền Nam thì có món bánh ú lá tre hoặc bánh tro với nguyên liệu cũng là gạo nếp, đậu xanh và một vài thức khác.
 
Người Việt Nam thường giết sâu bọ ngay khi thức dậy vào sáng sớm và giết sâu bọ bằng thức ăn, nhất là bằng rượu nếp, bánh tro và hoa quả… 
 
Với trẻ em, sáng sớm ngủ dậy khi trẻ còn ở trên giường cho trẻ ăn hoa quả, ít rượu nếp, trứng luộc, bôi hồng hoàng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để giết sâu bọ. Sau đó mới đi rửa mặt mũi, chân tay, đánh răng rửa mặt. 
 
Với người lớn, sáng ngủ dậy không được đặt chân xuống đất mà phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, tiếp đó ăn một quả trứng vịt luộc. Sau đó bước chân ra khỏi giường uống một ít rượu (hoặc ăn một bát rượu nếp) cho sâu bọ say, tiếp đó ăn trái cây cho sâu bọ chết.
 
Ở một số nơi vùng nông thôn, theo lệ, đúng ngọ (12h trưa), người dân rủ nhau đi hái lá. Đây là thời khắc có dương khí tốt nhất, là giờ mặt trời toả ánh nắng tốt nhất trong năm.
 
Cây cỏ hái được vào giờ này có tác dụng chữa bệnh rất tốt như các bệnh ngứa ngoài da, nhất là các bệnh về đường ruột hay khi cảm mạo, đem những lá thuốc này nấu nước xông giải cảm rất tốt.
 
Ngày xưa, vào ngày này, người ta còn có tục nhuộm móng chân, móng tay, tục khảo cây lấy quả, tục treo ngải cứu để trừ tà...
 
Những em bé chưa biết đi thì được lấy một ít vôi quyệt vào thóp, vào ngực và rốn để chúng không bị đau bụng, nhức đầu. Tuy nhiên, phần lớn các tục lệ này nay đã được bãi bỏ, chỉ còn giữ lại tục tắm nước lá và tục đi hái lá thuốc.
 
Nơi phố phường, thị thành, không nhiều vườn tược, cỏ cây, người dân có lệ đi mua lá thuốc mùng 5.
 
Dịp này, những người buôn bán từ quê ra đều mang theo đủ thứ loại lá bày bán. Lá được xắt nhỏ, phân từng loại riêng biệt, người đi chợ chọn lấy những lá có mùi vị ưa thích mua về, đúng ngọ ngày mồng 5, lại đem ra phơi khô rồi bọc lại để trong tủ thuốc gia đình, dùng khi nhà có người ốm đau.
 
Như vậy, Tết Đoan ngọ là ngày Tết có ý nghĩa đặc biệt, trước là tưởng nhớ tổ tiên, sau là ước mong chữa bệnh, cầu sức khoẻ. Tết Đoan ngọ đã gắn với tín ngưỡng của cả cộng đồng, trở thành một lễ Tết truyền thống. Đồng thời, đây cũng là dịp để những người trong gia đình tụ họp, quây quần đầm ấm bên nhau kể từ sau Tết Nguyên Đán.
 
Thương Huyền (th)
.