(BVPL) - Với người Việt Nam, đón Tết quan trọng nhất không phải là bằng vật chất mà bằng tinh thần. Tinh thần ấy được thể hiện bằng sự biết ơn, thành kính với tổ tiên, với các bậc sinh thành. Dù giàu hay nghèo, bất cứ ai, khi đón Tết cũng phải lau dọn bàn thờ, quét nhà, quét cửa cho sạch sẽ để đón ông bà ông vải về vui xuân cùng con cháu. Thời còn khó khăn, dẫu nghèo đói đến đâu người ta cũng dành dụm ít tiền để mua thịt về làm cỗ cúng tổ tiên vào ngày Tất niên và ngày mồng Một. Bởi thế, mới có câu:
 


Số cô chẳng giàu thì nghèo
Ngày ba mươi Tết, thịt treo trong nhà


Nhưng ngày Tết mà chỉ có thịt thì vẫn chưa đủ. Người Việt ăn Tết, đón Tết còn vươn tới một cuộc sống tinh thần với triết lý nhân văn sâu sắc. Triết lí ấy được đúc kết thành câu nói cửa miệng dân gian:

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh


Đây là câu nói biểu hiện nét đặc trưng của văn hóa Tết Việt. Ngày nay, để khỏi lãng phí, dân ta không còn tục đốt pháo nên “tràng pháo” không còn nữa. Thay vào đó là pháo hoa bắn vào lúc giao thừa. Cây nêu cũng hiếm dần, nhưng bánh chưng, dưa hành, câu đối đỏ thì không thể thiếu trong ngày Tết.

Nói đến câu đối là nói đến một thú chơi tao nhã, một nét độc đáo của văn hóa truyền thống Việt Nam. Từ xa xưa, các cụ đồ nho người Việt vẫn coi câu đối là loại thơ 2 câu (khác với thơ 2 câu bây giờ) bởi chỉ 2 câu mà câu đối vẫn nói được cái ý trọn vẹn, hoàn chỉnh. Nhưng làm câu đối rất khó, bởi nói tới câu đối là người ta nói tới cái hàm ý sâu xa bên trong mỗi từ, mỗi chữ. Chẳng những thế, hai câu phải làm thành 2 vế tương phản, đối chọi nhau cả về mặt âm thanh và mặt ý nghĩa. Đối với từ đơn đã khó, với từ láy hay từ ghép thì càng khó hơn. Chính vì cái khó ấy mà câu đối trở nên thanh cao, tinh túy. Câu đối là sự kết tinh của trí tuệ, của tư duy về một vấn đề mang tính triết lí hay nhân sinh. Để viết được một câu đối hay, người viết chẳng những phải có kiến thức uyên bác mà còn phải am tường thực tế sâu rộng.

Trước đây, người sáng tác câu đối thường là các ông Nghè, ông Cử, quen gọi chung là các cụ đồ - thầy đồ. Ngày nay, người sáng tác câu đối thường là người biết chữ Hán hoặc là các bậc trí thức hiện đại nhưng am tường văn chương. Câu đối truyền thống được viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm, viết dọc từ trên xuống. Trong các Từ đường họ, chỗ ban thờ của gia đình hay nơi đình chùa, miếu mạo, câu đối thường đi với hoành phi thành một bộ “hoành phi câu đối” rất hoàn chỉnh. Loại câu đối đứng riêng, tách khỏi hoành phi thường là các câu đối chúc tụng vào dịp Tết, mừng thọ, mừng làm nhà, thăng quan tiến chức… Câu đối viết bằng chữ Quốc ngữ, đa phần viết ngang, từ trái qua phải.

Ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám thường có tục  xin câu đối ngày Tết. Người ta quan niệm, sang năm mới, có câu đối treo/dán trong nhà thì việc làm ăn được sáng sủa, hanh thông. Vì vậy, vào ngày 30 Tết, dù bận rộn đến đâu, người ta cũng tìm đến các cụ Đồ nổi tiếng trong vùng để xin chữ, nên mới có câu là “Xin chữ cụ đồ”. “Xin chữ” ở đây có hai nghĩa, hoặc là xin câu đối về treo nơi ban thờ, hoặc xin lấy một cái chữ do cụ Đồ ban tặng (ví dụ: chữ hiếu, chữ tâm, chữ trí…), hoặc xin cái chữ mà mình tâm nguyện, yêu thích. Gọi là “xin” vì đó là thứ giá trị không thể mua được bằng tiền. Tuy nhiên, không thể để các thầy Đồ phải lao động không công, người xin chữ bao giờ cũng có ý đem theo vài cân gạo nếp, hoặc giả cái chân giò, con gà trống… gọi là lòng thành biếu thầy trong ngày Tết. Ở thành phố, để giản tiện hơn, người ta thường cho tiền vào phong bì dâng thầy để mừng tuổi. Số tiền này hoàn toàn tùy tâm và tùy vào hoàn cảnh của người đi “xin chữ” chứ không định thành bảng giá như mua bán vật chất thông thường. Điều đó nói lên sự thanh cao của chủ nhân cho chữ và nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người xin chữ. Người cho chữ đương nhiên là những người có tâm hồn thanh cao, có hoa tay, chữ đẹp.

Tương truyền, lúc sinh thời Cao Bá Quát là người thông minh, chữ đẹp nổi tiếng, đến nỗi thiên hạ phải tôn sùng gọi là “Thần Siêu Thánh Quát” (Chữ của Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát như chữ của thần thánh vậy). Một lần, nhân năm hết, Tết đến, đúng vào cái bữa tất niên, có hai người cùng đến gặp cụ để xin câu đối Tết. Đó là một người đàn bà có chửa và một anh thợ đóng quan tài. Khi đó, nhìn người thợ đóng quan tài, cụ viết:

Thiên thiêm tuế nguyệt nhân thiêm thọ
Xuân mãn càn khôn mãn phúc đường


Ý của câu đối là: Trời thêm năm tháng, con người thêm tuổi thọ Xuân tràn đầy trong trời đất, phúc lộc đến đầy nhà.

Trao câu đối cho anh thợ đóng quan tài xong, nhìn người đàn bà có chửa, cụ lại viết hệt như câu trước nhưng mỗi dòng bỏ bớt đi một chữ, thành:

Thiên thiêm tuế nguyệt nhân thiêm
Xuân mãn càn khôn mãn phúc


Ý của câu đối: Trời thêm năm tháng, (chị) có thêm người. Xuân tràn đầy trong trời đất, bụng bụng cũng to thêm (chữ “mãn” là đầy, chữ “phúc” là bụng).

Cùng là một câu nhưng chỉ thêm hai chữ/bớt hai chữ mà thành 2 câu đối hoàn toàn khác nhau, dùng cho 2 đối tượng khác nhau. Đúng là chỉ có bậc Thánh- Cao Bá Quát mới làm được.

Câu đối có thể có nhiều cấp độ: đối chỉnh, đối tương đối chỉnh, đối không chỉnh. Đó cũng là 3 yêu cầu đặt ra cho người viết và không phải ai cũng đạt được điều đó. Các bậc túc nho xưa, nhiều người đã đạt đến trình độ như vậy. Ví dụ:

Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa
Sáng mồng một, rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà

                            (Nguyễn Công Trứ)

Đây là một câu đối hay và thuộc loại đối chỉnh vì trong đó từ ngữ đối nhau “chan chát” cả ở cấp độ từ và cụm từ. Các từ đối ứng với nhau về âm thanh và ý nghĩa (gồm các từ trái nghĩa hoặc các từ trong một trường nghĩa): chiều/sáng, tít mù/túy lúy, đạp/bồng, thằng/ông, bần/phúc, ra/vào, nhà/cửa. Các cụm từ đối ứng với nhau: chiều ba mươi/sáng mồng một, nợ hỏi tít mù/rượu say tuý luý, co cẳng/giơ tay, đạp thằng Bần/bồng ông Phúc, ra cửa/vào nhà.

Tương tự như vậy, câu đối mà tác giả làm từ thuở hàn vi cũng là một câu đối chỉnh, trong đó có sự đối ứng đều đặn giữa các từ và các cụm từ:

Tết đến không tiền vui chi Tết
Xuân về hết gạo đón chi Xuân


Những câu đối thuộc loại đối chỉnh bao giờ cũng giàu âm hưởng vì người làm câu đối luôn chú ý đến cả hai phương diện âm thanh và ngữ nghĩa. Điều này thể hiện tinh thần lao động cẩn thận, công phu của người viết. Kiểu viết câu đối như vậy ngày nay tồn tại không nhiều. Có không ít người, mỗi khi Tết đến cũng muốn trổ tài trước thiên hạ, thi nhau làm câu đối, nhưng nhiều khi người đọc thấy khó chịu bởi sự cẩu thả hoặc coi thường của tác giả đối với bạn đọc. Kết quả là có khá nhiều câu đối trong đó chữ nghĩa lại “vênh” nhau...

Ngày Tết nói chuyện về câu đối để thêm hiểu về nét đẹp văn hóa của dân tộc. Đây cũng là một dịp cùng trao đổi để mỗi khi Tết đến chúng ta sẽ có nhiều câu đối hay hơn, chỉnh hơn, vè đẹp hơn nữa.
 

Tết Ất Mùi 2015

Hữu Đạt

.